Thứ 2, 20/05/2024 06:55:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:10, 26/02/2020 GMT+7

Bảo đảm an toàn của khách hàng và lưới điện

Quang Minh
Thứ 4, 26/02/2020 | 13:10:00 796 lượt xem
BPO - Đội quản lý tổng hợp Đức Liễu thuộc Điện lực Bù Đăng quản lý 219km điện trung áp và 180km điện hạ áp, đáp ứng nhu cầu khoảng 13.000 khách hàng thuộc các xã Đức Liễu, Nghĩa Trung, Nghĩa Bình, Thống Nhất, huyện Bù Đăng và các xã Đồng Tâm (Đồng Phú), Phước Tân (Phú Riềng). Hằng năm, nhờ chủ động phối hợp chính quyền và nhân dân các xã trong giải phóng hành lang an toàn lưới điện nên công tác quản lý, vận hành và cung cấp điện của đơn vị luôn đảm bảo kế hoạch đề ra.

An toàn là trên hết

Ông Ngô Văn Bình, Tổ trưởng tổ 2, thôn Đồng Tâm, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng có 2,5 ha điều trồng 20 năm. Đa số cây điều cao trên 10m. Trong khi đó, đường điện hạ áp 3 pha, 4 dây do điện lực quản lý chạy qua vườn điều của gia đình ông dài 90m. Dây điện mắc trên trụ cao 7,5m nên toàn bộ hệ thống điện nằm dưới tán điều. Thời điểm này, điều đang cho thu hoạch rộ. Nhiều cành sai trái nghiêng ngả vào đường dây có nguy cơ mất an toàn. Do vậy, ông Bình chủ động gọi điện thoại báo Đội quản lý tổng hợp Đức Liễu để cắt bỏ cành điều. Ông Bình nói: “Dù dây điện được bọc nhựa nhưng nếu gặp gió giật mạnh khiến cành, cây đổ ngả làm đứt dây, xảy ra chập, cháy nổ thì bị thiệt đầu tiên là gia đình tôi. Việc sử dụng điện bị gián đoạn là một chuyện nhưng không may thiệt hại về sức khỏe, tính mạng người thân thì không lường được. Thế nên, dù điều đang cho thu hoạch cũng không tiếc, vì sự an toàn là trên hết”.

Cán bộ, nhân viên Đội quản lý tổng hợp Đức Liễu, Điện lực Bù Đăng cắt tỉa cành cây đảm bảo an toàn lưới điện tại thôn Đồng Tâm, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng

Cùng tuyến đường tổ 2, thôn Đồng Tâm, gia đình ông Nguyễn Đức Hưng có 6 ha cao su 13 năm tuổi. Đường dây điện chạy qua lô cao su của hộ ông 32m. Ông trồng cây cách xa đường dây nhưng khi cây lớn, cành vươn cao có nguy cơ vướng vào đường dây. Để đảm bảo an toàn, cây nào gần đường điện ông Hưng chủ động chặt bỏ, những cây khác ông tỉa cành thông thoáng. Vì vậy, nhiều năm qua, dù đường dây điện trong lô cao su nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Ông Hưng cho biết: “Cây cao su tỉa cành tới đâu thoáng tới đó và không mọc chồi, nhánh lại như những cây khác. Tuy nhiên, vì thân cây cao, giòn, gặp gió lớn dễ bị gãy, đổ, do đó hằng ngày, thấy cây nào có nguy cơ thì gia đình đều chủ động xử lý. Trường hợp không tự cắt được mới gọi ngành điện vào hỗ trợ”.

Trên tuyến đường từ ngã ba trạm biến áp, tới nghĩa trang giáo xứ Phước Tín, xã Phước Tân khoảng 1km, đường dây điện chạy qua rẫy điều và cao su của 25 hộ dân. Nhờ làm tốt công tác kiểm tra và phát quang nên hệ thống điện tại khu vực này luôn đảm bảo an toàn.

Nâng cao hiệu quả phối hợp

Mùa mưa là thời điểm thường xảy ra những sự cố gây mất an toàn lưới điện. Giông sét đánh cháy đường dây hoặc gió lớn khiến cây trồng, vật kiến trúc của người dân bị gãy đổ, va quẹt gây mất điện cục bộ. Để tránh tình trạng này, đội xây dựng kế hoạch phối hợp chính quyền các xã, ban điều hành thôn tuyên truyền người dân không trồng cây trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện; không dựng trụ ăng-ten, thả diều vào khu vực có đường dây. Trường hợp hiện trạng nguy cơ xảy ra sự cố, đội phối hợp bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc trưởng ban công tác mặt trận tới từng gia đình đề nghị phối hợp xử lý.

Mùa khô, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng, nhất là nhiều hộ bơm nước tưới cà phê và sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện dẫn đến quá tải, có thể gây mất điện. Để khắc phục tình trạng này, đơn vị phải vừa đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân sử dụng tiết kiệm điện vừa chủ động điều chuyển những trạm biến áp non tải, thay trạm quá tải để đảm bảo không bị gián đoạn.

Đội trưởng Đội quản lý tổng hợp Đức Liễu
Lê Thanh Lý

Anh Nguyễn Sỹ Phúc, nhân viên kỹ thuật điện cho biết: “Đường dây chủ yếu chạy dọc theo đường giao thông vào các khu dân cư, có rất nhiều cành cây đe dọa mất an toàn. Quá trình cắt cành, cây thì phải tính toán làm sao vừa đảm bảo an toàn hệ thống điện vừa hạn chế thiệt hại kinh tế của người dân. Đa phần người dân hợp tác. Tuy nhiên cũng có những trường hợp chủ nhà thường xuyên đi vắng khiến việc trao đổi, thống nhất cách xử lý còn vướng mắc. Ngoài ra, cũng có một số hộ vì tiếc cây cao su, điều nên không cho đơn vị xử lý, mà nhận sẽ tự khắc phục. Điều này dẫn đến hộ dân có thể sẽ không cắt, tỉa cây hoặc nếu tự ý làm sẽ gây nguy hiểm”. 

Ông Lê Thanh Lý, Đội trưởng Đội quản lý tổng hợp Đức Liễu, Điện lực Bù Đăng cho biết: “Hiện 50% số đường dây của đơn vị quản lý được bọc nhựa an toàn. Nhiều năm trở lại đây, đơn vị luôn thực hiện tốt việc cung cấp điện, tuyên truyền người dân đảm bảo hành lang an toàn lưới điện. Quá trình thực hiện nhiệm vụ luôn tuân thủ quy định của ngành về bảo hộ, phương tiện, kỹ thuật, không có trường hợp tai nạn, sự cố đáng tiếc xảy ra. Hằng ngày, đơn vị cắt cử ca trực 24/24 giờ. Tất cả trường hợp mất điện (nếu có) đều được tập trung xử lý dứt điểm trong phạm vi 2 giờ, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho khách hàng”.

  • Từ khóa
94681

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu