Thứ 2, 20/05/2024 09:02:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:48, 15/01/2020 GMT+7

Tìm hướng phát triển cho hợp tác xã - Bài 1

Ngân Hà
Thứ 4, 15/01/2020 | 08:48:00 637 lượt xem
BPO - Thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, đến nay HTX trong tỉnh tăng nhanh cả về số lượng lẫn quy mô. Tuy nhiên, thực tế loại hình hoạt động kinh tế tập thể này đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, cần có một lối đi mang tính đột phá để phát triển.

LOAY HOAY “LỘT XÁC”

Toàn tỉnh hiện có 210 HTX, tăng 27,1% so năm 2018, trong đó một số HTX đã xây dựng được định hướng sản xuất, kinh doanh và hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, cũng còn không ít HTX hoạt động đơn điệu, vốn điều lệ thấp, bộ máy quản trị lỏng lẻo, năng lực điều hành yếu nên chưa huy động hết khả năng vốn của xã viên dẫn đến ngưng hoạt động, chờ giải thể.

“Hữu danh vô thực”

Nhiều lần gọi điện thoại cho ông Lê Văn Thuận, Giám đốc HTX cung ứng vật tư nông nghiệp Bình Phước nhưng không được. Lần theo hồ sơ, danh sách các HTX đã ngưng hoạt động do Liên minh HTX tỉnh cung cấp, tôi tìm đến HTX cung ứng vật tư nông nghiệp Bình Phước, đăng ký hoạt động tại ấp 4, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài. Tuy nhiên ở đây chẳng còn dấu tích của một HTX từng tồn tại. Các thành viên HTX tan rã, giám đốc HTX chuyển đi nơi khác sinh sống và không còn ai biết tới sự tồn tại của HTX này. Mặc dù đã ngưng hoạt động 8 năm nhưng HTX này vẫn chưa được xóa tên trong danh sách quản lý của Liên minh HTX tỉnh.

Cũng như 45 HTX đã ngưng hoạt động khác, nguyên nhân HTX này chưa giải thể là do vướng thủ tục pháp lý, xử lý tài sản, vốn chung và xử lý các khoản công nợ... Trong khi chờ đợi, không ít HTX đã tự giải thể, không họp hội đồng quản trị, không đại hội, không góp vốn nhưng trong báo cáo thống kê của huyện, tỉnh vẫn còn tên.

Hợp tác xã trồng rau, quả an toàn trong nhà kính tại thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản đang gặp khó trong liên kết xã viên thực hiện theo một quy trình chăm sóc đồng nhất

Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2019 có 45 HTX thành lập mới, nâng tổng số HTX toàn tỉnh là 210, vượt 60,7% so kế hoạch năm. Tuy nhiên, thực tế hiện chỉ 164 HTX hoạt động, số còn lại đã tự giải thể hoặc chờ giải thể. Số lượng HTX phát triển nhanh nhưng hầu hết quy mô nhỏ, năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh yếu, khó khăn trong tiếp cận vốn. Các HTX có tổng vốn hoạt động 1.101,4 tỷ đồng, trung bình 6,6 tỷ đồng/HTX, thế nhưng chỉ có 37,5% số HTX đang hoạt động có lãi. HTX đóng góp chỉ khoảng 1,15% GDP của tỉnh hằng năm.

Lớn tuổi như tôi có thuận lợi dày dạn kinh nghiệm nhưng hạn chế sự năng động trong thời buổi công nghiệp 4.0. Thực tế, để tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả chỉ có kinh nghiệm là chưa đủ, người quản lý phải có trình độ chuyên môn, năng động tìm kiếm, kết nối thị trường, marketing sản phẩm... mới xây dựng phương án hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, tìm được người trẻ có năng lực, tâm huyết để xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cho HTX rất khó, vì họ không muốn làm việc tại HTX. Nguyên nhân là chế độ đãi ngộ và tiền lương chưa tương xứng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX An Phát Phạm Văn Cư

Không thể phủ nhận HTX ra đời góp phần thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển, phục vụ nhu cầu hợp tác, liên kết, hỗ trợ đầu ra cho nông sản. Tuy nhiên, ở một số xã, phường, vì để đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới nên áp lực phải xây dựng HTX “bằng mọi giá”. Khi HTX được thành lập không xuất phát từ nhu cầu có thực của các thành viên chắc chắn sẽ không tạo được sự gắn kết và kêu gọi được vốn đóng góp của xã viên. Đó là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ HTX xếp loại trung bình và yếu còn cao.

Tìm nhân lực trẻ như mò kim đáy bể

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các HTX hoạt động cầm chừng, giải thể. Trong đó nguyên nhân chính là do trình độ chuyên môn, quản lý của đội ngũ cán bộ HTX còn hạn chế, thiếu linh hoạt trong điều hành sản xuất, kinh doanh. Việc thực hiện chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012 chưa có tính đột phá. Môi trường hoạt động của HTX chưa thu hút được người giỏi quản lý. Hầu hết HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh quy mô còn nhỏ, có dưới 30 thành viên. Điều này cản trở sản xuất ra sản phẩm tập trung để tạo nên thương hiệu trên thị trường. Sản phẩm làm ra ít dẫn đến khó tiếp cận doanh nghiệp nước ngoài.

Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng làm trưởng đoàn tham quan hợp tác xã chăn nuôi bò Đồng Phú tại xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú

Trong tổng 164 HTX đang hoạt động, có đến 80% nhân sự quản lý HTX đều cao tuổi, thậm chí đã hết tuổi lao động, chưa qua đào tạo bài bản mà chủ yếu được các thành viên bầu lên, vì vậy không tránh khỏi lúng túng trong điều hành, hạn chế về trình độ, năng lực cá nhân. Mặc dù hằng năm các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn về quản lý, xây dựng và phát triển HTX với kinh phí hàng tỷ đồng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Chưa kể lớp tập huấn mở ra nhưng HTX không cử người tham gia để nâng cao trình độ, năng lực. Toàn tỉnh có 864 nhân sự quản lý làm việc tại HTX, song trong đó trình độ cao đẳng, đại học chỉ 45 người, chiếm 5,2%; trình độ sơ cấp, trung cấp 101 người, chiếm 11,7%.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, trong 164 HTX đang hoạt động có 116 HTX, liên hiệp HTX là thành viên chính thức của Liên minh HTX tỉnh và chỉ 84/116 thành viên đang hoạt động. Trong đó, HTX nông nghiệp xếp loại tốt chỉ chiếm khoảng 20%, loại khá khoảng 20%, còn lại là trung bình và yếu.

Trước tình trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ, tay nghề và kinh nghiệm quản lý ở các HTX nông nghiệp, ngày 13-2-2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 340/2016/TT-BTC về việc hỗ trợ cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có Quyết định số 1231/QĐ-BNN-KTHT ngày 9-4-2018 về việc triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp. UBND tỉnh đã bố trí kinh phí nhằm “trợ lực” cho các HTX. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, đến nay vẫn chưa có HTX nông nghiệp nào đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định và chưa ký được hợp đồng với cán bộ trẻ nên kinh phí chưa thể phân bổ.

Ông Phạm Văn Cư, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX An Phát, ở khu phố Xa Cam II, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long năm nay đã gần 60 tuổi nhưng vẫn phải sâu sát mọi việc của HTX, từ thường xuyên cập nhật thông tin, dự báo thị trường, tình hình dịch bệnh để thông báo cho các thành viên đến tìm kiếm công ty cung ứng thức ăn chăn nuôi để lấy giá gốc, chất lượng tìm thương lái thu mua... Không chỉ ông mà 4 thành viên của Ban giám đốc HTX cũng đều chạm ngưỡng 55 tuổi.

Khó tiếp cận vốn ngân hàng

Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, chưa đến 20% HTX có khả năng tự lực vốn. Trong khi đó, khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các HTX rất hạn chế, chỉ 1% trên tổng số hơn 20.000 HTX trong cả nước có thể tiếp cận vốn tín dụng. Việc vay vốn đối với HTX hết sức nan giải. Các HTX khó khăn về vốn, chưa tiếp cận được nhiều tổ chức tín dụng, thiếu thông tin tư vấn về chính sách tín dụng, không có tài sản thế chấp. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều HTX tại Bình Phước.

“HTX thương mại, dịch vụ, sản xuất, chăn nuôi Đồng Phú đang liên kết 50 hộ nuôi bò với vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vốn này Hội đồng quản trị không quản lý mà do xã viên góp vốn bằng hiện vật. Từ khi thành lập đến nay, HTX phải tự xoay vốn để thuê nhân viên thú y phòng và chữa bệnh trên đàn bò, tổ chức các lớp tập huấn cho xã viên. Gia đình tôi phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vay 350 triệu đồng để duy trì hoạt động của HTX và phát triển đàn bò nên rất khó khăn. Nhu cầu bức thiết hiện nay của HTX là quỹ đất chung để xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò khép kín, xa khu dân cư, giảm ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, HTX vay vốn từ các ngân hàng thương mại rất khó. Nếu Nhà nước không có giải pháp hỗ trợ kịp thời thì hoạt động của HTX vẫn cứ giậm chân tại chỗ, không phát triển được” - Phó giám đốc HTX thương mại, dịch vụ, sản xuất, chăn nuôi Đồng Phú Lưu Văn Thanh nói.

Năm 2019, Liên minh HTX tỉnh đã vận động, phát triển các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị 6 sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh, gồm 21 HTX tham gia chuỗi điều, 11 HTX chuỗi tiêu, 4 HTX chuỗi bưởi da xanh, 6 HTX chuỗi rau sạch, 1 HTX tham gia chuỗi bơ sáp cao cấp Mã Dưỡng, 1 HTX chuỗi sản phẩm lúa.

Tỉnh cũng hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đưa sản phẩm tham gia hội nghị kết nối cung - cầu trong và ngoài nước... với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ chính sách ưu đãi về tín dụng, tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX cho 11 HTX với tổng kinh phí 9,56 tỷ đồng, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX được ngân sách tỉnh hỗ trợ bổ sung vốn điều lệ thêm 3 tỷ đồng... Các HTX được vay hơn 364 tỷ đồng từ nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng; được cấp, thuê, giao hơn 2.000 ha đất sản xuất, kinh doanh... Tuy nhiên, số HTX được hỗ trợ tiếp cận vốn chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng 164 HTX, liên hiệp HTX trên địa bàn tỉnh đang rất “khát” nguồn vốn hoạt động.

  • Từ khóa
94669

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu