Thứ 2, 20/05/2024 00:19:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:38, 28/05/2019 GMT+7

Nút thắt trong giảm nghèo ở Đắk Ơ

Thứ 3, 28/05/2019 | 06:38:00 2,035 lượt xem
BP - Xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) hiện có 1.530 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), bằng 39,1% số dân toàn xã. Trong những năm qua, do ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh nên năng suất điều giảm mạnh, cây tiêu chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân. Bên cạnh đó, giá tiêu chạm đáy, giá mủ cao su chưa phục hồi nên thu nhập bình quân của người dân đạt thấp; tình trạng cầm cố, sang nhượng đất, vay nặng lãi diễn biến phức tạp trong vùng đồng bào DTTS... Đó là những nguyên nhân chính khiến công tác giảm nghèo trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn.

Kết quả bước đầu

Xã Đắk Ơ có diện tích rộng, đất đai màu mỡ, dân số đông, khí hậu ôn hòa thuận lợi cho cây công nghiệp lâu năm phát triển như cao su, điều, tiêu và các loại cây ăn trái. Các loại hình kinh doanh, dịch vụ phát triển mạnh với 650 tiểu thương; các dịch vụ đang từng bước nở rộ như taxi, nhà hàng, tiệc cưới, vận tải hành khách đến các trung tâm kinh tế lớn và tỉnh, thành trong cả nước... Toàn xã có 129km đường giao thông nông thôn, trong đó hơn 51km được cứng hóa (chiếm 39,8%), đáp ứng nhu cầu lưu thông của người dân và phương tiện. Các trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn phần lớn được xây dựng kiên cố, đảm bảo nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của con em và người dân trong xã. Hiện xã có 82 trạm biến áp, 47km đường dây trung thế, gần 41km đường dây hạ thế với 98% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. 2% hộ dân còn lại do ở xa trung tâm thôn, sống tại nương rẫy nên sử dụng điện năng lượng mặt trời, bình ắc-quy. Trên địa bàn có 6 công trình nước sạch, trong đó 5 giếng khoan tại các thôn 6, 3, 4, Bù Khơn, Bù Bưng và 1 giếng khoan phục vụ các hộ kinh doanh tại chợ Đắk Ơ. Tuy nhiên, chỉ còn 3 giếng tại các thôn 3, 6 và chợ Đắk Ơ đang sử dụng, số còn lại đã hư hỏng.

Một góc trung tâm xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập - Ảnh: Sỹ Hòa

Cùng với người dân toàn xã, các hộ DTTS trên địa bàn Đắk Ơ được hưởng nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước để vươn lên thoát nghèo. Thực hiện các chương trình 755, 2085, từ năm 2016-2018, xã bình xét hỗ trợ vốn vay hơn 300 hộ với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 102/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2016 đến nay, Đắk Ơ đã hỗ trợ 8.474 người nghèo vùng khó khăn 874,4 triệu đồng. Chương trình 33, năm 2017 cấp 33 bồn nước sinh hoạt cho 33 hộ DTTS; năm 2018 cấp đất ở và xây dựng 68 căn nhà cho hộ DTTS tại Tiểu khu 42, thôn 10; cấp 59 con bò giống cho 59 hộ phát triển sản xuất. Ngoài các chương trình được hỗ trợ theo chính sách dân tộc, từ năm 2016 đến nay, Đắk Ơ còn được hưởng nhiều chính sách khác để xây dựng cơ sở hạ tầng như: Chương trình 135 với số vốn 5,22 tỷ đồng; nông thôn mới 1 tỷ đồng; chương trình 160 là 1,5 tỷ đồng. Thông qua các chương trình hỗ trợ, cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ, kiên cố, đời sống người dân từng bước được nâng cao.

còn nhiều khó khăn

Theo thống kê, cuối năm 2018, xã Đắk Ơ có 680 hộ nghèo (chiếm 16,2% số dân toàn xã), trong đó 477 hộ nghèo DTTS, chiếm 70% tổng hộ nghèo; 308 hộ cận nghèo, trong đó 181 hộ cận nghèo DTTS. Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ Trần Văn Linh cho biết: Với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của toàn xã hội và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, năm 2018, xã giảm được 30 hộ nghèo, tuy nhiên phát sinh 22 hộ. Vì thế, so với năm 2017, năm 2018 giảm 8 hộ nghèo. Nguyên nhân do phần lớn người dân làm nông nghiệp, trong khi những năm gần đây do ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh nên năng suất điều giảm chỉ từ 0,7-1 tấn/ha; cây tiêu chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân và giá giảm chỉ bằng 1/3 so năm 2016; giá mủ cao su chưa phục hồi nên thu nhập bình quân đầu người đạt thấp (27 triệu đồng/năm), trong đó hộ DTTS chỉ 20 triệu đồng. Hiện trên địa bàn còn 85 căn nhà tạm, 190 hộ thiếu đất ở, 328 hộ thiếu đất sản xuất, trong đó phần lớn là hộ DTTS. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng tới 10,75%, trong đó chủ yếu ở hộ nghèo, DTTS.

Bàn giao nhà đại đoàn kết cho 6 hộ nghèo dân tộc thiểu số ở xã Đắk Ơ vào cuối năm 2018

Những năm qua, tình trạng cầm cố, sang nhượng đất, vay nặng lãi trong vùng DTTS ở xã Đắk Ơ diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của UBND xã, qua kiểm tra, rà soát ở một số thôn giữa năm 2018 phát hiện 41 hộ cầm cố đất với diện tích 59,4 ha; 12 hộ sang nhượng đất được Nhà nước cấp với diện tích 12 ha; 5 hộ vay tiền lãi suất cao, tổng 1,925 tỷ đồng, lãi suất từ 3%/tháng trở lên. Cá biệt có hộ ông Điểu Kim, ngụ thôn 4 vay 1,8 tỷ đồng, thế chấp từ 4,6 ha đất sản xuất. Nguyên nhân do phần lớn hộ DTTS sang nhượng, cầm cố đất, vay tiền lãi suất cao có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có người ốm đau, bệnh tật; một số hộ vay tiền để chi tiêu sinh hoạt, xây dựng, sửa chữa nhà ở hoặc trả nợ ngân hàng...

Để hạn chế tình trạng này, những năm qua, xã tăng cường tuyên truyền, vận động, đề ra các giải pháp thực hiện. Tuy nhiên, các hộ không hợp tác kê khai, năm 2018, tổ công tác của xã đã đến các thôn 10, 3 nhưng không thực hiện được; một số hộ chưa kê khai đầy đủ; cán bộ thôn chưa nắm bắt kịp thời tình hình đời sống nhân dân; các hộ vay tiền, cầm cố đất thường lén lút, sợ chính quyền can thiệp và thỏa thuận với bên cầm cố, cho vay giữ kín, do đó đã bị các đối tượng xấu lợi dụng; các loại giấy tờ về cầm cố, vay tiền thường sơ sài, không ghi cụ thể thời gian và thường do bên cầm cố, cho vay giữ... Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, từ đầu năm 2019 đến nay đã có 7 trường hợp làm đơn đề nghị UBND xã giải quyết việc cầm cố đất, vay tiền bên ngoài. Trong đó, UBND xã đã hòa giải thành 2 trường hợp là hộ DTTS chuộc lại đất; 1 trường hợp vay tiền lãi suất cao đã hòa giải thành chỉ trả tiền gốc (1,2 tỷ đồng) không tính lãi suất; 2 trường hợp chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét; 2 trường hợp vay tiền lãi suất cao đang xem xét giải quyết.

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cũng như hạn chế tình trạng cầm cố, sang nhượng đất, vay nặng lãi, UBND xã Đắk Ơ kiến nghị cần tăng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất và tăng số lượng xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo. Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho hộ DTTS vay tiền để chuộc lại đất sản xuất với lãi suất ưu đãi, thời gian vay dài hơn. Ngành nông nghiệp thường xuyên tổ chức hội thảo hướng dẫn nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây trồng theo hướng sản xuất sạch, nâng cao giá trị hàng hóa. Công an huyện tăng cường theo dõi, nắm tình hình các đối tượng lợi dụng sự hạn chế về nhận thức, dụ dỗ đồng bào DTTS vay tiền với lãi suất cao dẫn đến phải cầm cố hoặc sang nhượng đất.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
94548

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu