Thứ 2, 20/05/2024 06:25:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:01, 22/02/2020 GMT+7

Lộc Ninh chủ động phòng, chống hạn

Xuân Túc - Trương Hiện
Thứ 7, 22/02/2020 | 08:01:00 416 lượt xem
BPO - Hiện Bình Phước đang vào cao điểm mùa khô, nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhiều địa bàn trong tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Tại huyện biên giới Lộc Ninh, chính quyền cơ sở và người dân đang tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn nhằm giảm thiểu thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân trong mùa khô năm nay.

NGƯỜI DÂN SẴN SÀNG ỨNG PHÓ

Có 1.000 nọc tiêu, gia đình ông Hoàng Ngọc Hảo ở ấp 6A, xã Lộc Tấn luôn gặp khó khăn về nước tưới vào mùa khô. Để khắc phục, gia đình ông đã chủ động thuê thợ đào giếng sâu gần 30m để phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt. Ông Hảo cho biết: Vườn rẫy cách đập thủy lợi khoảng 1km nên nguồn nước ngầm luôn dồi dào. Từ ngày có giếng, gia đình tôi chủ động được nước kể cả cao điểm mùa khô.

Nhà nông Hoàng Ngọc Hảo, ấp 6A, xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) chủ động tích nước bằng giếng đào để tưới vườn tiêu trong mùa khô

Có khoảng 500 nọc tiêu nhưng do xa đập thủy lợi, nguồn nước hạn chế nên gia đình bà Dương Thị Tâm ở cùng ấp 6A luôn cảm thấy lo lắng, nhất là khi mùa khô đến. Bà Tâm chia sẻ: “Gia đình tôi sinh sống tại đây đã hàng chục năm. Vào mùa khô, nước chỉ đủ phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi. Để khắc phục tình trạng này, năm 2015, tôi chi 6 triệu đồng mua vật dụng về tự thiết kế hệ thống tưới nước phun sương tự động. Trước đây, gia đình cũng trồng tiêu nhưng do thiếu nước nên bị chết dần. Khi phá bỏ vườn cũ để trồng lại giống tiêu mới, gia đình đã làm hệ thống tưới nước tiết kiệm. Ưu điểm của hệ thống tưới phun sương là tiết kiệm nước và công lao động, nhất là trong thời điểm cây tiêu mất mùa, rớt giá”.

Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp cơ quan chức năng hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng qua các cây chống hạn tốt để đưa vào sản xuất. Đồng thời, khuyến khích nông dân chủ động tích trữ nguồn nước uống và thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa khô, tránh tình trạng thiếu thức ăn, nước uống sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng cũng như chất lượng sản phẩm thịt khi xuất chuồng.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Ninh Bùi Phước Cường

Năm 2019, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện Lộc Ninh trên 55 ngàn ha. Trong đó, diện tích gieo trồng hằng năm hơn 10 ngàn ha; diện tích cây lâu năm trên 45 ngàn ha. Tổng đàn gia súc trên 404 ngàn con và gia cầm gần 531 ngàn con. Ông Bùi Phước Cường, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Ninh cho biết: Để sát cánh cùng người dân chống chọi với nắng hạn, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã có công văn yêu cầu các phòng, ban chuyên môn tập trung triển khai công tác phòng, chống hạn mùa khô 2019-2020. Trong đó, đối với cây trồng lâu năm trên 1 năm tuổi, người dân chủ động che ủ gốc bằng rơm, rạ hoặc cỏ khô để giữ ẩm cho cây. Đối với cây trồng lâu năm dưới 1 năm tuổi, bà con cần làm giàn che nắng, đồng thời áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm. Với các loại cây trồng ngắn ngày, chỉ xuống giống ở nơi chủ động được nguồn nước tưới, lựa chọn những giống ngắn ngày, có khả năng chống hạn cao để đưa vào sản xuất.

CHỦ ĐỘNG TÍCH NƯỚC

Với diện tích 2 ha nhưng nhờ nạo vét, cải tạo thường xuyên để tích nước nên hằng năm, đập thủy lợi Lộc Bình thuộc xã Lộc Thành thường xuyên cung cấp nước tưới cho gần 40 ha lúa của người dân 2 ấp Lộc Bình 1 và Lộc Bình 2. Qua đó không chỉ góp phần ổn định sản xuất cây lúa với 1 năm 2 vụ mà còn cấp nước phục vụ chăn nuôi, tưới tiêu cho cây trồng lâu năm của phần lớn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Ông Nguyễn Hữu Chiêm, quản lý đập thủy lợi Lộc Bình, ấp Lộc Bình 1, xã Lộc Thành cho biết: “Do thời tiết năm nay mưa ngắt sớm, bà con xuống giống lúa vụ hè thu trễ nên lượng nước trong đập cạn hơn so với năm trước. Hiện lòng đập nước sâu khoảng 2m, tuy nhiên đồng lúa của bà con đã thu hoạch xong, không sử dụng nước nữa. Lượng nước trong hồ giờ chỉ để phục vụ gia súc và một số hộ trồng tưới tiêu trong thời gian nắng hạn”.

Cánh đồng lúa của người dân ấp Lộc Bình 1 và Lộc Bình 2, xã Lộc Thạnh bỏ hoang vì không chủ động được nguồn nước vào mùa khô

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 20 công trình thủy lợi lớn, nhỏ đảm bảo nguồn nước tưới cho hơn 2.000 ha cây trồng. Tuy nhiên, theo thông tin dự báo thủy văn Trung ương, lượng mưa năm 2019 khu vực Đông Nam bộ giảm từ 10-30%. Theo đó, dòng chảy các sông, suối giảm từ 30-50% nên lượng nước tại các hồ đập trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện yêu cầu các phòng, ban chuyên môn thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực trạng nguồn nước tại các ao, hồ, đập, sông, suối trên địa bàn. Thống kê các khu dân cư, trường học có khả năng bị thiếu nước sinh hoạt cao để kịp thời tham mưu UBND huyện bố trí nguồn kinh phí tiến hành nạo vét, sắm dụng cụ tích nước để khắc phục hạn hán.

Ông Bùi Phước Cường, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Trước mắt, chúng tôi phối hợp Phòng Văn hóa - Thông tin đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cho người dân biết diễn biến của thời tiết để có biện pháp phòng, chống hiệu quả, như: Chủ động nạo vét giếng, ao, hồ phục vụ nguồn nước sinh hoạt; ngăn dòng, đắp đập tạm tại các dòng suối để kết hợp với các công trình thủy lợi tạo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; chủ động tích trữ nguồn nước cho gia súc, gia cầm nếu như tình hình khô hạn diễn biến phức tạp.

  • Từ khóa
94679

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu