Thứ 2, 20/05/2024 01:32:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:28, 23/04/2019 GMT+7

Lộc An huy động nguồn lực giảm nghèo bền vững

Thứ 3, 23/04/2019 | 06:28:00 172 lượt xem
BP - Không chỉ là xã biên giới, khó khăn, Lộc An (Lộc Ninh) còn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Do hầu hết người dân phát triển kinh tế dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong khi trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu, giá các mặt hàng nông sản chủ lực thấp... nên hộ nghèo, cận nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao. Trước thực trạng này, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/ĐU về giảm nghèo bền vững, từ đó đề ra những chỉ tiêu và giải pháp cụ thể, quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất hộ nghèo, cận nghèo.

Nỗ lực giảm nghèo

Lộc An hiện có 1.993 hộ với 7.935 người, trong đó 42,29% là đồng bào DTTS và gần 90% số hộ phát triển kinh tế dựa vào nông nghiệp. Nhằm từng bước, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo trên địa bàn, từ năm 2016-2018, ngoài hỗ trợ cây - con giống cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế từ nguồn kinh phí hỗ trợ của cấp trên gần 800 triệu đồng, xã còn xây dựng và bàn giao 21 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, trị giá 1,04 tỷ đồng cho hộ nghèo hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ nguồn kinh phí Quỹ “Vì người nghèo”. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội; hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; vận động tặng quà hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, học sinh khó khăn; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân trên địa bàn... Riêng 3 tháng đầu năm 2019, xã vận động được 673 phần quà, trị giá gần 264 triệu đồng, cùng 300kg gạo, 500 cuốn tập, 100 nón bảo hiểm, 31 xe đạp, 32 con dê giống... tặng hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và trẻ em nghèo.

Nhân dân xã Lộc An hỗ trợ nhau dựng lại nọc tiêu bị gãy, đổ do lốc xoáy gây ra

Ông Hoàng Tấn Hợp, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Với vai trò nòng cốt trong công tác giảm nghèo, những năm qua, hội luôn nêu cao tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp nhau làm kinh tế và giảm nghèo bền vững. Ngoài chuyển giao khoa học, kỹ thuật về chăm sóc cây trồng, vật nuôi, hội còn bảo lãnh mua phân bón trả chậm, phối hợp dạy nghề, tạo điều kiện cho hội viên nghèo vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, vận động giúp nhau cây - con giống, khắc phục hậu quả sau thiên tai... Riêng năm 2018, hội tổ chức tập huấn, hội thảo được 18 lớp cho gần 890 lượt hội viên; bảo lãnh mua 40 tấn phân bón các loại cho nông dân theo hình thức trả chậm; dạy nghề trồng nấm rơm cho 28 hội viên... và hỗ trợ 309 hộ vay vốn ngân hàng chính sách xã hội với tổng dư nợ gần 6 tỷ đồng.

Anh Điểu Tú ở ấp 54, xã Lộc An chia sẻ: “Do đông con nên trước đây kinh tế gia đình rất khó khăn, luôn thiếu trước hụt sau. Gia đình tôi được chính quyền xã vận động xây tặng nhà đại đoàn kết; tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà nhân các dịp lễ, tết; tặng 5 con dê giống và thường xuyên có cán bộ theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Tôi rất xúc động trước sự quan tâm này nên động viên vợ con tích cực làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, gia đình được công nhận thoát nghèo đầu năm 2019”. Còn anh Điểu Ghênh ở ấp 2, xã Lộc An nói: “Không chỉ quan tâm, động viên tinh thần, mới đây hộ tôi còn được xã hỗ trợ 5 con dê giống và cử cán bộ hội nông dân trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Đây chính là động lực giúp gia đình tôi yên tâm phát triển sản xuất, phấn đấu cuối năm 2019 sẽ thoát nghèo”.

hướng đi bền vững

Ông Đặng Văn Hòe, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lộc An cho biết: Mặc dù cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm đến công tác giảm nghèo nhưng số hộ nghèo phát sinh và tái nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể là cuối năm 2017, toàn xã có 123 hộ nghèo, chiếm 6,31% và 38 hộ cận nghèo, chiếm 1,95% tổng số hộ. Đến hết năm 2018, xã vẫn còn 124 hộ nghèo và 39 hộ cận nghèo. Nguyên nhân là do xã còn 48 người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, khó có khả năng thoát nghèo. Số hộ thoát nghèo mức thu nhập thấp, chưa có tích lũy và thiếu điều kiện bảo đảm tính bền vững. Giá các mặt hàng nông sản chủ lực thời gian qua xuống thấp nên số hộ cận nghèo có nguy cơ tái nghèo cao... Đáng báo động là số hộ nghèo tập trung cao trong vùng đồng bào DTTS, nhất là người S’tiêng do bà con sống ở vùng sâu, xa cơ sở vật chất hạn chế, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu; một số hộ chưa ý thức tự lực vươn lên, vẫn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

“Việc ban hành Nghị quyết số 54-NQ/ĐU, ngày 15-3-2019 của Đảng ủy xã là cơ sở để cả hệ thống chính trị của xã chung tay thực hiện công tác giảm nghèo bền vững” - ông Đặng Văn Hòe chia sẻ. Theo nghị quyết, đến cuối năm 2019, xã chỉ còn 114 hộ nghèo, giảm 10 hộ so cuối năm 2018, chiếm 5,85%; 30 hộ cận nghèo, giảm 9 hộ so cuối năm 2018, chiếm 1,54% tổng số hộ. Đến hết năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%. Bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 15%/năm, trong đó hộ nghèo DTTS giảm 15% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 và giảm thiểu số hộ tái nghèo, hộ nghèo phát sinh.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Đảng ủy luôn xác định, phải phát huy tốt trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể về công tác giảm nghèo, chỉ tiêu giảm nghèo và coi đây là một trong những cơ sở chủ yếu để đánh giá cán bộ, đảng viên hằng năm. Đảng ủy cũng đề ra các giải pháp cụ thể, đó là tuyên truyền làm thay đổi nhận thức và khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo; chủ động, linh hoạt trong hỗ trợ, giúp đỡ hộ cận nghèo vươn lên; đào tạo nghề phù hợp với tình hình thực tế của địa bàn, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, giúp hộ nghèo, cận nghèo tự nỗ lực vươn lên...

Xã cũng tranh thủ nguồn vốn trên cấp, vốn Ngân hàng chính sách xã hội và tăng cường vận động Quỹ “Vì người nghèo”, tạo nguồn lực triển khai đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ giảm nghèo mà trọng tâm là hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, điện thắp sáng, dạy nghề, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong sản xuất... Củng cố mạng lưới y tế cơ sở và tranh thủ các nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để phục vụ tốt việc khám, chữa bệnh cho nhân dân cũng như đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa y tế làm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với hộ nghèo, cận nghèo” - ông Đặng Văn Hòe cho biết thêm.      

Lâm Phương

  • Từ khóa
94537

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu