Thứ 5, 09/05/2024 15:39:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:01, 22/08/2020 GMT+7

Người dân vùng “rốn lũ” Phú Sơn: Rất mong có cây cầu kiên cố

Xuân Túc
Thứ 7, 22/08/2020 | 08:01:00 1,383 lượt xem
BPO - Gần 1 năm sau cơn lũ lịch sử tràn qua, với sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự sẻ chia của cộng đồng, người dân vùng “rốn lũ” Phú Sơn, huyện Bù Đăng đang dần ổn định cuộc sống. Thế nhưng đối với người dân thôn Sơn Lang, họ vẫn nơm nớp những nỗi lo về đường giao thông. Cùng với đó là mong ước có một cây cầu vững chãi nối hai bờ sông Lấp để đảm bảo an toàn mỗi lần qua sông, nhất là trong mùa mưa bão.

Người dân qua lại trên cây cầu treo dân sinh do các hộ dân trong thôn Sơn Lang, xã Phú Sơn, huyện Bù Ðăng đóng góp tự làm, bên dưới nước sông Lấp dâng cao và chảy xiết

ÐƯỜNG CÓ NHƯ KHÔNG

Trước đây, mặc dù tuyến đường giao thông huyết mạch của Sơn Lang đã xuống cấp, nhưng ít nhiều cũng đảm bảo cho người dân trong thôn đi lại và vận chuyển nông sản như cà phê, tiêu, điều, cao su. Tuy nhiên, từ sau trận lũ lịch sử cách đây gần 1 năm, con đường “đau khổ” ấy không còn là đường, bởi những trận mưa lớn đã cuốn đi hết lớp đất, mặt đường trơ đá. Vào mùa mưa, các loại xe gắn máy dù được trang bị thêm “áo giáp” bằng xích cũng rất khó khăn trong việc lưu thông. Đây cũng là con đường huyết mạch cho cả người dân các xã lân cận là Thọ Sơn, Đắk Nhau, huyện Bù Đăng thường xuyên qua lại vận chuyển nông sản đi tiêu thụ, cũng như mua vật tư, phân bón, xăng dầu… về phục vụ phát triển sản xuất. Hiện đường xuống cấp nghiêm trọng khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.Anh Hoàng Văn Quan thường xuyên qua lại trên tuyến đường này cho biết: “Do có con nhỏ đang đi học tại điểm trường Sơn Lang thuộc Trường tiểu học Phú Sơn nên ngày nào tôi cũng lưu thông trên tuyến đường này. Nhà cách trường khoảng 5km, nhưng tôi đành phải gửi con ở bán trú tại trường vì việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Mùa nắng mất chừng 30 phút di chuyển, vào mùa mưa từ nhà đến trường cũng phải hết cả tiếng đồng hồ. Nhiều hôm phải dậy từ 5 giờ sáng đưa con đến trường vì sợ trễ giờ học. Mùa mưa chỉ có đàn ông vững tay lái mới dám di chuyển trên tuyến đường này”.

Chiếc cầu treo dân sinh với chiều dài gần 60m rung lắc mạnh mỗi khi có người qua lại

Anh Điểu Nguyệt, công an viên thôn Sơn Lang chia sẻ: “Thôn Sơn Lang có hơn 320 hộ, gần 2.000 người, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Hằng ngày, hàng trăm người dân vẫn thường xuyên qua lại trên tuyến đường này. Với việc đường xuống cấp, thôn cũng đã cố gắng tu sửa nhưng không thấm vào đâu. Tuyến đường này quá dốc, sau một trận mưa, đất lại bị cuốn trôi theo dòng nước. Vì vậy, người dân trong thôn mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm, đầu tư hỗ trợ nhân dân làm đường kiên cố”.

CẦN LẮM 1 CÂY CẦU

Nhớ lại những năm trước đây, để băng qua sông Lấp vào mùa mưa, trong một thời gian dài, người dân thôn Sơn Lang phải bất chấp nguy hiểm đu mình trên sợi dây cáp tự chế. Thấu hiểu nỗi khổ của người dân nơi đây, đầu năm 2018, Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư xây dựng cầu treo Sơn Lang với tổng kinh phí lên tới 3,5 tỷ đồng. Đây là một phần trong dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Cây cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2018 trong niềm vui vỡ òa của đông đảo người dân nơi đây. Thế nhưng, niềm vui ấy “chẳng tày gang” khi cuối năm 2019, trận lũ lịch sử đã cuốn phăng cây cầu trong sự tiếc nuối của người dân.

Ðầu tháng 8-2019, tại Bù Ðăng, đợt mưa lũ lịch sử đã làm 4 căn nhà bị ngập sâu, 3 căn nhà bị sạt lở, 7 chòi canh rẫy của người dân bị lũ cuốn trôi; 24,5 ha cà phê, 23,5 ha điều và cao su, 7,5 ha cây ăn trái, 44,5 ha hoa màu cùng cây trồng khác bị hư hại. Ngoài ra, có 2 cây cầu dân sinh bắc qua sông Lấp, 1 cống thoát nước, 1 cầu bê tông, 13 máy dầu phục vụ tưới tiêu, 2 xe máy, 1 hệ thống năng lượng mặt trời và 1 diamo điện của các hộ dân bị lũ cuốn trôi... Ước thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện Bù Ðăng khoảng 7,5 tỷ đồng. Trong đó, thôn Sơn Lang chịu ảnh hưởng nặng nhất. Theo thống kê sơ bộ, ngoài việc cuốn trôi và làm hư hỏng cầu dân sinh, đường giao thông, cơn lũ lịch sử này còn khiến người dân thôn Sơn Lang bị thiệt hại trên 70 ha cây trồng các loại.

Theo nhiều người dân vùng “rốn lũ”, điều quan ngại nhất với họ hiện giờ không phải là đường đi mà cần một cây cầu vững chãi. Bởi vào mùa khô người dân có thể liều lội sông qua lại, tuy nhiên mùa mưa đến, nước sông Lấp dâng cao, lại chảy xiết, rất nguy hiểm. Để giải quyết vấn đề trước mắt, vừa qua 32 hộ dân trong thôn đã đóng góp 35 triệu đồng, 11 ngày công để làm cây cầu treo tự chế với chiều dài gần 60m. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, đây chỉ là cây cầu tạm bợ, mặt cầu được ghép bằng ván, chiều cao từ cây cầu đến mặt nước khoảng 3m, hai bên thành cầu được chằng dây kẽm để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông qua đây. Đặc biệt, trọng lực của cây cầu chủ yếu dựa vào các sợi dây cáp đấu nối vào các cây gỗ hai bên mố cầu, nên chỉ một chiếc xe máy chạy qua cũng khiến cây cầu rung lắc mạnh.

“Cầu này do các hộ dân chúng tôi tự góp tiền, tự mua vật liệu và thi công. Mỗi lần có người qua cầu, chúng tôi thu phí 10 ngàn đồng để làm quỹ tu bổ lại cầu. Sợ rằng mùa mưa đang đến, chỉ cần một trận lũ nhỏ thì cây cầu có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào” - anh Hoàng Văn Nhì, người dân thôn Sơn Lang lo lắng.

Ông Vũ Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, cho biết: Sau khi cầu treo Sơn Lang bị lũ cuốn trôi, chúng tôi cũng đã có báo cáo, kiến nghị đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Hiện đã bước vào mùa mưa, nước sông Lấp đang dâng cao nên người dân tự khắc phục khó khăn bằng việc làm cầu dân sinh. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Về phía địa phương, chúng tôi mong muốn UBND tỉnh, huyện, các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ xây cầu kiên cố, giúp người dân lưu thông an toàn, thuận lợi.

  • Từ khóa
94748

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu