Thứ 2, 20/05/2024 04:54:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:04, 25/07/2019 GMT+7

Hệ lụy từ công tác quản lý - Bài 2

Thứ 5, 25/07/2019 | 06:04:00 339 lượt xem

MẠNH TAY HƠN VỚI “KHOÁNG TẶC”

BP - Việc khai thác khoáng sản, cụ thể là đất sét làm gạch không phép không những gây lãng phí nguồn tài nguyên quý mà còn để lại hậu quả khó giải quyết. Đó là tình trạng sạt lở đất, khai thác đất xong không hoàn thổ, không rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm... dẫn đến những tai nạn thương tâm. Đặc biệt những khu bị khai thác hết phần sét trở thành những “vùng đất chết”, trồng cây không được, nuôi cá cũng không xong đành phải bỏ hoang phí. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý các đơn vị vi phạm trong khai thác khoáng sản của ngành chức năng và chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế.

Nhiều “khu đất chết”

Việc khai thác đất làm gạch, san lấp mặt bằng tại thị trấn Tân Khai (Hớn Quản) diễn ra khá lâu nên xuất hiện nhiều “vùng đất chết”. Đơn cử, một khu đất rộng tầm chục héc ta cạnh tuyến đường từ Tân Khai đi Tân Quan (Hớn Quản) đã bị móc hết phần đất mặt không thể canh tác. Một người dân trong vùng cho hay, trước đây khu đất này trồng cây công nghiệp, từ ngày bị khai thác đất làm gạch khu vực trở thành hồ nước nên không trồng cây gì được nữa.

Khai thác đất làm gạch gây sạt lở đường nghiêm trọng tại thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản

Tại một tuyến đường dân sinh ở ấp 3, thị trấn Tân Khai đã xảy ra sạt lở sâu vào lòng đường hơn 1m và dài trên 4m do bị khai thác đất sét đến sát mép đường. Đoạn đường này bị sạt lở theo kiểu hàm ếch nên rất nguy hiểm cho người dân khi qua lại. Tại đây đang tiếp tục có vết nứt lấn sâu vào lòng đường, việc sạt lở chỉ còn là thời gian. Mặc dù sạt lở đã diễn ra khá lâu nhưng không ai rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm... Đối diện vị trí sạt lở bên kia đường cũng là một hố sâu rộng hàng trăm mét chạy dọc con đường dân sinh. Đây là một trong những “cái bẫy” đe dọa tính mạng người dân khi qua lại tuyến đường này nếu không được rào chắn, cảnh báo kịp thời.

Năm 2017, tại xã An Khương (Hớn Quản) xảy ra một vụ đuối nước gây ra cái chết thương tâm của 2 học sinh. Nguyên nhân chính là việc khai thác đất làm gạch xong không hoàn thổ, không rào chắn dẫn đến 2 học sinh bị trượt chân té xuống hồ nước và tử vong. Còn hàng chục hộ dân ở 2 ấp 5 và 6, thị trấn Tân Khai bị sạt lở đất sản xuất do Công ty gạch Hòa Hiệp (lò gạch Hòa Hiệp), ấp 5, thị trấn Tân Khai gây ra. Một người dân bị ảnh hưởng cho biết, mấy năm trở lại đây, lò gạch Hòa Hiệp khai thác đất sâu hơn 10m nhưng khi ngừng khai thác đã không trả lại mặt bằng ban đầu. Vì vậy, mỗi lần trời mưa nước từ các lô cao su của Nông trường cao su Đồng Nơ (xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản) đổ về khu vực này gây sạt lở đất của các hộ dân liền kề. Cây trồng của gần chục hộ dân xung quanh bị bật gốc, đổ gãy và đất vườn bị cuốn trôi. Người dân đã dùng lưới sắt và bao tải đất làm kè hoặc đổ bê tông nhưng không hiệu quả.

Cần xử lý mạnh tay

Tương tự, thực trạng khai thác khoáng sản trái phép cũng diễn biến phức tạp tại địa bàn huyện Lộc Ninh. Trước tình hình đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường kết hợp Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lộc Ninh, UBND 2 xã Lộc Hưng, Lộc Thịnh tiến hành kiểm tra. Ông Ngô Gia Hòa, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho biết: Qua kiểm tra, chúng tôi yêu cầu các chủ hộ múc đất có biện pháp rào chắn, cảnh báo nguy hiểm đối với các điểm múc đất và xử lý nghiêm hành vi đổ rác, phế thải xuống khu vực múc đất. Công an các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời hoạt động múc đất, khai thác khoáng sản trái phép...

Đoàn kiểm tra của huyện Lộc Ninh đã phát hiện 15 điểm múc đất với diện tích từ 1.000-30.000m2, trong đó phần lớn diện tích đất sỏi, đất sét được vận chuyển đi nơi khác làm gạch hoặc để san lấp mặt bằng. Đoàn kiểm tra đề xuất UBND huyện một số giải pháp chấn chỉnh hoạt động khai thác đất sét trái phép, trong đó chủ yếu là nhắc nhở và xử phạt hành chính. Cụ thể, hộ bà Đỗ Thị Sô ở xã Lộc Hiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, UBND huyện Lộc Ninh đã ra quyết định xử phạt 8 triệu đồng. 

Ông Ngô Gia Hòa cho biết thêm, trên địa bàn huyện Lộc Ninh chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất gạch lâu năm. Từ năm 2013-2015, khi tỉnh Bình Dương cấm các lò gạch đốt thủ công thì hoạt động sản xuất gạch ở huyện bắt đầu rộ lên. Hiện trên địa bàn Lộc Ninh có 15 đơn vị được cấp giấy phép sản xuất gạch nung. Các đơn vị này lấy nguồn nguyên liệu ngay trong khuôn viên để sản xuất. Do phân cấp trong quản lý nên huyện chủ yếu lập các đoàn kiểm tra, nhắc nhở đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch theo đúng quy định. Còn việc khai thác đất bán cho các lò gạch, UBND huyện Lộc Ninh đã xử phạt hành chính một trường hợp với số tiền 8 triệu đồng.

Được biết, trong số 15 đơn vị sản xuất gạch nung trên địa bàn huyện Lộc Ninh thì có đến 14 đơn vị xây dựng lò gạch không đúng giấy phép. Tuy nhiên, đến nay các đơn vị này vẫn hoạt động bình thường. Chính vì không quản lý chặt việc xây dựng lò gạch được cấp phép nên đã xảy ra nhiều hệ lụy lớn, trong đó có tác động đến môi trường. Nung gạch thủ công, đốt lò bằng than đá, củi, thậm chí có lò gạch dùng các loại chất thải công nghiệp để đốt dẫn đến ô nhiễm môi trường. Hậu quả nghiêm trọng là sau khai thác không hoàn thổ dẫn đến một diện tích đất lớn trở thành “vùng đất chết”, không trồng cây, nuôi cá được. Vào mùa mưa nơi này trở thành những hồ nước lớn, bẫy lộ thiên gây nguy hiểm cho người dân trong vùng.

Đại tá Lê Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh cho biết: Năm 2018, đơn vị xử lý 3 lò gạch liên quan đến khí thải gây ô nhiễm môi trường, đề nghị thu hồi hơn 10.000m3 đất làm gạch không có giấy tờ hợp pháp. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã lập đoàn liên ngành kiểm tra toàn diện các lò gạch trên địa bàn nên đơn vị không tổ chức kiểm tra riêng.

Đầu tháng 5-2019, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hồ Bảo Tuân, xã Phước Tín, thị xã Phước Long vì khai thác khoáng sản không có giấy phép khai thác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền với mức phạt 7,5 triệu đồng. Công an tỉnh cũng ban hành quyết định xử phạt 1 doanh nghiệp tại ấp 2, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh do bà Nguyễn Thị Nhung làm chủ với số tiền 80 triệu đồng và tịch thu hơn 1.600m3 khoáng sản sét gạch ngói. Doanh nghiệp này đã vi phạm do có hành vi thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường dưới 1,1 lần đến dưới 1,5 lần và tàng trữ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

PVNC

  • Từ khóa
94589

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu