Chủ nhật, 19/05/2024 23:56:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:58, 30/06/2019 GMT+7

Cần bước đột phá trong thực hiện Dự án 33

Đông Kiểm
Chủ nhật, 30/06/2019 | 06:58:00 619 lượt xem

Chúng tôi tìm đến khu định canh, định cư thuộc Dự án 33 ở vùng biên xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập đã quá nửa trưa. Cả khu định canh, định cư có 167 hộ chìm trong vắng lặng. Cũng may, lục tìm cả khu dự án còn có vợ chồng anh Điểu Kor ở nhà. Hỏi ra mới biết cả xóm lên rẫy đến chiều mới về. Chị Thị Hiền, vợ của anh Điểu Kor cùng 3 con nhỏ bên mớ hạt điều đang bóc vỏ lụa còn dang dở. Cả 3 người con của chị chưa một ngày đến trường với nhiều lý do khác nhau. Nếu bóc hết vỏ lụa khoảng 10kg hạt điều này sẽ được 75 ngàn đồng tiền công.

DIỆN MẠO DỰ ÁN

Thực hiện Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 5-3-2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), UBND tỉnh ban hành Quyết định số 638/QĐ-UBND ngày 25-3-2011 phê duyệt dự án cấp đất định canh, định cư cho 301 hộ DTTS thuộc huyện Bù Gia Mập với tổng diện tích 376,3 ha. Trong quá trình thực hiện do thiếu đất nên UBND huyện Bù Gia Mập trình UBND tỉnh xin điều chỉnh một số nội dung theo Quyết định số 1457/QĐ-UBND ngày 10-7-2015. Trên cơ sở đó, UBND huyện Bù Gia Mập đã cấp đất sản xuất cho 125 hộ với tổng 108,915 ha, bình quân mỗi hộ gần 1 ha. Trong đó, xã Đắk Ơ có 37 hộ với tổng 37 ha; xã Phú Nghĩa 15 hộ với 15 ha; xã Phú Văn 25 hộ với 25 ha; xã Đức Hạnh 15 hộ với 15 ha; xã Đa Kia 33 hộ với 16,915 ha.

Sau khi tìm nguồn vay nóng bên ngoài để đầu tư chăn nuôi không được, các hộ Thị Hằng, Thị Mai và Thị Biết thuộc diện được hưởng Dự án 33, xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) tìm đến nhà tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội để xin làm thủ tục vay vốn nhưng vẫn không được

Ngoài cấp đất tái định canh, dự án còn triển khai quy hoạch 265 lô đất tái định cư với tổng diện tích 15,767 ha tại Khoảnh 2, Tiểu khu 42, Nông lâm trường Đắk Mai, xã Đắk Ơ. Bình quân mỗi lô đất ở gần 600m2. Năm 2017, dự án đã cấp 168 lô đất ở cho 168 hộ DTTS ở các xã Phú Văn, Đa Kia, Đức Hạnh, Phú Nghĩa, Đắk Ơ. 97 lô đất còn lại đang được UBND xã Đắk Ơ quản lý. 

Song hành với việc cấp đất, dự án còn hỗ trợ xây dựng và bàn giao 101 căn nhà đại đoàn kết cho 101 hộ DTTS được hưởng dự án, tổng kinh phí xây dựng 6.060 triệu đồng được huy động từ nguồn kinh phí dự án, vốn ngân sách, Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh và huyện Bù Gia Mập. Toàn bộ 3,308km đường giao thông trong khu tái định cư đã được láng nhựa. Từ khu định cư đến khu định canh hơn 6km, trong đó đã láng nhựa được 2km. Điện, nước sinh hoạt trong khu định cư cũng được đầu tư xây dựng và hoàn thành từ năm 2017. Nhà văn hóa, phòng học mẫu giáo và cấp tiểu học được đầu tư xây dựng khá khang trang, nhằm phục vụ tốt nhất cho đồng bào khu dự án.

KHÓ CHỒNG KHÓ

Khu định cư Dự án 33 nằm gọn trên một triền rừng tiếp giáp với đường tuần tra biên giới thuộc thôn 10, xã Đắk Ơ. Toàn khu hiện có 167 hộ dân, trong đó 101 hộ thuộc chương trình Dự án 33 và 66 hộ thuộc Chương trình 167. Tất cả hộ dân thuộc dự án đều là hộ nghèo. Để tạo điều kiện bước đầu cho người dân ổn định nơi ở, ngoài hỗ trợ nhà ở, dự án còn hỗ trợ lương thực, công cụ lao động trong 6 tháng đầu đến nơi ở mới. Dự án còn hỗ trợ mỗi hộ một con bò giống để tạo đà phát triển chăn nuôi. Mặc dù được hưởng từ nhiều chương trình chính sách cách đây 3 năm nhưng 100% hộ dân thuộc Dự án 33 đến nay vẫn là hộ nghèo.

“Trong 12 thôn của xã, tôi khổ nhất là thôn 10. Một tháng người dân quất (người dân làm hư - PV) 4 máy bơm, tôi phải giao dân quân trực ban tại giếng khoan và vận hành mới có nước sinh hoạt cấp cho bà con. Chỉ 3,8 triệu đồng tiền hỗ trợ lương thực của dự án cũng phải chia thành 3 lần để đảm bảo người dân có cái ăn trong những tháng đầu. Nếu không họ quy đổi hết thành những tiệc rượu. Hằng năm xã có chương trình gì cũng dành hết cho người dân ở khu định cư này, nhất là dịp tết, nhà nào cũng được nhận từ 2 phần quà trở lên” .

Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ Trần Văn Linh

Báo cáo mới đây của huyện Bù Gia Mập cho thấy, trong 125 hộ được cấp đất tái định canh, có 22 hộ không thể sản xuất được vì bị chủ cũ xâm canh, lấn chiếm hoặc sang nhượng, cầm cố. Toàn bộ diện tích đất định canh và định cư đều thuộc lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai quản lý, người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì thế, tất cả người dân trong vùng dự án không thể thế chấp vay vốn ngân hàng nông nghiệp để đầu tư sản xuất, trong khi họ không có tài sản giá trị nào khác. Riêng vốn ngân hàng chính sách số lượng có hạn nên phải giải ngân từng năm. Từ năm 2014-2018, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập đã giải ngân tổng dư nợ 2,6 tỷ đồng cho 104 hộ DTTS trong dự án vay xây dựng nhà ở. Hiện chỉ có 32 hộ/167 hộ nghèo trong dự án vay với tổng dư nợ 455 triệu đồng. Phần lớn người dân trong vùng dự án đang gặp rất nhiều khó khăn về vay vốn để đầu tư sản xuất. Ngay cả Bí thư Chi bộ thôn 10 Phan Văn Võ làm hồ sơ và chờ đợi đã hơn 3 năm vẫn chưa vay được vốn của ngân hàng. Bí thư Phan Văn Võ cho hay, việc vay vốn của người dân trong vùng dự án gần như ngân hàng khoán trắng cho các tổ trưởng tổ vay vốn. Tổ trưởng lo sợ người nghèo không có khả năng trả nợ nên không xúc tiến làm thủ tục cho vay. Vì thế, 167 hộ trong vùng dự án vẫn chưa thoát nghèo. 

đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ

Từ khi triển khai thực hiện năm 2011 đến giữa năm 2018, dự án cấp được 33 con bò cho 33 hộ trong tổng 101 hộ thuộc diện thụ hưởng chương trình. Đây cũng là thời điểm người dân gặp rất nhiều khó khăn tại nơi ở mới, như thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt nên một số hộ bán bò. 68 con bò được cấp cho 68 hộ đầu năm 2019 đang được người dân chăm sóc rất tốt. Không chỉ nuôi bò, các nông hộ trong Dự án 33 như Thị Mai, Thị Hằng, Thị Biết còn mong được nuôi heo, dê để phát triển kinh tế gia đình. Các chị Thị Mai và Thị Hằng nhận định, giá heo, dê trên thị trường hiện nay thuận lợi cho việc chăn nuôi. Tốc độ tăng đàn của 2 loài vật nuôi này rất nhanh nên khả năng trả nợ cho ngân hàng rất cao. Thế nhưng không vay được vốn ngân hàng nông nghiệp, cả tháng nay các chị tìm đến các hộ trong thôn cũng không có ai cho vay vì nghèo. Tìm đến Tổ trưởng tổ vay vốn do Ngân hàng chính sách xã hội ủy nhiệm cho Phó trưởng thôn 10 Trần Thị Lan năn nỉ từ sáng đến trưa để vay 20 triệu đồng đầu tư chăn nuôi vẫn không được.

Đường giao thông trong khu định cư Dự án 33 đã được láng nhựa

Nhà cửa, điện, đường, trường lớp và cả vật nuôi, đất đai đều đã được đầu tư cho các hộ dân hưởng chương trình Dự án 33 tại thôn 10, xã Đắk Ơ. Kinh phí đã đầu tư vào dự án này không nhỏ. Hiện nay, đầu đường dẫn vào trung tâm khu định cư còn được tiếp tục đầu tư đập thủy lợi với tổng kinh phí 6 tỷ đồng để cấp nước sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu cho người dân trong vùng dự án. Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ Trần Văn Linh nhận định: Dự báo sau khi đập thủy lợi hoàn thành sẽ tạo cảnh quan cho khu định cư Dự án 33 không khác gì khu đô thị văn minh. Tuy nhiên, để khu định cư Dự án 33 tại thôn 10 đạt được mục tiêu như Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ đặt ra, nhiệm vụ cấp bách trước mắt là cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Bởi đây là tài sản duy nhất để các hộ DTTS trong vùng dự án có thể thế chấp ngân hàng vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nếu không, họ vẫn phải đi vay nóng bên ngoài với lãi suất cao rồi lại rơi vào vòng xoáy của nợ nần dẫn đến bán nhà, bán đất bằng miệng rất khó kiểm soát.

  • Từ khóa
94575

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu