Thứ 2, 20/05/2024 03:21:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:01, 26/06/2019 GMT+7

Khát vọng trẻ hóa hồ tiêu

Thứ 4, 26/06/2019 | 06:01:00 249 lượt xem
BP - “Kết thúc mùa khô năm nay, Tân Thành mất 14,7 ha hồ tiêu. Cứ sau mỗi mùa khô là tiêu chết. Chết vì thiếu nước tưới, thiếu sự đầu tư chăm sóc và chết vì thoái hóa giống, vì dịch bệnh. Mùa xuống giống năm nay, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên tiếp tục trồng mới trên diện tích hồ tiêu vừa chết. Nếu trồng thì phải xen canh cây trồng khác ít nhất từ 2-3 vụ. Đó chỉ là phần ngọn, phần gốc phải nghiên cứu giải pháp trẻ hóa hồ tiêu mới nghĩ đến phát triển nông nghiệp bền vững” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành (Bù Đốp) Cao Văn Tính trăn trở.

ĐIỆP KHÚC TIÊU CHẾT

Hơn 20 năm qua, cứ sau mỗi mùa khô là người trồng tiêu ở xã Tân Thành nói riêng và huyện Bù Đốp nói chung đối mặt với tình hình tiêu chết hàng loạt. Năm ngoái, nắng hạn dẫn đến thiếu nước tưới, thiếu đầu tư chăm sóc và dịch bệnh khiến tiêu chết hàng loạt. Trong số 45,4 ha cây trồng bị chết sau khi kết thúc mùa khô năm nay, có đến 14,7 ha hồ tiêu. Chủ tịch Hội Nông dân xã Cao Văn Tính dự báo diện tích tiêu chết sẽ còn tiếp tục tăng cao. Trước thực trạng tiêu bị chết trong những năm gần đây, người dân và cán bộ cấp cơ sở nơi biên giới này thường bông đùa “tiêu còn đâu mà chết”. Bao năm nay, nguyên nhân tiêu chết vẫn không có gì thay đổi ngoài lý do nắng hạn, thiếu sự đầu tư chăm sóc, đất trồng không thích hợp, thiếu hiểu biết khoa học, kỹ thuật dẫn đến dịch bệnh. Thế nhưng chưa một nhà nông hay nhà khoa học nào đi đến cùng lý do tiêu chết vì dịch bệnh mà tại sao không tìm ra giải pháp cứu chữa hữu hiệu.

Mắt ghép bơ sáp tứ quý thành công trên thân cây bơ sáp một vụ đã 7 năm tuổi tại vườn nhà nông hộ Lý A Sập ở xã Tân Thành (Bù Đốp)

Không ít người dân vùng biên này có tuổi nghề trồng tiêu trên 20 năm. Kinh nghiệm 20 năm trồng tiêu giúp họ thấy được nguyên nhân sâu xa dẫn đến tiêu chết hàng loạt là do thoái hóa giống. Không thoái hóa giống sao được khi hồ tiêu hiện diện trên vùng đất Bù Đốp, Lộc Ninh hay chung nhất là Bình Phước từ trước đến nay chỉ nhân giống bằng cách cắt dây. Nhà này chuyền sang nhà khác, nơi này chuyển đi nơi khác cũng chỉ bằng mỗi phương pháp cắt dây. Để khắc phục tiêu chết do thoái hóa giống, nhiều nông hộ Bù Đốp, Lộc Ninh sang tận Campuchia mua hom giống tiêu mới về trồng. Thực tiễn những vườn tiêu trồng giống mới từ Campuchia cho thấy cây phát triển khá tốt. Không chỉ thế, chúng còn kháng bệnh cao mặc dù được trồng ngay trên đất của vườn tiêu vừa chết vì dịch bệnh.

Sau nhiều năm gắn bó với hồ tiêu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cao Văn Tính phát hiện hạt tiêu vẫn nảy mầm sau khi rụng xuống đất. Ông đã mang những dây tiêu ấy trồng lại nhưng bất thành. Lý do đơn giản là sau khi nhổ lên, bộ rễ của dây tiêu được nảy mầm từ hạt còn non yếu kia đã nhiễm bệnh tuyến trùng. Từ đây, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cao Văn Tính cho rằng trẻ hóa vườn tiêu bằng cách nhân giống từ hạt trên vùng đất sạch sẽ giúp nông dân có được bộ giống sạch bệnh.

GIẢI PHÁP THAY THẾ

Từ khi giá tiêu còn ở mức cao, anh Lý A Sập ở ấp Tân Phong, xã Tân Thành đã trồng xen 80 cây bơ vào tổng diện tích 5,8 ha hồ tiêu của gia đình. Mỗi cây bơ cho năng suất bình quân từ 200-300kg/năm. Với mức giá bình quân 25 ngàn đồng/kg tại vườn, vụ mùa vừa rồi, 80 cây bơ đã giúp gia đình anh có thêm 500 triệu đồng. Nhà nông Lý A Sập cho biết, cây bơ từ năm thứ 7 trở lên sẽ cho năng suất không dưới 500kg/cây/năm. Cụ thể là cây bơ sáp được anh trồng trong sân vườn từ năm 1995, vụ vừa rồi cho năng suất hơn 1 tấn trái.

Nhà nông Lý A Sập cùng Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành (Bù Đốp) Cao Văn Tính trong vườn bưởi da xanh vừa thay thế diện tích hồ tiêu đã chết

 Sau 3 năm giá tiêu trên thị trường xuống thấp, toàn bộ vườn tiêu 5,8 ha của gia đình anh Lý A Sập lần lượt chết sạch. Năm ngoái, gia đình anh thay 1,5 ha cây bưởi da xanh trên diện tích hồ tiêu bị chết. Năm nay, anh tiếp tục xuống 1,5 ha bưởi da xanh và 1 ha chôm chôm thay cho tiêu. Diện tích còn lại, anh dành cho cây bơ sáp. Với kinh nghiệm từ thực tiễn của cây bơ trên vùng đất Bù Đốp, anh Sập quyết tâm đầu tư cho cây bơ trái vụ để tăng thêm thu nhập. Anh đang ghép cải tạo 80 cây bơ sáp một vụ thành bơ sáp tứ quý.

Phương pháp ghép bơ của anh Sập khá độc đáo. Thay vì ghép cành, anh ghép trực tiếp lên thân cây đang trong thời kỳ kinh doanh nhưng tỷ lệ sống lên đến 70-80%. Anh Sập cho biết, giống bơ sáp tứ quý khi bán trái vụ giá trên thị trường có thời điểm lên đến 90-95 ngàn đồng/kg. Năng suất của giống bơ này không thua kém những giống bơ sáp một vụ. Bằng kinh nghiệm thực tiễn hơn 30 năm gắn bó với cây trồng, nhà nông Lý A Sập cho rằng vùng đất Bù Đốp thích hợp cho cây bơ, bưởi, xoài, chôm chôm và không ít cây ăn trái khác. Riêng cây sầu riêng là không thể bởi điều kiện thời tiết cũng như thổ nhưỡng không thích hợp. Do vậy, cây sầu riêng đang làm ra tiền tỷ/ha trong mùa vụ năm này, anh Lý A Sập cũng không dám đầu tư mặc dù có đủ kinh phí. 

Trước khi chuyển đổi giống cây trồng, hồ tiêu nọc sống vẫn đang là lựa chọn ưu tiên số 1 của người dân Bù Đốp. Bởi phía dưới vườn tiêu nọc sống là việc chăn nuôi dê đang cho hiệu quả kinh tế khá cao. Mặt khác, nhiều nông hộ có diện tích đất nông nghiệp không nhiều nên rất khó chuyển đổi sang các loại cây khác. Do vậy, việc trẻ hóa vườn tiêu cùng các giải pháp khoa học trong phòng bệnh tổng hợp mới giúp hồ tiêu phát triển bền vững.

Đông Kiểm 

  • Từ khóa
94572

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu