Thứ 5, 09/05/2024 15:08:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:24, 07/05/2020 GMT+7

Gian nan bảo vệ  “lộc rừng” - Bài 2

Thùy Hương
Thứ 5, 07/05/2020 | 06:24:00 701 lượt xem
BPO - Kiếm được tiền triệu mỗi ngày nhờ “săn” ươi - một trong những “lộc rừng” không phải nơi nào cũng có. Nhưng như người xưa từng nói “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, vụ năm nay 1 thanh niên ở huyện Bù Đăng đã thiệt mạng ngay dưới gốc ươi. Không chỉ vậy, vấn đề cũng được đặt ra về công tác quản lý, bảo vệ rừng.

 “...RƯNG RƯNG NƯỚC MẮT”

Hạt ươi đang đem lại nguồn thu nhập lớn cho một số người. Tuy nhiên, việc khai thác “lộc rừng” theo kiểu tận thu đang từng bước “khai tử” rừng ươi, làm cạn kiệt nguồn thu của chính người dân. Mặt khác, việc trèo lên chặt cành, mé nhánh ươi đang đe dọa tính mạng họ. Điển hình nhất, mùa ươi năm nay, 1 thanh niên đã thiệt mạng ngay dưới gốc ươi. Vì vậy, về lâu dài ngành chức năng cần có giải pháp vừa thu được nguồn sản vật quý từ rừng như mật ong, măng, hạt ươi… lại bảo vệ được cây rừng. Bởi bảo vệ rừng là để rừng đem lại nguồn lợi cho chúng ta.

Trong chuyến đi rừng lấy ươi gần đây nhất, anh Đ.T và 5 người bạn cùng nhóm ở xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng kiếm được mỗi người khoảng 2 triệu đồng. Để có được số tiền đó, nhóm anh T phải gùi trên vai mỗi người khoảng 30kg đi đường rừng núi gần 4km. Mặc dù được đơn vị quản lý tuyên truyền, cho viết bản cam kết khi vào rừng không được sử dụng lửa, không được cắt cây, mé cành, nhưng khi gặp những cây trái đã già, ươi bay ít thì người dân vẫn trèo lên ngọn cắt toàn bộ cành để “thu hoạch”...

LỢI ÍCH NHỎ TRƯỚC MẮT

Chúng tôi được anh T dẫn đến một khu ở bìa rừng Cát Tiên, cách Trạm kiểm lâm khoảng 1km. Nơi đây có một số cây ươi đang cho trái, trong số đó có khoảng 3 cây bị cắt toàn bộ cành. Dưới gốc cây là một khoảng đất trống có nhiều cành ươi đã khô, có cành đường kính khoảng 5-7cm. Bên cạnh là một số cây ươi có trái đã ngả vàng chuẩn bị “bay”.

Tại vùng đệm Vườn quốc gia Cát Tiên (khu vực xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng), nhiều người dân bất chấp nguy hiểm trèo lên cây cao hàng chục mét để thu hái ươi

Hiện nay, việc vào rừng thu lượm trái ươi đang bị nghiêm cấm. Mặt khác, những người vào rừng lấy ươi trái phép cũng đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm bởi phải đi đường rừng từ 4-5km, rồi nguy cơ bị rắn, rết, vắt tấn công... Nguy hiểm nhất là việc trèo lên cây ươi để chặt cành. Có mặt tại khu vực ươi đang cho trái, chúng tôi mới thấy hết những nguy hiểm rình rập người đi lấy ươi. Cây ươi mọc thẳng đứng và vút cao lên tầng trên cùng của khu rừng đón đủ nắng để quang hợp. Do đó, cây ươi chỉ có một chòm cành trên cùng. Tùy theo độ tuổi, cây cổ thụ thường có đường kính tán cây trên 10m, những cây dưới 30 năm tuổi tán cây có đường kính dưới 10m. Do phải vươn lên tầng trên cùng nên thân cây ươi nhỏ và suôn thẳng, đường kính thân từ 50-80cm, phần giáp ngọn còn khoảng 20cm, những cây cổ thụ thì đường kính thân khoảng 1m.

Nếu chỉ lượm “ươi bay” thì lâu lắm, với lại mình không chặt cành để lấy ươi thì người khác cũng làm. Do đó, hầu hết người dân vào rừng lấy ươi, khoảng 80% lấy được là ươi tươi.

Anh Đ.T có nhiều năm kinh nghiệm  “săn lộc rừng” ở xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng

Những cây ươi cho trái thường cao trên 25m, do đó để trèo tới ngọn cây những người đi rừng phải đem theo đinh đóng vào thân cây. Theo lời kể của anh Đ.T, mỗi người đi rừng thường mang theo ít cũng 2-3kg đinh 10 (loại đinh dài 10cm) và búa đóng đinh, dao rựa... Khi tìm thấy những cây ươi có trái đã già, một người trong nhóm trèo lên cây chặt cành ươi. Để trèo lên cây nhanh và an toàn, họ dùng đinh đóng vào thân cây ươi để làm chỗ đạp chân, đồng thời thắt dây đai an toàn vừa trèo vừa đóng đinh vào thân theo hình bậc thang lên đến ngọn cây.

...TRẢ GIÁ ĐẮT LÂU DÀI

Tưởng chừng việc trèo lên cây ươi rất an toàn và dễ dàng, nhưng lại tiềm ẩn những nguy hiểm chết người. Trong rừng có rất nhiều ong, đặc biệt là ong khoái. Cuối mùa khô là thời điểm ong tích mật ở tổ nên rất hung dữ. Do đó, khi đóng đinh hay chặt mé cành phát ra tiếng động, ong lập tức bay ra tấn công. Chỉ cần một con ong tấn công là cả đàn đuổi theo. Khi đang ở độ cao trên vài chục mét mà bị cả đàn ong khoái tấn công thì rất nguy hiểm. Do đã đóng đinh để trèo nên khi bị ong tấn công không thể ôm cây tụt xuống cho nhanh được. Có người sớm phát hiện đàn ong tấn công nhanh chân trèo xuống nhưng khi cách mặt đất khoảng 4-5m là tháo dây an toàn nhảy luôn... Mùa ươi năm nay có 2 trường hợp bị ong khoái tấn công không kịp trèo xuống mà bị rớt từ trên cao xuống đất. Một trường hợp rớt trúng bụi rậm có nhiều dây leo nên may mắn thoát chết. Trường hợp khác bị chấn thương nặng phải đưa đi cấp cứu.

Vườn quốc gia Cát Tiên có khoảng 4.000 ha trên địa phận Bình Phước. Để quản lý, bảo vệ rừng, tại thôn 12, xã Thống Nhất, Ban quản lý rừng thành lập một Trạm kiểm lâm liên ngành, trong đó có 5 cán bộ kiểm lâm ngày đêm canh giữ rừng. Bên cạnh đó, Ban giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên cũng giao 1.300 ha rừng cho 3 tổ với 45 hộ dân tại xã Thống Nhất nhận khoán bảo vệ rừng. Mùa ươi năm nay, Trạm kiểm lâm liên ngành đã họp các tổ nhận khoán tuyên truyền, đồng thời yêu cầu các hộ nhận khoán cam kết không để xảy ra tình trạng chặt hạ cây ươi để lấy hạt.

Thương tâm nhất là vào đầu tháng 4 năm nay, anh Đ.R ở xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng bị thiệt mạng khi đi lấy ươi. Theo lời kể của các nhân chứng, hôm anh R bị tai nạn, cả nhóm hơn chục người vào rừng lấy ươi. Khi gần vào khu vực có ươi thì nhóm tách làm hai. Đ.R cùng anh trai và một số người khác đi chung một nhóm. Tìm thấy ươi, anh trai Đ.R trèo lên cây để chặt mé cành. Mặc dù được anh trai bảo đi ra xa kẻo cành rơi trúng nhưng R vẫn quanh quẩn dưới gốc cây. Ở trên cao, anh trai tưởng R đã ra xa nên thả mé cành xuống. Không ngờ cành cây rớt xuống trúng vào đầu của anh R dẫn đến tử vong.

Chị Hoàng Thị Thúy, Bí thư Chi bộ thôn 12, xã Thống Nhất cho biết, Đ.R lấy vợ, sau đó chuyển ra xã Đức Liễu sinh sống. Ươi năm nay được mùa nên Đ.R cùng người dân ở đây vào rừng lấy ươi. Hôm Đ.R mất, thôn cũng nhận được thông tin và tổ chức hỗ trợ gia đình. Tuy nhiên, gia đình đưa về Đức Liễu mai táng.

  • Từ khóa
94709

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu