Thứ 6, 03/05/2024 20:24:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:10, 18/05/2020 GMT+7

Hồ tiêu một thời hào quang - Bài cuối

Ngọc Bích - Xuân Túc
Thứ 2, 18/05/2020 | 15:10:00 413 lượt xem

BPO - Bỏ lại miền đất hứa - nơi những người dân di cư từng đến Bình Phước lập nghiệp xem là quê hương thứ 2 để một lần nữa đi tìm cánh cửa mới. Nhưng không phải ai ra đi cũng tìm được lối thoát, giống như lần di cư trước - không phải ai cũng thành tỷ phú “vàng đen”.

PHÍA SAU CÁNH CỬA MỚI

Đến lập nghiệp ở Bình Phước, ít nhất một lần những nông dân di cư đã lên kế hoạch phát triển cho hành trình lập nghiệp của mình. Những tưởng dây tiêu quấn chặt với cuộc đời họ, cuộc sống mãi sung túc. Ít ai ngờ rằng đang ở đỉnh cao của hào quang do “vàng đen” mang lại bỗng dưng tắt lịm, họ đã phải một lần nữa xây dựng lại cuộc đời.

SỰ BẮT ĐẦU BẤT ĐẮC DĨ

Trải qua bao nhiều lần chuyển đổi, nông dân mới chọn được cây trồng biến mình thành tỷ phú. Nhiều nông hộ trồng tiêu ở Bình Phước cứ nghĩ rằng, ánh hào quang sẽ dừng lại nơi đây. Tên của những ngôi làng tỷ phú sẽ không thay đổi nữa. Nhưng khi “vàng đen” hết thời hoàng kim thì tài sản, công sức, mơ ước của nông hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh bị tan biến. Nếu chỉ đơn thuần cây tiêu bị bệnh và số nợ ở các ngân hàng cũng không làm cho nông hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh rơi vào kiệt quệ. Vậy điều gì khiến nhiều người phải thực hiện cuộc di cư lần thứ 2 trong đời để đi tìm ánh sáng ở cánh cửa mới từ một nơi xa?! Có thể nói đây là lần bắt đầu lại một cách bất đắc dĩ.

Khi nguồn thu chủ yếu phụ thuộc vào cây tiêu, tiêu chết nhiều hộ trồng tiêu không có tiền đáo hạn ngân hàng buộc phải tìm đến “tín dụng đen” để giải quyết tình thế trước mắt. Nhưng khi đáo hạn, ngân hàng xét về hiệu quả của sự đầu tư nên đã giảm số tiền cho vay... Điều này khiến nhiều hộ bị hụt tiền trả khoản vay nóng. Trong khi tiền lãi cho vay nóng 3.000/triệu đồng/ngày. Áp lực từ các khoản “tín dụng đen”, trả lãi định kỳ và nợ gốc ở các ngân hàng khiến các nông hộ trồng tiêu phải chọn phương án đổi đời ở tuổi xế chiều hoặc tạm thời đi làm ăn xa. Tuy nhiên, với khoản nợ khủng trong khi số tiền đi làm thuê nhỏ giọt thì khó mà cân đối được số nợ hiện nay...

Bà Trần Thị Lan, Trưởng thôn 10, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập cho biết: Trong thôn xảy ra tình trạng thanh niên, hay những cặp vợ chồng trẻ bỏ nhà cửa, vườn rẫy, gửi con cho người thân hoặc dẫn theo con di cư về thành thị, khu công nghiệp để tìm việc làm. Vừa qua, trong thôn xảy ra trường hợp đau lòng, khi một cháu vì lo kiếm tiền trả nợ cho gia đình đã tới tận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để làm thuê nhưng không may bị tai nạn đuối nước.

Ông Nguyễn Công Nhiêm ở thôn 10, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây ngắn ngày với mong muốn vực lại kinh tế gia đình

“Có những trường hợp đi không được, ở không xong, cả đời chỉ biết lao động, tích cóp từng đồng để đầu tư vào vườn rẫy. Tiêu chết, nợ chồng chất, nếu không được hỗ trợ chắc vợ chồng tôi chết theo cây tiêu luôn” - anh Nguyễn Văn Đủ nói trong cay đắng.

Còn ở thủ phủ tiêu Lộc Ninh, nhiều hộ đầu tư trồng tiêu ở các tỉnh khác cũng điêu đứng quay về quê hương. “Vào thời tiêu có giá cao, trong ấp có 20 hộ qua Đắk Nông mua đất trồng tiêu với diện tích lên đến hàng chục héc ta. Đến nay, nhiều hộ đang rao bán vườn tiêu ở Đắk Nông nhưng không ai mua mặc dù bán lỗ, bán tháo. Điển hình là ông Đinh Thế Sang đầu tư ở tỉnh Đắk Nông 4 ha tiêu với số tiền 1,7 tỷ đồng, hiện rao bán 1,2 tỷ đồng nhưng chưa bán được” - ông Đào Nguyên Ba, Trưởng ấp 6, xã Lộc Hòa (Lộc Ninh) cho biết.

Từ một vùng đất sản sinh ra những triệu phú, tỷ phú nhờ “vàng đen”, dù học chưa hết phổ thông nhưng họ gánh trên vai cả một “ngành kinh tế”, ấy vậy chỉ vài ba năm sau, những khuôn mặt ấy đang khô héo dần vì hồ tiêu...

ĐI TÌM LỐI THOÁT

Tiêu chết không chỉ để lại hậu quả trực tiếp đến cuộc đời những người trồng tiêu. Doanh nghiệp, đại lý phân bón, thu mua nông sản từng đóng vai ngân hàng thứ 2 cho nông dân vay tiền, mua thiếu, đến mùa thu hoạch, nông dân sẽ bán hàng cho họ. Khi cơn bão quét qua - ánh hào quang thời hoàng kim của “vàng đen” cũng tắt lịm.

Tính đến ngày 30-10-2019, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của chi nhánh ngân hàng là 1.785 tỷ đồng với 5.270 khách hàng. Riêng khách hàng vay đầu tư chăm sóc phát triển hồ tiêu 570 tỷ đồng với 1.600 khách hàng, chiếm 30% số lượng khách hàng và dư nợ. Nợ xấu vay đầu tư hồ tiêu trên địa bàn huyện Bù Gia Mập 7,5 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là khách hàng ở xã Đắk Ơ.
Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh huyện Bù Gia Mập Trần Văn Vinh

Trước thực trạng tiêu chết hàng loạt, hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại xã Đắk Ơ có diện tích hồ tiêu chiếm 1/10 của tỉnh và cũng là nơi có nhiều hộ dân vỡ nợ đã tìm đến cơ quan chức năng để cầu cứu, mong được khoanh nợ hoặc giãn nợ. Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh huyện Bù Gia Mập Trần Văn Vinh cho rằng: Việc kiến nghị khoanh nợ của các hộ dân chưa đầy đủ hồ sơ, tài liệu. Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ và phát triển nông nghiệp, nông thôn, tại Khoản 11, Điều 3 quy định: “Thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng là trường hợp thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp xảy ra trên phạm vi rộng trong một hoặc nhiều tỉnh, thành phố gây thiệt hại cho nhiều cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp và được cấp có thẩm quyền xác nhận, thông báo về tình trạng thiên tai, dịch bệnh”. Theo quy định này, người dân phải có thông báo công bố dịch bệnh trên hồ tiêu của UBND tỉnh Bình Phước.

Sự vào cuộc của ngành nông nghiệp ngay lúc này sẽ như “la bàn” định hướng giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng quy hoạch và đúng hướng. Làm được điều này sẽ tiết kiệm được tiền của, thời gian, sức lực của nông dân. Đồng thời, có giải pháp kỹ thuật cứu lấy các vườn tiêu đang khỏe mạnh để giữ diện tích hồ tiêu đúng quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Làm được những điều này sẽ giúp người dân ổn định sản xuất, vực dậy kinh tế, không còn xảy ra tình trạng nông hộ trồng tiêu kêu cứu vì vỡ nợ. Và Bình Phước sẽ là nơi sản sinh ra nhiều tỷ phú “vàng đen”, tỷ phú về các cây nông sản chủ lực nhưng không bị soán ngôi trước cơ chế thị trường.

  • Từ khóa
94716

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu