Thứ 5, 09/05/2024 16:54:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:02, 15/08/2020 GMT+7

Không chủ quan với bệnh bạch hầu (Bài cuối)

 Xuân Túc
Thứ 7, 15/08/2020 | 08:02:00 814 lượt xem

CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ

BPO - Với diễn biến bệnh bạch hầu có xu hướng phát triển khó lường và dự báo nguy cơ bùng phát trên diện rộng, nhất là khu vực vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có tỷ lệ tiêm chủng mở rộng thấp, ngành y tế đã chủ động phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh khẩn trương triển khai các giải pháp để kiểm soát bệnh, không để bệnh lây lan trên diện rộng và hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.

Khẩn trương vào cuộc

Tại huyện Bù Đăng, sau khi xuất hiện ca dương tính đầu tiên với bệnh bạch hầu, Trung tâm Y tế huyện phối hợp Trạm Y tế xã chủ động khoanh vùng, phun thuốc khử trùng tại nhà bệnh nhân và các khu vực lân cận. Đồng thời, rà soát, xác định 32 trường hợp tiếp xúc gần để cấp thuốc điều trị dự phòng, tiêm phòng vắc-xin và khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, hạn chế đi ra ngoài và tiếp xúc với người khác.

Chị Thị Bé ở thôn Thống Nhất, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng cho biết: Khi nhận được thông báo của chính quyền địa phương về tình hình ca bệnh bạch hầu tại địa bàn, chúng tôi cũng thấy lo lắng. Tuy nhiên, sau khi nghe cán bộ y tế giải thích và tuyên truyền về biện pháp phòng bệnh, đồng thời phát khẩu trang, thuốc kháng sinh, tiêm vắc-xin cho những người tiếp xúc gần nên chúng tôi cũng đã yên tâm phần nào. Chúng tôi tuyệt đối tuân thủ mọi hướng dẫn của cán bộ y tế để sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Bác sĩ Trần Duy Thao, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đắk Nhau cho biết: Ngay sau khi nhận được thông báo về ca bệnh bạch hầu đầu tiên, hơn 250 hộ dân với trên 2.100 người ở thôn Thống Nhất đã hợp tác với ngành y tế và chính quyền địa phương trong việc khai báo y tế, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu. Đồng thời, chấp hành tốt việc uống thuốc kháng sinh dự phòng và khử trùng toàn bộ khu vực sinh sống đối với những trường hợp liên quan.

Ngay sau khi phát hiện một trường hợp bị bệnh bạch hầu, cán bộ y tế huyện Bù Đăng đã đến nhà phun thuốc khử trùng phòng bệnh lây lan

“Chúng tôi cũng đã khuyến cáo người dân hạn chế đi lại những nơi mà ngành y tế đã khoanh vùng, cách ly. Để phòng chống bệnh hiệu quả, người dân cần tiếp tục đeo khẩu trang; hạn chế tập trung, đến chỗ đông người; tăng cường vệ sinh cá nhân, nơi ở, môi trường sống. Khi phát hiện các dấu hiệu sốt, ho, đau họng thì đến cơ sở y tế khám, tư vấn để được hỗ trợ kịp thời” - bác sĩ Thao chia sẻ thêm.

Đối với huyện Lộc Ninh, ngay sau khi phát hiện trường hợp mắc bệnh bạch hầu, Trung tâm Y tế huyện đã tiến hành phun khử khuẩn tại nhà bệnh nhân, xử lý môi trường tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Đồng thời, khoanh vùng, giám sát đối tượng, lập danh sách theo dõi 108 người tiếp xúc với bệnh nhân, lấy mẫu xét nghiệm 22 trường hợp tiếp xúc gần. Ngay sau khi bệnh xảy ra, huyện Lộc Ninh đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan tiến hành phun khử khuẩn, rà soát, khoanh vùng đối tượng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, đặc biệt là khu vực ấp Tà Tê 1, xã Lộc Thành đề cao cảnh giác, chủ động ứng phó kịp thời đối với bệnh bạch hầu.

Bà Trần Thị Bích Lệ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Lộc Ninh cho biết: “Huyện đã cắt cử cán bộ y tế tới từng hộ dân mỗi buổi sáng để nhắc nhở cũng như giám sát việc uống thuốc phòng bệnh theo đúng quy định. Bên cạnh đó, để tránh gây hoang mang cho người dân, chúng tôi đã tổ chức các chuyến xe lưu động thông báo cho nhân dân về tình hình bệnh cũng như cách phòng tránh”.

Tiêm chủng góp phần đẩy lùi dịch bệnh bền vững

Trước diễn biến phức tạp của bệnh, ngành y tế đã tăng cường công tác tiêm chủng mở rộng mang tính lâu dài và bền vững. Theo đó, đối với trẻ dưới 1 tuổi nếu chưa tiêm đủ 3 liều vắc-xin “5 trong 1” sẽ chủ động rà soát để tiêm vét. Đối với trẻ từ 18 đến dưới 48 tháng tuổi nếu chưa được tiêm nhắc lại mũi vắc-xin có thành phần bạch hầu thì các địa phương phải tổ chức tiêm vét cho các đối tượng này. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đã xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin chứa 2 thành phần bạch hầu - uốn ván (TD) theo lộ trình cho trẻ 7 tuổi, dự kiến vào đầu năm học 2020-2021.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 2 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu tại 2 huyện. Các trường hợp này chúng tôi đã chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh để được điều trị tốt hơn. Hiện sức khỏe 2 bệnh nhân đã chuyển biến tốt. Các trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhân, qua xét nghiệm ban đầu đều cho kết quả âm tính với bệnh bạch hầu. Nhìn chung, tình hình bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn trong tầm kiểm soát.

Bà Nguyễn Thị Dạn ở ấp Thuận Bình, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú đang ngồi chờ tiêm vắc-xin “5 trong 1” cho cháu nội tại Trạm Y tế xã, chia sẻ: “Cách đây 4 năm, địa phương đã xuất hiện bệnh bạch hầu nên gia đình cho cháu đi tiêm vắc-xin phòng bệnh. Đây là mũi tiêm thứ 3, chỉ chờ cháu đủ tuổi tiêm mũi nhắc lại nữa là đủ, may mà còn vắc-xin, không thì lo lắm”.

Bác sĩ Đinh Thị Tuyết Lan, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thuận Lợi cho biết: “Trong công tác tiêm chủng, quan trọng nhất là đúng độ tuổi. Từ 2 tháng trở lên sẽ tiêm mũi “5 trong 1”, trong đó có thành phần bạch hầu; 18 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi có thêm mũi nhắc lại. Hằng tháng, Trạm Y tế xã tiêm chủng vào ngày 22 và 23. Từ tháng 8 trở đi sẽ tăng cường tiêm chủng vào ngày 21. Qua đó, vừa tuyên truyền vừa nắm bắt các đối tượng chưa được tiêm chủng để thông tin trực tiếp hay qua nhân viên y tế thôn bản vận động phụ huynh đưa trẻ đến tiêm chủng đầy đủ”.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bạch hầu là bệnh cổ điển, tử vong chủ yếu do độc tố của bạch hầu gây ra. Tuy nhiên, bạch hầu có cả vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu.Do đó để ngăn chặn dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin là một trong những biện pháp hiệu quả nhất.

“Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch rà soát lại các đối tượng cần tiêm chủng tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, được xem là vũng lõi xuất hiện bệnh, để tham mưu kinh phí từ ngân sách địa phương hỗ trợ các đối tượng này. Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục tăng cường giám sát vấn đề tiêm chủng trên địa bàn toàn tỉnh để tất cả đối tượng trong chương trình tiêm chủng mở rộng phải được tiêm đủ mũi, đủ liều, đúng lịch. Nếu chúng ta không làm tốt công tác tiêm chủng mở rộng thì rất khó ngăn chặn bệnh bạch hầu” - bác sĩ Nguyễn Văn Sáu nhấn mạnh.

  • Từ khóa
94746

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu