Thứ 2, 20/05/2024 07:07:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:46, 01/03/2020 GMT+7

Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm

Quang Minh
Chủ nhật, 01/03/2020 | 07:46:00 916 lượt xem
BPO - Từ đầu tháng 1-2020 đến nay, thế giới đã ghi nhận nhiều ổ dịch bệnh cúm gia cầm tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nguy cơ bệnh lây lan giữa các nước là rất cao. Tại nước ta, từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 5 tỉnh, thành phố gồm Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An. Trước diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, ngành chăn nuôi của tỉnh đã đẩy mạnh các biện pháp giúp doanh nghiệp và hộ chăn nuôi bảo vệ an toàn cho đàn gia cầm.

Người chăn nuôi chủ động phòng dịch

Trang trại nuôi gà Mỹ trắng của Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam, tại ấp Thuận Hải, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú là một trong những trang trại chăn nuôi gia cầm lớn trên địa bàn tỉnh với 28 ngàn con/lứa. Ông Phạm Văn Luận, quản lý trang trại cho biết, gà nuôi theo hình thức gia công, có bác sĩ thú y theo dõi, giám sát. Quy trình chăm sóc 1 ngày cho ăn 2 lần, thức ăn là cám tổng hợp. Toàn bộ thức ăn và nước uống được điều chỉnh theo hệ thống máng dẫn. Chuồng kín luôn được giữ nhiệt độ từ 28-320C, tùy theo ngày tuổi của gà. Nhận thức rõ về tính cấp bách và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, thời gian qua, trang trại liên tục theo dõi và cập nhật thông tin diễn biến về dịch cúm gia cầm để chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa. Mặc dù trên địa bàn tỉnh hiện chưa xảy ra dịch bệnh, song công ty luôn nâng cao ý thức với phương châm phòng là chính. Các chế độ về tiêm vắc-xin, kháng sinh, khử trùng được thực hiện đảm bảo khoa học.

Hằng ngày, anh Đoàn Duy Chinh ở ấp Đồng Chắc, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú đều khử trùng khu vực chuồng nuôi gà để đảm bảo an toàn dịch bệnh

Hộ anh Đoàn Duy Chinh, ở ấp Đồng Chắc, xã Tân Hòa (Đồng Phú) nuôi gà với 1.000 con/lứa. Vợ chồng anh Chinh đều là bác sĩ thú y. Đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua đã khiến kinh tế gia đình anh bị thiệt hại nặng, qua đó, anh quyết định chuyển sang chăn nuôi gà. Từ tháng 11-2019, anh Chinh nuôi lứa gà đầu tiên (giống gà Minh Dư 2 có nguồn gốc tại tỉnh Bình Định) và đã bán trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Hiện anh nuôi lứa thứ 2, gà đã có trọng lượng bình quân 8 lạng/con. Anh Chinh cho biết, giống gà này phù hợp khí hậu Bình Phước. Gà con lấy về nuôi chỉ 1 ngày tuổi, gia đình anh phải nuôi úm bằng điện. Để đảm bảo sức khỏe, phòng bệnh cho đàn gà, anh Chinh thực hiện quy trình: Khử trùng không gian chuồng nuôi, chất độn chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống 3 tuần trước khi nhập gà. Khu vực nuôi gà được cách ly riêng biệt. Không khí chuồng nuôi đảm bảo ấm về mùa lạnh, mát về mùa nóng. Thời gian nuôi 103 ngày sẽ xuất bán, khi đó bình quân trọng lượng từ 1,8-2,2kg/con. Vì thời gian nuôi gà chỉ 103 ngày/lứa/1.000 con nên 1 năm có thể nuôi được 3 lứa. Nếu giá bán trên thị trường ổn định như hiện nay (khoảng 50-60 ngàn đồng/kg) thì gia đình sẽ có thu khoảng 100 triệu đồng/năm.

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, bệnh cúm gia cầm cũng đang xảy ra tại một số địa phương, đặc biệt bệnh cúm A H5N1 có thể lây từ gia cầm sang người. Vì vậy, phòng chống bệnh cúm trên đàn gia cầm là yêu cầu cấp bách, tuyệt đối không để dịch chồng dịch đối với người. Đồng thời xây dựng được vùng chăn nuôi an toàn, phát huy thế mạnh của địa phương.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc
Phó trưởng Văn phòng phụ trách khuyến nông chăn nuôi thuộc Trung tâm Khuyến nông quốc gia 

Thời gian này, tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm diễn biến phức tạp, do vậy việc khử trùng, tiêu độc tại trại chăn nuôi 1.000 con gà của gia đình anh Mã Tiến Dũng (SN 1991) cùng ở ấp Đồng Chắc cũng được tăng cường. Hộ anh Dũng hạn chế người lạ đến khu vực chăn nuôi. Khi vào chuồng chăm sóc, anh phải phun dung dịch diệt khuẩn, rắc vôi bột khu vực trước cửa chuồng. Trong thức ăn của gà anh tăng cường hàm lượng vitamin C nhằm hỗ trợ quá trình trao đổi chất của cơ thể, giúp gà phát triển và tăng trưởng nhanh. Anh Dũng cho biết: Để chăn nuôi, gia đình đầu tư ban đầu hết 90 triệu đồng, gồm mua con giống, xây dựng chuồng, trại, mua thức ăn và các loại vắc-xin phòng bệnh. Gà được 50 ngày tuổi nên thả ra vườn cho chạy nhảy, tìm kiếm thức ăn thêm, tạo độ săn chắc của thịt. Sau 103 ngày nuôi, gà đủ trọng lượng (1,8-2,2kg/con) sẽ bán. Nuôi gà không tốn nhiều công, nếu giá bán hơn 45 ngàn đồng/kg thì người nuôi có lãi. Tuy nhiên, nuôi gà cũng như các loại gia cầm khác gặp rủi ro cao. Do vậy, đòi hỏi người nuôi phải có kiến thức và kinh nghiệm, đồng thời tuân thủ nghiêm chế độ chăm sóc và phòng chống dịch, bệnh.

Không để dịch chồng dịch

Ông Trần Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh cho biết: Năm 2019, tổng đàn gia cầm trong tỉnh có khoảng 6 triệu con. Gia cầm chăn nuôi theo quy mô trang trại 2,8 triệu con, chiếm 47,7% tổng đàn với 89 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó có 16 trang trại chăn nuôi gia công; 28 trang trại cho các công ty chăn nuôi thuê và 45 trang trại chủ đầu tư tự nuôi. Chăn nuôi gia cầm trong nông hộ khoảng 3,2 triệu con, chiếm 52,3% tổng đàn. Toàn tỉnh có 44 trại chăn nuôi theo hình thức chuồng kín, 45 trại chăn nuôi theo hình thức chuồng hở. Trong 89 trang trại gia cầm, có 5 trại gà đẻ thương phẩm, 5 trại gà giống bố mẹ, 5 trại gà hậu bị, 1 trại vịt giống đẻ, 2 trại vịt thương phẩm và 71 trang trại chăn nuôi gà thương phẩm. Đến tháng 1-2020, trên địa bàn tỉnh có 70% trang trại gia cầm được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm và Niu-cát-xơn. Trong đó, các cơ sở chăn nuôi gia cầm của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam trên địa bàn tỉnh đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định.

Đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh kiểm tra phòng, chống dịch bệnh tại trang trại gà của Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam ở thôn Thuận Hải, xã Thuận Phú (Đồng Phú)

Trang trại hoặc nông hộ phát hiện gà có triệu chứng mắc bệnh phải lập tức báo cơ quan chức năng để xử lý dứt điểm, tuyệt đối không để mất an toàn. Tại trang trại chăn nuôi, ngoài các biện pháp áp dụng an toàn sinh học, chúng tôi khuyến cáo các hộ chăn nuôi kiểm soát không để mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào. Không mua bán, trao đổi, nuôi nhốt, giết mổ, chế biến thức ăn từ thịt gia cầm ở nơi khác vào trang trại...

Ông Trần Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh

Hiện trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch, tuy nhiên, trong nước và thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Do vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang tổ chức triển khai phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Công văn số 3584-CV/TU ngày 12-2-2020 về “Chủ động phòng, chống dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm và ở người”; Công văn số 254/UBND-KT ngày 7-2-2020 của UBND tỉnh về “Khẩn trương tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh”. Trong tháng 2-2020, ngành triển khai tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng trên đàn gia cầm, đảm bảo đạt trên 80% tổng đàn. Riêng đối với các nông hộ, do tính chất nuôi nhỏ lẻ nên khó khăn trong tiêm phòng, vì phần lớn các hộ chăn nuôi theo hình thức thả trong vườn điều, không có chuồng trại, việc bắt gà để tiêm vắc-xin rất khó khăn. Khắc phục vấn đề này, ngành tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động tiêm phòng cũng như áp dụng các biện pháp nuôi an toàn sinh học. Bình Phước đang xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh trên gia cầm để phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Năm 2020, tỉnh sẽ đề nghị Cục Thú y công nhận các huyện Đồng Phú, Chơn Thành, Hớn Quản, Bình Long và thành phố Đồng Xoài là vùng chăn nuôi gà an toàn.

  • Từ khóa
94683

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu