Thứ 2, 20/05/2024 06:54:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:45, 24/07/2019 GMT+7

Hệ lụy từ công tác quản lý - Bài 1

Thứ 4, 24/07/2019 | 06:45:00 2,060 lượt xem

BP - Những năm gần đây, Bình Phước đã có bước đột phá trong phát triển mạnh về kinh tế, xã hội, đặc biệt là hạ tầng cơ sở. Cùng với sự phát triển này, rất cần một khối lượng lớn nguồn nguyên vật liệu như cát, đá, gạch phục vụ xây dựng. Vì vậy thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực các huyện Lộc Ninh, Hớn Quản... đã mọc lên nhiều lò gạch thủ công. Tuy nhiên, do khó khăn trong công tác quản lý đã dẫn đến hệ lụy, như: Khai thác khoáng sản, đất sét để làm gạch không phép ở nhiều nơi; nhiều lò gạch xây dựng không đúng quy cách... Để chấn chỉnh hoạt động sản xuất gạch nung, tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đồng thời đề ra giải pháp tìm nguồn nguyên liệu thay thế… Tuy nhiên, hoạt động khai thác đất, đặc biệt là đất sét làm gạch vẫn diễn ra khá rầm rộ.

NÓNG VIỆC KHAI THÁC KHOÁNG SẢN KHÔNG PHÉP

Khoảng vài năm trở lại đây, dọc theo quốc lộ 13 đoạn qua Bình Phước mọc lên hàng chục lò nung gạch. Thế nhưng, hầu hết các chủ lò gạch này không được cấp phép khai thác đất sét làm nguyên liệu. Để hoạt động, các lò gạch này phải mua đất sét từ nhiều nơi về sản xuất. Nắm bắt được nhu cầu, nhiều người đã khai thác đất sét bán dẫn đến hệ lụy khó lường.

Công khai mua bán...

Hiện nay, trên địa bàn các xã Lộc Hưng và Lộc Thịnh của huyện Lộc Ninh có hàng chục điểm là hiện trường khai thác đất sét làm gạch hoặc lấy đất sỏi đỏ để san lấp mặt bằng. Nhiều điểm rộng cả héc ta, sâu từ vài mét trở lên mà không được rào chắn hay cắm biển cảnh báo nguy hiểm. Theo một số người dân địa bàn, vào mùa mưa, tại các điểm múc đất đã và đang trở thành hồ chứa nước gây nguy hiểm cho người dân khi qua lại khu vực này, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Để tìm hiểu rõ hơn về việc khai thác đất sét làm gạch không được cấp phép trên địa bàn huyện Lộc Ninh, chúng tôi theo một doanh nghiệp trong vai là người đi tìm vị trí để xây dựng cơ sở sản xuất và tìm đối tác cung cấp đất sét làm gạch. Chúng tôi vào một quán cà phê ven đường tại ngã ba Đồng Tâm (xã Lộc Thịnh) và được chủ quán giới thiệu về một người tên Hải chuyên cung cấp đất sét làm gạch tại 2 xã Lộc Thịnh và Lộc Hưng. Sau đó, chủ quán cà phê gọi điện thoại thông báo cho Hải rằng có người muốn tìm mua đất làm gạch. Khoảng 15 phút sau, một người đàn ông xưng tên Hải có mặt để “làm việc” với chúng tôi.

Hiện trường một vụ khai thác đất làm gạch không được cấp phép ở huyện Hớn Quản

Theo ông Hải, việc khai thác đất bán cho các lò gạch trên địa bàn 2 xã Lộc Thịnh và Lộc Hưng chủ yếu không có giấy phép. Mặc dù không có mỏ khai thác đất hợp pháp nhưng hơn chục lò gạch ở đây vẫn hoạt động bình thường trong nhiều năm qua. Ông Hải dò hỏi chúng tôi rất kỹ về quy mô của lò gạch dự định mở ở huyện Lộc Ninh. Người đàn ông này gợi ý, nếu có mối quan hệ tốt với chính quyền thì sẽ giới thiệu mua một khu có nhiều đất sét để làm gạch và xin giấy phép khai thác cho đàng hoàng. Còn không sẽ giới thiệu cho mua đứt một số lò gạch đang hoạt động cầm chừng tại đây. Riêng về nguyên liệu làm gạch ở đây cần bao nhiêu cũng có.

Sau khi trò chuyện, ông Hải dẫn chúng tôi đi xem một số mỏ đất làm gạch rộng khoảng 8 ha trên địa bàn xã Lộc Thịnh và giới thiệu đất của mình. Ông Hải nói, đất này làm gạch rất tốt, đất đẹp, tầng đất sét sâu, địa hình bằng phẳng. Đặc biệt, thửa đất thuận lợi giao thông, gần đường điện lớn, dân cư thưa nên xây dựng lò gạch là hợp lý. Nếu ai mua để khai thác đất sét làm gạch sẽ bán với giá 850 triệu đồng/ha. Chỉ tay về cuối khu đất là một khoảng đất rộng hơn 1 ha đã bị đào sâu chừng 3m để lấy đất sét bán, ông Hải nói: Tôi đã múc đất bán rồi đó, tầng đất sét ăn rất sâu. Do không có giấy phép nên tôi không dám múc đất nhiều.

và rầm rộ đầu mùa mưa

Chúng tôi có mặt tại thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản vào giữa trưa nhưng có rất nhiều xe ben nối nhau chở đất sét hướng từ xã Tân Quan (Hớn Quản) ra quốc lộ 13. Lần theo đoàn xe chở đất, chúng tôi đến mỏ đất sét nằm sâu trong rừng cao su thuộc thị trấn Tân Khai. Có lẽ việc khai thác đất tại đây diễn ra từ khá lâu nên một khu đất rất rộng đã bị đào sâu từ 7-10m.

Nhiều khu vực khai thác đất làm gạch không được hoàn thổ đã biến thành các hồ chứa nước gây nguy hiểm cho người dân khi qua lại nơi này

Một người dân sống gần khu vực khai thác đất cho biết: Vào đầu mùa mưa hoạt động múc đất diễn ra rầm rộ nhất, kể cả giờ trưa. Thời điểm giữa mùa mưa trở đi khai thác đất bị ngưng trệ do nước không thoát được. Thời điểm chúng tôi có mặt là đầu mùa mưa nên tại đây luôn có một máy bơm công suất lớn thường trực hút nước ra bên ngoài để việc khai thác đất diễn ra bình thường. Tại đây, máy cuốc liên tục đào đất đổ lên thùng những chiếc xe ben, toàn cảnh nhộn nhịp như một đại công trường. Vị trí khai thác đất sâu hoắm nên các xe tải lên xuống khá khó khăn.

Cách vị trí khai thác đất khoảng 500m là nhiều diện tích đất đã biến thành hồ nước rộng hàng trăm mét vuông. Đây là hiện trường của việc khai thác đất trước đây. Đặc biệt, có một hố khai thác đất ngay dưới chân trụ điện cao thế. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trên địa bàn thị trấn Tân Khai hiện có nhiều khu đất bị khai thác trái phép để lại nhiều hố nước sâu cả chục mét, rộng từ vài trăm mét vuông đến vài héc ta nhưng không được rào chắn hay cắm biển cảnh báo nguy hiểm. Có vị trí khai thác đất sát mép đường gây sạt lở nghiêm trọng.

Toàn tỉnh chỉ có 3 mỏ đất sét được cấp giấy phép khai thác

Ông Lê Hoàng Lâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trên địa bàn tỉnh có 3 mỏ đất được cấp giấy phép khai thác đất làm gạch nung. Các đơn vị được cấp giấy phép khai thác đất sét sản xuất gạch gồm: Công ty TNHH Hồng Minh, vị trí mỏ tại thị trấn Tân Khai với trữ lượng 338.250m3; Công ty cổ phần Trung Thành, vị trí mỏ ở thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành với trữ lượng mỏ trên 2,5 triệu mét khối; Doanh nghiệp tư nhân Hải Long, vị trí mỏ tại xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, trữ lượng gần 300 ngàn mét khối.

PVNC

  • Từ khóa
94586

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu