Thứ 2, 20/05/2024 05:49:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:22, 10/10/2019 GMT+7

Xuất khẩu lao động - cần chủ trương đột phá  - Bài cuối

Thứ 5, 10/10/2019 | 06:22:00 3,737 lượt xem

ĐÀO TẠO + VỐN VAY = NGOẠI TỆ

BP - “Nếu tỉnh mình tạo điều kiện để có nhiều người xuất khẩu lao động thì tốt lắm đó. 4 năm 10 tháng xuất khẩu lao động, em dư được 2 tỷ đồng lo nhà cửa, ổn định cuộc sống. Không chỉ thế, trong khoảng thời gian lao động ở Hàn Quốc, em còn gửi tiền về cho cha mẹ phụ giúp các anh, chị, em trong gia đình. Bây giờ là thời buổi công nghệ, ở đâu cũng có wifi, Zalo, live camera gặp nhau nói chuyện thoải mái, đâu sợ nhớ nhà. Chỉ cần mình biết tiếng Hàn và gắn bó với doanh nghiệp sẽ có lương cao cùng nhiều chính sách ưu đãi khác của nước sở tại” - Vũ Văn Duy, ngụ phường Tiến Thành (Đồng Xoài) chia sẻ kinh nghiệm.

BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN

Xác định là người đi làm thuê, ngay từ những ngày đầu bước chân vào doanh nghiệp, anh Duy chấp nhận tăng ca chỉ sau 2 tuần. Mức lương cơ bản theo hợp đồng của anh với doanh nghiệp chỉ 580 USD, thế nhưng thực tế tổng thu nhập là 1.700 USD nhờ thời gian tăng ca. Tương tự, mức lương của anh Đỗ Xuân Thắng ở xã Tân Thành (Đồng Xoài) cũng dao động từ 1.500-2.000 USD mỗi tháng. Các lao động này cho biết, kinh nghiệm để có được mức lương cao là người lao động phải thực sự gắn bó với doanh nghiệp, coi công việc của doanh nghiệp như của chính mình. Sự trung thành, tận tụy và tinh ý trong công việc sẽ giúp người lao động và người sử dụng lao động hài lòng thì đôi bên được hài hòa về lợi ích. Sự tuân thủ pháp luật và nhiệt tình trong công việc, thực hiện đúng thời gian lao động là yếu tố cốt lõi giúp người lao động trở thành công dân mẫu mực, uy tín trong mắt của chủ doanh nghiệp và được nhận mức lương ưu đãi. Bình quân mỗi lao động xuất khẩu sau khi kết thúc hợp đồng sẽ mang về số dư từ 1-2 tỷ đồng. Đây là khoản thu không dễ có được đối với người lao động trong nước.

Người lao động trao đổi với công ty tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm cuối năm 2017 - Ảnh:Thanh Nga

Từ năm 2012 đến nay, Bình Phước có 922 người xuất khẩu lao động. 9 tháng năm 2019, toàn tỉnh có 70 người xuất khẩu lao động. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm - Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp giới thiệu xuất khẩu 17 người sang thị trường lao động Hàn Quốc, Nhật Bản. Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm - Bảo trợ xã hội Bảo Trương cho biết: Số lao động xuất khẩu thông qua trung tâm rất ít, phần lớn do các công ty, doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân giới thiệu. Nguyên nhân người lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động chưa mặn mà đến với trung tâm dịch vụ việc làm là do thiếu cơ chế nguồn vốn hỗ trợ người xuất khẩu lao động. Mặc dù đây là cơ quan đầu mối đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong suốt thời gian lao động có thời hạn ở nước ngoài. Theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 1-9-2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ việc làm và quỹ quốc gia về việc làm, việc hỗ trợ vay vốn đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ dành riêng cho các đối tượng thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, là người dân tộc thiểu số. Với đặc thù kinh tế, xã hội của tỉnh, phần lớn các đối tượng thuộc diện hỗ trợ vay vốn xuất khẩu lao động theo nghị định của Chính phủ gần như không có. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn của người xuất khẩu lao động nằm ngoài quy định hỗ trợ lại rất lớn.

CẦN CHỦ TRƯƠNG ĐỘT PHÁ

Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Mãi cho biết: Các tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa... mỗi năm có cả ngàn người xuất khẩu lao động. Với số lao động như thế sẽ giúp tỉnh thu về nhiều tỷ USD mỗi năm. Để có được ngần ấy con người xuất khẩu lao động mỗi năm, UBND hoặc tỉnh ủy các tỉnh này có hẳn chủ trương, nghị quyết hay đề án hỗ trợ vay vốn 100% đối với người xuất khẩu lao động. Bởi cái lợi của việc xuất khẩu lao động ai cũng nhận thấy rất rõ ràng. Cụ thể như Đồng Tháp, Cà Mau có sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh giao chỉ tiêu xuất khẩu lao động cho từng huyện, thị qua từng năm. Toàn bộ nguồn chi phí đào tạo ngoại ngữ, tay nghề, đi lại của người lao động được UBND tỉnh cho vay vốn 100% theo hình thức tín chấp của hợp đồng lao động. Nhờ chủ trương thông thoáng này mà số lao động xuất khẩu đã mang ngoại tệ về cho tỉnh, góp phần ổn định an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế.

Bình Phước đã không ít lần đi học hỏi chủ trương chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động xuất khẩu từ các tỉnh kể trên. Thế nhưng hiện vẫn chưa có cơ chế thông thoáng về việc hỗ trợ vốn vay cho các đối tượng có nhu cầu xuất khẩu lao động ngoài đối tượng theo quy định của Nghị định 61. Nếu người lao động chỉ quanh quẩn ở trong tỉnh hoặc trong nước thì mới giải quyết được việc ổn định cuộc sống chứ khó mà tích lũy được vốn để nâng cao chất lượng đời sống kinh tế cho gia đình.    

Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Dịch vụ việc làm - Bảo trợ xã hội, nhu cầu xuất khẩu lao động của tỉnh dao động từ 200-300 người. Thế nhưng, số người thực sự xuất khẩu lao động bình quân qua mỗi năm chỉ dao động từ 100-150 người. Nguyên nhân là người lao động thiếu vốn, thiếu chi phí đầu tư trước khi đáp ứng đầy đủ các thủ tục để xuất khẩu lao động. Do vậy, rất nhiều người mất cơ hội xuất khẩu lao động. Nguồn kinh phí đào tạo cho mỗi suất lao động từ khi bắt đầu cho đến lúc xuất cảnh ra nước ngoài lao động chỉ dao động từ 120-150 triệu đồng/người. Nếu họ được tỉnh tín chấp cho vay vốn để được đào tạo hội đủ điều kiện xuất khẩu lao động thì nguồn ngoại tệ mang về cho tỉnh là điều khá rõ. Không chỉ thế, đó còn là nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ các doanh nghiệp trong tỉnh sau khi kết thúc hợp đồng lao động ở ngoài nước.

Được biết, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để trình Thường trực Tỉnh ủy hoặc HĐND tỉnh cho chủ trương mở rộng đối tượng xuất khẩu lao động được hỗ trợ vốn vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Nếu đề án được thông qua sớm một ngày thì người lao động Bình Phước sẽ có cơ hội xuất khẩu lao động sớm một ngày. Tuy nhiên, đề án có sớm được thông qua hay không đang chờ bước tư duy mang tính đột phá từ chủ trương của tỉnh.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
94637

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu