Chủ nhật, 19/05/2024 23:56:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:40, 16/07/2019 GMT+7

Mỏi mòn chờ điện

Thứ 3, 16/07/2019 | 14:40:00 2,882 lượt xem
BP - Trời mưa liên tục khiến đường vào tổ 5A, ấp Đồng Búa, xã Thuận Phú (Đồng Phú) càng thêm lầy lội, trơn trượt. Đường đi lại khó khăn, song điều người dân nơi đây mong chờ nhất không phải con đường khang trang, sạch đẹp mà là điện lưới phục vụ sinh hoạt và phát triển sản xuất.

Hơn 30 năm chờ điện

Tổ 5A, ấp Đồng Búa có 40 hộ dân, trong đó nhiều hộ sống ở đây từ những ngày mới thành lập xã. Đã hơn 30 năm, người dân trong tổ phải sống trong cảnh “leo lét đèn dầu”. Không có điện, việc học hành của con trẻ bị hạn chế, người dân không tiếp cận được thông tin thời sự, đời sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.

Hai con của chị Nông Thị Sằm học bài dưới ánh sáng của chiếc đèn pin đeo trên đầu

Sống ở tổ 5A lâu năm nên hơn ai hết, bà Lê Thị Thanh Tươi hiểu rõ nỗi khổ khi không có điện. Không chỉ con cháu phải học hành trong điều kiện thiếu ánh sáng, sinh hoạt thường ngày gặp khó khăn mà cả sản xuất của gia đình cũng bị ảnh hưởng. Bà Tươi thở dài: “Các hộ đang dùng điện chỉ cần cắt một ngày thôi là thấy khó chịu, bức bối như thế nào rồi. Chúng tôi sống ở đây đã hơn nửa đời người, không có điện thì khó khăn đó phải nhân lên gấp bội. Để có điện thắp sáng, gia đình tôi phải mua 2 tấm pin năng lượng mặt trời và 2 bình sạc gần 10 triệu đồng, nhưng nguồn điện không ổn định. Ngày nắng không nói chứ mưa dầm như mấy ngày đầu tháng nay phải sử dụng đèn dầu hoặc đèn bình. Hằng năm, mỗi khi có đoàn về khảo sát làm đường điện, bà con trong tổ đều hy vọng và chúng tôi lại mua thêm những vật dụng thiết yếu chờ có điện sử dụng. Nhưng chờ mãi không có điện nên tivi, nồi cơm điện, máy xay sinh tố... để lâu hầu hết đều hư hỏng, hoen rỉ”.

Trời nhá nhem tối, mấy đứa nhỏ nhà chị Nông Thị Sằm, cùng ở tổ 5A phải cất sách vở vì không nhìn rõ mặt chữ để học bài. Hôm nay, vợ chồng chị Sằm bận đi làm thuê cả ngày, tối về không kịp sạc bình ắc-quy, lại hết dầu thắp nên mọi sinh hoạt của gia đình phải mò mẫm trong bóng tối. Nhiều hôm vợ chồng cãi nhau, con quấy khóc cũng vì không có điện.

“Mọi sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào tấm pin năng lượng mặt trời, nhưng những tháng mưa phải dùng bình ắc-quy. Mỗi lần sạc bình phải chạy xe máy ra trung tâm xã cách nhà 15km, có hôm trời mưa không đi lấy bình được thì phải mò mẫm trong đêm tối. Gia đình muốn xem tivi để nắm bắt thông tin thời sự, tham khảo những mô hình chăn nuôi, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế...cũng đành chịu. Thiệt thòi nhiều nhất là con em trong tổ vì các cháu không có điều kiện học tập tốt. Nhà chỉ có duy nhất bóng đèn lại không được sáng lắm nên các con tôi hôm nào cũng phải học bài từ chiều” - chị Sằm chia sẻ.

Bao giờ có điện?

Mặc dù người dân tổ 5A đã kiến nghị nhiều lần trong các buổi họp dân, tiếp xúc cử tri, nhưng ước mơ có điện vẫn chưa thành hiện thực. Cách đây nửa năm, các hộ trong tổ họp bàn tự kéo đường dây từ tổ khác về. Tuy nhiên, chỉ có 15 hộ điều kiện kinh tế khá hơn đóng góp trên 30 triệu đồng/hộ để kéo điện phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt trong gia đình. “Đường dây điện đi qua nhà và dựng trụ ngay trên đất nhà mình, nhưng gia đình tôi cũng đành bất lực vì không đủ tiền đóng góp nên không biết đến bao giờ mới được sử dụng điện lưới quốc gia” - chị Sằm thở dài.

Ông Lục Văn Hùng, Tổ trưởng tổ 5A, ấp Đồng Búa cho biết: Nhiều năm qua, phần lớn hộ dân ở đây dùng bình ắc-quy, đèn dầu; hộ nào có điều kiện thì lắp pin năng lượng mặt trời, nhưng cũng chỉ thắp được một bóng đèn lúc chập tối phục vụ ăn uống. Con em phải học tập trong cảnh điện chập chờn vì phụ thuộc vào thời tiết. Không có điện nên việc tiếp cận các mô hình kinh tế, kinh nghiệm sản xuất và nắm bắt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước rất hạn chế. Nhiều hộ phải mua máy phát điện bơm nước tưới nhưng giá thành cao nên hầu hết đều trồng cây công nghiệp như điều, cao su. Có hộ muốn chuyển đổi cây trồng cũng khó vì không có điện để tưới tiêu.

Ông Phan Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Thuận Phú cho biết: Tổ 5A có 40 hộ thì 20 hộ phía ngoài đã vận động nhau tự bỏ tiền đấu nối từ đường dây trung thế để có điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt. 20 hộ còn lại cách xa nhau, lại khó khăn về kinh tế, trong khi chi phí đầu tư đường dây khá lớn, nhiều hộ không có điều kiện đóng góp. Xã đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền và ngành điện cũng đã khảo sát nhưng đến nay vẫn chưa đầu tư. Khó khăn nữa là nguồn lực của huyện hạn chế và đang tập trung kinh phí cho các xã về đích nông thôn mới năm 2019 nên trước mắt xã tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tham gia xã hội hóa đường điện.

Hình ảnh những đứa trẻ chụm đầu quanh chiếc đèn dầu hay đội đèn pin học bài và câu hỏi “bao giờ nhà cháu có điện?” khiến chúng tôi đau đáu. Hy vọng các cấp, ngành chức năng trong tỉnh sớm có cơ chế, nhanh chóng đầu tư nguồn lực giúp người dân nơi đây sớm được sử dụng điện lưới quốc gia, để niềm vui xã nông thôn mới thêm trọn vẹn.

Ngân Hà

  • Từ khóa
94581

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu