Thứ 2, 20/05/2024 07:47:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 11:43, 26/01/2020 GMT+7

Xuân về trên khu định cư của Việt kiều

Cẩm Liên
Chủ nhật, 26/01/2020 | 11:43:00 753 lượt xem
BPO - Khi 30 hộ dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam định cư tại Tiểu khu 119, thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) rạng rỡ hạnh phúc trong sự đổi thay đầy sức sống mới của mùa xuân thứ hai, thì những hộ Việt kiều Campuchia tại khu đại đoàn kết ở xã Minh Tâm (Hớn Quản) lại háo hức chờ đón mùa xuân đầu tiên sau khi được lên bờ, sống trong những ngôi nhà kiên cố.
“KHÔNG AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU”

Từ giữa năm 2016, khi xác nhận thực tế người Việt Nam di cư tự do từ Campuchia (Việt kiều Campuchia) về nước gặp khó khăn mà chưa nhập quốc tịch, chưa đăng ký hộ khẩu, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 4-7-2016 bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống, sản xuất giai đoạn 2016-2020. Tính đến tháng 12-2018, trên địa bàn tỉnh có 352 hộ với 1.544 người là Việt kiều Campuchia gặp khó khăn cần được Nhà nước hỗ trợ. Mục tiêu của tỉnh là tạo điều kiện cho Việt kiều Campuchia về nước sinh sống không bị đói, có nơi ở và bảo đảm các nhu cầu, điều kiện sống tối thiểu; đồng thời, hỗ trợ các điều kiện cần thiết về đất, nhà ở, vay vốn ưu đãi tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm để người dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống và hỗ trợ các điều kiện về y tế, giáo dục.

Cuối năm 2018, trên cơ sở Kế hoạch số 170 của UBND tỉnh, UBND huyện Bù Gia Mập đã di dời 30 hộ Việt kiều Campuchia sống lâu năm ở làng bè xã Phước Minh về định cư trong những căn nhà kiên cố tại Tiểu khu 119, thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa. Tháng 4-2019, UBND huyện Hớn Quản thực hiện việc đưa 8 hộ Việt kiều Campuchia sống dưới chân cầu Sài Gòn thuộc ấp 1, xã Minh Tâm về định cư tại khu đại đoàn kết cách chỗ cũ khoảng 600m. Mỗi hộ được hỗ trợ đất, nhà ở trên tổng diện tích 400m2 (20m x 20m), trị giá 60 triệu đồng/căn. Cùng với đó, Việt kiều Campuchia còn được hỗ trợ đất ở, vay vốn giải quyết việc làm; được hỗ trợ học nghề, giáo dục và y tế.

Khu nhà đại đoàn kết dành cho 8 hộ Việt kiều Campuchia ở ấp 1, xã Minh Tâm (Hớn Quản)

Ông Trần Đại Lợi, Phó chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho biết: Tại Tiểu khu 119 hiện có 130 căn nhà gồm nhà đại đoàn kết, nhà tình thương dành cho đồng bào nghèo, hộ khó khăn về nhà ở; gia đình chính sách khó khăn về nhà ở và 30 hộ dân di cư tự do từ Campuchia về nước. Sau 1 năm di dời hộ Việt kiều Campuchia từ làng bè Phước Minh lên bờ, Phú Nghĩa luôn thực hiện tốt tuyên truyền vận động. Đồng thời, lãnh đạo huyện, xã cũng giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện cho trẻ em đi học. Học sinh từ cấp 1 trở lên, UBND huyện Bù Gia Mập hỗ trợ mỗi tháng 100 ngàn đồng/em/9 tháng. Bên cạnh đó, xã rà soát các giấy tờ, nhu cầu liên quan đối với 30 hộ dân để đề xuất UBND huyện có biện pháp giải quyết...

Đại diện lãnh đạo xã Minh Tâm cho biết, năm 2016, UBND xã đã đăng ký khai sinh cho 23 trẻ là con của Việt kiều Campuchia về sinh sống tại chân cầu Sài Gòn để giúp các em được đến trường và hưởng các chế độ y tế, giáo dục theo quy định. UBND xã cấp 17 thẻ thường trú cho 67 người Việt từ Campuchia về sinh sống trên địa bàn. Đồng thời, UBND xã cũng đã thực hiện các chính sách an sinh xã hội, thường xuyên hỗ trợ quà vào các dịp lễ, tết và trợ cấp đột xuất các hộ khi gặp khó khăn.

ĐỔI ĐỜI Ở MINH TÂM

Những hộ Việt kiều Campuchia được di dời về sống trong những căn nhà kiên cố đã tìm được hướng đi mới. Ông Lê Văn Minh (54 tuổi) ở khu đại đoàn kết xã Minh Tâm, chia sẻ: 15 năm qua, 10 thành viên gia đình tôi sống trong chòi tạm dưới chân cầu Sài Gòn. Mỗi lần mưa to gió lớn hay lũ về, chúng tôi nơm nớp lo sợ. Giờ đây, gia đình đã được sống trong căn nhà kiên cố, tôi đã bán ghe và động viên vợ con đi làm ở các trang trại trong vùng. Hiện tôi làm công cho một số trang trại trong vùng với thu nhập 250 ngàn đồng/ngày.

Bà Nguyễn Thị Đâu ở Tiểu khu 119, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) hài lòng với cuộc sống hiện tại

Bà Nguyễn Thị Đâu (60 tuổi) ở Tiểu khu 119, thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa nói: “Cuộc sống mới ở xã Phú Nghĩa thuận lợi hơn rất nhiều. Ở đây, chúng tôi buôn bán tạp hóa và mở dịch vụ ăn sáng thu hút đông khách trong tiểu khu và vùng lân cận. Mỗi ngày, gia đình tôi thu về khoảng 1 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Tinh thần thoải mái, kinh tế gia đình ổn định, tôi mãn nguyện với cuộc sống hiện tại”. Cách nhà bà Đâu mấy căn, gia đình anh Nguyễn Văn Linh cũng được mọi người trong tiểu khu và lãnh đạo xã đặc biệt quan tâm. Bởi bên ngôi nhà được hỗ trợ, anh Linh vay mượn xây thêm một căn nhỏ bên cạnh để nhận hạt điều về gia công. Khi có hàng, anh Linh vận động người dân trong tiểu khu, nhất là Việt kiều Campuchia nhận điều về nhà cạo vỏ lụa để tăng thu nhập với tiền công 75 ngàn đồng/10kg.

Ông Trần Đại Lợi cho biết thêm: Hiện Tiểu khu 119 có đường nhựa, bê tông xi măng tương đối khang trang. Năm 2019, tiểu khu thi công 5 tuyến đường bê tông xi măng, rộng 3m, dài 900m với tổng kinh phí 900 triệu đồng. Các tuyến đường đã lắp đèn chiếu sáng; nước máy cũng tới mỗi gia đình; nhà văn hóa phục vụ đời sống tinh thần người dân cũng như mở lớp phổ cập giáo dục cho con em trong tiểu khu. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp, đời sống người dân đang dần nâng cao. Trong tiểu khu hiện có trên 70% số hộ có việc làm và thu nhập ổn định; trẻ em được đến trường và bảo đảm về điều kiện y tế.

SỨC SỐNG MỚI

Trên tổng diện tích được hỗ trợ hoặc cho mượn, các hộ Việt kiều Campuchia đã phủ xanh bằng nhiều loại cây ăn trái. Tại Tiểu khu 119, mỗi mảnh vườn của kiều bào đều xanh mướt mít, xoài, đu đủ, sầu riêng, bơ... Còn tại khu đại đoàn kết 8 hộ Việt kiều Campuchia ở xã Minh Tâm, cây ăn trái cũng đang tràn đầy sức sống mới. Anh Nguyễn Văn Phú (32 tuổi), một trong 8 hộ tại khu nhà đại đoàn kết xã Minh Tâm, chia sẻ: Khi được hỗ trợ xây nhà kiên cố, khang trang, chúng tôi đã mua cây ăn trái về trồng. Nhìn cây trồng đâm chồi vươn lên, chúng tôi cảm nhận được sự sống mới đang tới.

Anh Nguyễn Văn Phú ở khu nhà đại đoàn kết xã Minh Tâm (Hớn Quản) với cây vú sữa trước nhà đang vươn lên đón xuân mới
Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó chủ tịch UBND xã Minh Tâm cho biết: Từ tháng 11-2019, chúng tôi đã ban hành kế hoạch chuẩn bị đón tết Nguyên đán cho người dân trong xã, trong đó có những hộ Việt kiều Campuchia. Theo đó, dịp tết Nguyên đán Canh Tý, mỗi hộ kiều bào Campuchia đều được tặng quà, mỗi phần trị giá 300-400 ngàn đồng.

Hiện nay, vấn đề trăn trở và khó khăn nhất đối với các hộ Việt kiều Campuchia là thiếu giấy tờ tùy thân như quốc tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân... Song đại diện các địa phương đều cho biết sẽ cố gắng giải quyết trong thẩm quyền để những hộ dân người Việt di cư từ Campuchia về nước an tâm ổn định cuộc sống. Trước mắt sẽ tích cực quan tâm, chăm lo cho Việt kiều Campuchia cùng người dân trong địa bàn được vui xuân, đón tết ấm áp.

Nhìn những chồi xanh đang vươn lên từ mảnh vườn của các hộ kiều bào Campuchia ở Tiểu khu 119 và xã Minh Tâm, chúng tôi cảm nhận rõ mùa xuân đang về, hứa hẹn một năm đầy sức sống, thành công.

  • Từ khóa
94673

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu