Thứ 2, 20/05/2024 01:24:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:02, 03/05/2019 GMT+7

Y tế công lập cần hỗ trợ để “lột xác” - Bài 1

Thứ 6, 03/05/2019 | 06:02:00 393 lượt xem
BP - Sau thời gian thực hiện Đề án 999 của Tỉnh ủy, bộ máy Sở Y tế đã có nhiều thay đổi theo hướng tinh gọn, hướng đến hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cùng với thực hiện Quyết định số 3096/QĐ-UBND ngày 29-11-2017 của UBND tỉnh (về việc giao quyền tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công), các đơn vị y tế công lập trong toàn tỉnh đang thực hiện lộ trình tự chủ một phần kinh phí. Tuy nhiên, do gặp khó về nguồn nhân lực, các cơ sở y tế công lập đang rất khó khăn khi phải cạnh tranh với y tế tư nhân. Vì vậy, cùng với Đề án 999 và Quyết định số 3096/QĐ-UBND, để ngành y tế Bình Phước có thể “lột xác”, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn tỉnh rất cần sự hỗ trợ tìm nguồn nhân lực đảm bảo hoạt động chuyên môn.

BỆNH VIỆN CÔNG KHÓ KHĂN THỜI TỰ CHỦ

Tuy được đầu tư, phát triển nhiều kỹ thuật mới nhưng số bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh hiện thiếu rất nhiều so với chỉ tiêu bệnh viện 600 giường nên không đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Không những vậy, từ năm 2017, các đơn vị y tế công lập trong toàn tỉnh thực hiện lộ trình tự chủ một phần kinh phí theo Quyết định số 3096/QĐ-UBND ngày 29-11-2017 của UBND tỉnh. Vì vậy, Bệnh viện đa khoa tỉnh và các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố đang rất khó khăn trong đảm bảo duy trì hoạt động bình thường và hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.

Thu không đủ chi

Nguồn thu từ khám, chữa bệnh của Bệnh viện đa khoa tỉnh năm 2018 là 155 tỷ đồng. Trong đó, chi phí để đảm bảo cho hoạt động của bệnh viện bao gồm: 55% chi phí thuốc, vật tư y tế tiêu hao, hóa chất; 20% chi phí hoạt động thường xuyên; 45% chi phí lương và các khoản phụ cấp theo quy định. Tổng cộng 120%, như vậy khoản vượt chi là 20% (khoảng 31 tỷ đồng/năm vì tự chủ 50%). Năm 2019, Bệnh viện đa khoa tỉnh được giao tự chủ 70% kinh phí hoạt động. Trong khi đó, nguồn thu từ khám, chữa bệnh không tăng nên không đáp ứng kinh phí để duy trì hoạt động của bệnh viện. Do vậy, bệnh viện đang làm thủ tục trình các cấp thẩm quyền xin phép thực hiện giải pháp tăng nguồn thu từ khám, chữa bệnh để có kinh phí duy trì hoạt động như: khám, chữa bệnh dịch vụ; khám, chữa bệnh theo yêu cầu, dịch vụ lựa chọn bác sĩ điều trị...

Người dân chờ đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh - Ảnh: B.L

Theo Quyết định số 3096/QĐ-UBND ngày 29-11-2017 của UBND tỉnh về giao quyền tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, thì các đơn vị vừa phải tự chủ một phần kinh phí theo quy định và phải trích 35% hoặc 40% giữ lại bổ sung tăng nguồn cải cách tiền lương. Thực hiện quyết định này, hiện những đơn vị có nguồn thu thấp thu không đủ chi, còn các đơn vị có nguồn thu tương đối ổn định nếu cân đối cũng chỉ đủ chi thường xuyên nên không còn kinh phí tiết kiệm hằng năm chi thu nhập tăng thêm để khuyến khích, động viên tinh thần cán bộ, công nhân viên đang công tác tại đơn vị. Bác sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Ở bệnh viện, mức tự chủ kinh phí 50% (năm 2018), 70% (năm 2019) là rất khó khăn trong việc đảm bảo kinh phí hoạt động của đơn vị. Vì nguồn thu từ khám, chữa bệnh thực hiện trong năm 2018 đã không đủ chi nên thu nhập của viên chức, người lao động thấp do không có thu nhập tăng thêm. Hiện bệnh viện nợ lương, nợ công nợ và các khoản phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật...

 Năm 2019, nguồn thu từ khám, chữa bệnh của bệnh viện trong quý 1 chỉ đạt 70% so với dự toán nên dự báo sẽ không đáp ứng kinh phí để duy trì các hoạt động thường xuyên như chi trả lương, phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật, chi phí mua thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao. Hơn nữa, theo quy định cơ cấu giá dịch vụ y tế hiện nay mới chỉ bao gồm chi phí trực tiếp, khấu hao tài sản và phụ cấp cho nhân viên y tế; chưa bao gồm chi phí quản lý, chi phí đào tạo, chi phí nghiên cứu khoa học, chi phí ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh.

Bác sĩ “nhảy việc” ngày càng nhiều

Tính từ ngày 1-1-2018 đến nay, ngành y tế Bình Phước có 15 bác sĩ xin nghỉ việc ở cả tuyến tỉnh và tuyến huyện. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, nhiều bác sĩ có thâm niên công tác, trình độ chuyên môn cao và giữ chức vụ quan trọng đã xin nghỉ. Một số bác sĩ trẻ mới ra trường đến công tác tại đơn vị chỉ một thời gian ngắn cũng xin nghỉ việc. Tình trạng này buộc lãnh đạo bệnh viện phải chuẩn bị phương án sáp nhập các khoa để đảm bảo hoạt động. Thiếu nhân lực dẫn đến các bác sĩ ở bệnh viện rất áp lực. Bác sĩ N.T.T cho biết: “Trước đây, khoa có 7 bác sĩ thì 2 bác sĩ xin nghỉ ra ngoài làm. Còn 5 bác sĩ thì 1 người đang đi học, còn lại phải thay phiên nhau làm việc, trong đó 1 bác sĩ lớn tuổi cũng phải trực đêm. Công việc đã vất vả lại rất áp lực, nhất là những ngày đông bệnh nhân và ca nặng, chúng tôi phải cố gắng hết sức mới hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Thăm khám bệnh tại Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh

Đa số bác sĩ nghỉ việc thường chuyển sang làm việc tại phòng khám hoặc bệnh viện tư nhân. Một bác sĩ cho biết: “Tôi làm ở bệnh viện công chỉ 7-8 triệu đồng/tháng mà việc rất nhiều, nếu có phòng mạch ở nhà thì không đảm đương nổi. Giờ làm ở phòng khám tư lương tháng gấp 2-3 lần, không phải trực đêm, có thời gian làm thêm và chăm sóc gia đình. Tôi nghĩ nhiều bác sĩ bỏ bệnh viện công ra ngoài làm cũng vì nguyên nhân này. Thời gian tới nếu bệnh viện công không thay đổi thì bác sĩ khó mà gắn bó lâu dài”.

Số lượng nhân viên ngành y tế ở tỉnh nhiều năm nay thiếu so với định mức quy định của Bộ Y tế, nhân lực chưa được bổ sung kịp thời so với mức tăng dân số, mức tăng chỉ tiêu giường bệnh được giao. Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, biên chế sự nghiệp của ngành y được giao không tăng. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện thiếu 208 bác sĩ, trong đó tuyến tỉnh thiếu 98 bác sĩ, tuyến huyện thiếu 91 bác sĩ, tuyến xã thiếu 19 bác sĩ. Một số chuyên khoa quan trọng cũng thiếu bác sĩ như khoa nhi, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, chẩn đoán hình ảnh... Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức chưa đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Một số công chức, viên chức ngành y sau khi được đào tạo về đã chuyển đi nơi khác làm việc. Từ đó dẫn đến nhân lực ngành y, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ ngày càng thiếu.

Phương Dung

  • Từ khóa
94539

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu