Thứ 2, 20/05/2024 03:31:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:48, 05/06/2019 GMT+7

Cảnh giác với bệnh giao mùa - Bài cuối

Thứ 4, 05/06/2019 | 15:48:00 2,296 lượt xem

KHÔNG CHỦ QUAN TRONG PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH

BP - Tiến sĩ, bác sĩ Quách Ái Đức, Giám đốc Sở Y tế cho biết, các bệnh sốt xuất huyết (SXH), sởi, tay - chân - miệng đều chưa có thuốc đặc trị. Nếu mắc bệnh thì khả năng lây lan trong cộng đồng rất cao, nguy cơ phát triển thành dịch và gây tử vong nếu người bệnh không được theo dõi điều trị kịp thời. Tuy nhiên, các bệnh này có thể ngăn ngừa nếu người dân và cộng đồng nâng cao ý thức phòng ngừa, không chủ quan với bệnh.

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Bình Phước đã phỏng vấn Giám đốc Sở Y tế Quách Ái Đức.

PV: Thưa bác sĩ, tình hình diễn biến dịch bệnh đáng chú ý trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?

Bác sĩ Quách Ái Đức: Theo số liệu giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến ngày 19-5-2019, toàn tỉnh ghi nhận 1.201 ca bệnh SXH, không có trường hợp tử vong, số ca mắc tăng 145% so cùng kỳ năm 2018 (1.201/491 ca). Trong đó, 10/11 huyện, thị xã, thành phố có số ca mắc tăng so cùng kỳ năm trước, như Đồng Xoài 272 ca, Chơn Thành 255, Hớn Quản 125, Lộc Ninh 114, Đồng Phú 93 và Bù Đăng 80 ca.

Trung tâm Y tế thị xã Phước Long hướng dẫn người dân cách phòng chống sốt xuất huyết

Ngoài bệnh SXH thì số ca mắc bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi (gọi tắt là sởi) cũng tăng cao. Đến ngày 19-5-2019, toàn tỉnh ghi nhận 776 ca sởi, không có trường hợp tử vong. 11/11 huyện, thị xã, thành phố có số ca mắc tăng cao đột biến như Hớn Quản 153 ca, Bù Đăng 105, Phước Long 104, Bù Gia Mập 96 và Đồng Xoài 79 ca. Đây cũng là năm trên địa bàn tỉnh ghi nhận số ca mắc sởi cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Đối với bệnh tay - chân - miệng, hiện toàn tỉnh ghi nhận 131 ca, tăng 35% so cùng kỳ năm 2018 (131/97 ca); 7/11 huyện, thị xã, thành phố có số ca mắc tăng so cùng kỳ năm trước, đó là Bình Long 24 ca, Đồng Phú 14, Bù Đăng 14, Đồng Xoài 15, Hớn Quản 17, Bù Gia Mập 14 và Lộc Ninh 10 ca. Ngành y tế đã kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống và điều trị nên chưa xảy ra trường hợp tử vong.

PV: Tại Bình Phước, thời điểm giao mùa tạo điều kiện cho các loại dịch bệnh nào phát triển? Ý thức phòng chống của cộng đồng về vấn đề này như thế nào, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Quách Ái Đức: Thời điểm giao mùa là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát thành dịch, đó là SXH, tay - chân - miệng và bệnh sởi. Trong những năm gần đây, ý thức của người dân, cộng đồng về phòng chống các bệnh truyền nhiễm có khả năng gây dịch đã được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận người dân, gia đình chưa thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành y tế trong phòng chống dịch bệnh. Trong phòng chống SXH, nhiều hộ dân vẫn chưa thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường, hạn chế nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh. Nhiều hộ còn để quá nhiều dụng cụ chứa nước không được vệ sinh, thu gom đúng cách. Đây là môi trường thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH sinh sản, phát triển và là nguyên nhân dẫn đến bệnh SXH lây lan trong cộng đồng.

Đối với bệnh sởi, hiện đã có vắc-xin phòng bệnh, tuy nhiên gần 80% trường hợp mắc bệnh đều chưa được tiêm phòng vắc-xin sởi. Điều đó cho thấy vẫn còn một bộ phận người dân chưa thực sự chủ động phòng bệnh cho con thông qua tiêm các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

PV: Vậy, để hạn chế dịch bệnh trong thời điểm giao mùa, ngành y tế đã triển khai những biện pháp và khuyến cáo gì với người dân?

Bác sĩ Quách Ái Đức: Trước tình hình một số bệnh truyền nhiễm có thể gia tăng trong thời điểm giao mùa, ngành y tế đã tập trung chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Cụ thể là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân chủ động, tích cực tham gia các hoạt động phòng chống SXH. Hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố đang xây dựng kế hoạch diệt lăng quăng phòng chống SXH dựa vào cộng đồng. Đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống SXH (15-6). Xây dựng kế hoạch chiến dịch diệt lăng quăng kết hợp phun hóa chất chủ động phòng chống SXH tại các địa phương có nguy cơ cao. Chuẩn bị đầy đủ hóa chất diệt côn trùng, duy trì đội cơ động chống dịch sẵn sàng đáp ứng chống dịch khi cần. Giám sát chặt chẽ ca bệnh hằng ngày, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch. Chỉ đạo các trạm y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác quản lý đối tượng trong tiêm chủng mở rộng, đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm chủng đối với các loại vắc-xin, đặc biệt là vắc-xin sởi theo kế hoạch.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong thời điểm giao mùa, ngành y tế đề nghị người dân thực hiện tốt một số nội dung sau: Để phòng các bệnh lây truyền qua trung gian truyền bệnh cũng như bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, như thu gom, lật úp, dọn dẹp dụng cụ chứa nước không cần thiết. Đậy nắp, thau rửa thường xuyên dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Diệt lăng quăng 2 lần/tuần, với khẩu hiệu “Không có lăng quăng - không có SXH”. Phòng chống muỗi chích bằng cách: ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay cho trẻ, có thể dùng nhang xua muỗi, kem chống muỗi, hoặc bình xịt muỗi cá nhân tại hộ gia đình. Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, rộng rãi, thoáng mát. Chủ động đưa đi tiêm trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin sởi, vắc-xin sởi - rubella đầy đủ và đúng lịch. Trẻ lớn và người lớn có thể tiêm phòng vắc-xin sởi, vắc-xin sởi - rubella hoặc sởi - quai bị - rubella tại các điểm tiêm chủng dịch vụ.

PV: Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Phương Dung (thực hiện)

  • Từ khóa
94558

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu