Thứ 5, 09/05/2024 23:53:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:57, 22/04/2020 GMT+7

Nông dân Lộc Thịnh “rát” vì nắng hạn

Thùy Linh 
Thứ 4, 22/04/2020 | 07:57:00 562 lượt xem
BPO - Thời gian qua, do mùa khô đến sớm và nắng nóng kéo dài đã khiến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh thiếu nước nghiêm trọng, nhất là ở những xã vùng sâu, xa, vùng biên giới. Đối với cây cao su, điều thì có thể chịu hạn nhưng với cây ăn trái, hồ tiêu và cây lúa thì không thể thiếu nước. Hiện ở địa bàn xã Lộc Thịnh (Lộc Ninh), nhiều cánh đồng, khu vườn của nông dân đang phải bỏ không hoặc bỏ mặc cho chết dần, chết mòn vì không có nước tưới.

Cây trồng “khát” nước

Từ nhiều tháng nay, nắng nóng liên tục dẫn đến nguồn nước tưới bị cạn kiệt, nhiều hộ dân ở ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh (Lộc Ninh) phải đào thêm giếng, thậm chí đào sâu hơn 25m nhưng vẫn không có nước. Nhiều gia đình có điều kiện khoan thêm giếng nhưng cũng không đủ nước tưới nên hàng chục hécta cây ăn trái, cây tiêu đang đứng trước nguy cơ mất mùa. Mặc dù trong vườn có 5 giếng khoan nhưng cũng không đủ nước tưới, hơn 1 tháng nay, bà Trần Thị Quyến phải xin nước giếng của các hộ xung quanh tưới 5 ha cây ăn trái. Nước được dẫn về một cái ao nhỏ, bơm tưới tiết kiệm nhưng cũng rất hạn chế. Thiếu nước, vườn cây bắt đầu héo lá, khô cành, bà Quyến buộc phải cưa bỏ gần 300 cây cam, quýt, bưởi. Năm trước, thu nhập từ vườn cây ăn trái khoảng 500 triệu đồng, còn năm nay thiếu nước tưới nên bị mất mùa, bà Quyến quyết định bỏ không chăm sóc.

Anh Tạ Văn Hòa ở ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh (Lộc Ninh) cưa những cây quýt, bưởi bị chết vì khô hạn

Nắng hạn kéo dài khiến hơn 4 ha cây ăn trái của hộ  ông Vũ Văn Minh ở ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh bị héo lá, khô trái. Anh Tạ Văn Hòa, người trông coi vườn cho ông Minh nói: “Mọi năm, thời điểm này nước vẫn đủ tưới, vậy mà giờ nước giếng cạn. Ở đây xa hồ thủy lợi, suối cũng cạn, không biết lấy đâu ra nước tưới. Trong vườn có 4 giếng khoan nhưng đã cạn kiệt từ cuối năm 2019, chủ vườn phải khoan thêm 3 giếng nhưng cũng không đủ cung cấp nước tưới, khiến các loại cây cam, quýt, bưởi đang ra trái non bị khô. Năm nay, không chỉ mất mùa mà còn có nguy cơ phải cưa hết vườn quýt. Giờ chỉ biết chờ mưa xuống khôi phục lại”. Để cứu vườn cây, chủ vườn đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt trong khu vườn trị giá gần 1 tỷ đồng, anh Hòa bơm nước giếng trữ lại trong bồn để tưới nhưng cũng phải rất tiết kiệm nên khả năng phát triển của cây chậm. Nhìn vườn quýt trơ trụi, người làm vườn như anh Hòa không khỏi xót xa, vì toàn bộ tiền của, công sức đầu tư hơn 7 năm qua đang có nguy cơ mất trắng.

Có kênh thủy lợi cũng không thể xuống giống

Xã Lộc Thịnh có hơn 2.000 ha đất nông nghiệp, trong đó 153 ha cây ăn trái, 53 ha tiêu và 100 ha lúa rất cần nguồn nước tưới. Trên địa bàn có hồ thủy lợi Tà Thiết cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 2 xã Lộc Thịnh và Lộc Thành (Lộc Ninh). Tuy nhiên, ở xã Lộc Thịnh chỉ có hơn 6km kênh mương nội đồng cung cấp nước tưới cho khoảng 30 ha đất trồng lúa, diện tích còn lại chỉ trồng 1 vụ vào mùa mưa.

Con suối Sung chảy qua địa bàn ấp Hưng Thịnh, xã Lộc Thịnh về ấp Hưng Thủy trước kia đầy nước thì nay cũng cạn trơ đáy. Bà con ở ấp Hưng Thủy mong Nhà nước sớm đầu tư hệ thống mương dẫn nước từ hồ thủy lợi Tà Thiết về suối Sung để cung cấp nước tưới cây trồng. Ông Phạm Văn Thủy, Trưởng ấp Hưng Thủy chia sẻ: Năm nay, nhuận 2 tháng tư (âm lịch), dự báo sẽ hạn nặng hơn. Hiện 80% giếng khoan trong ấp đã cạn nước, nhiều hộ dân khoan thêm giếng nhưng vẫn thiếu nước tưới. Nếu xả nước từ hồ thủy lợi xuống suối thời điểm này cũng không khả thi vì suối cạn quá lâu, lượng nước hao hụt rất lớn. Chỉ mong Nhà nước đầu tư hệ thống mương dẫn nước, giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất.

Thời gian gần đây, nắng nóng liên tục khiến mực nước trong hồ thủy lợi Tà Thiết cạn dần nên hệ thống kênh thủy lợi không còn nhiều nước. Anh Lâm Vy, Trưởng ấp Tà Thiết, xã Lộc Thịnh bức xúc: Bà con ở đây không chỉ thiếu nước tưới mà còn thường xuyên chịu cảnh ô nhiễm nguồn nước do các trang trại chăn nuôi lén xả thải vào hồ. Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân kiến nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các trang trại nuôi heo xả thải gây ô nhiễm nguồn nước nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Vì vậy, không ít hộ có mương dẫn nước đi qua nhưng do nguồn nước tưới bị ô nhiễm làm cây lúa chết nên bà con không dám xuống giống vụ thứ 2 mà bỏ đất hoang hoặc dự kiến chuyển đổi sang trồng cây khác như tràm và cao su.

Trước tình trạng khô hạn ở Lộc Thịnh thường xuyên diễn ra nên mùa khô năm 2017, UBND huyện Lộc Ninh đã trích ngân sách hỗ trợ mỗi ấp 1 giếng khoan giúp người dân trên địa bàn bớt khó khăn do thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thiếu, nông dân Lộc Thịnh rất cần được Nhà nước quan tâm đầu tư thêm hệ thống thủy lợi hoặc hỗ trợ giếng khoan lấy nước tưới. Ông Lưu Quang Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Thịnh cho biết: Dự báo mùa khô năm nay kéo dài nên UBND xã đã chủ động triển khai các phương án giảm thiệt hại cây trồng, như ủ gốc cây giữ ẩm, xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, vận động bà con hỗ trợ nhau nguồn nước tưới... UBND xã cũng đã đề nghị các cấp khảo sát đầu tư thêm hệ thống thủy lợi và tổng hợp danh sách các hộ thiếu nước canh tác báo cáo UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để có phương án hỗ trợ. Đối với tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường, năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện kiểm tra các trang trại chăn nuôi heo xả thải vào hồ Tà Thiết gây ô nhiễm nguồn nước. Đoàn đã lấy mẫu xét nghiệm nhưng đến nay vẫn chưa báo cáo kết quả và hướng giải quyết cụ thể, tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra khiến người dân bức xúc. Rất mong ngành chức năng sớm vào cuộc, xử lý dứt điểm để người dân yên tâm phát triển sản xuất.

Vừa qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã đi khảo sát khoan thêm 2 giếng trên địa bàn xã Lộc Thịnh. Đối với những khu vực sản xuất lúa không hiệu quả do thiếu nước, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi sang cây trồng chịu hạn, có giá trị kinh tế cao để tăng thu nhập.

  • Từ khóa
94704

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu