Thứ 2, 20/05/2024 04:04:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:30, 13/04/2019 GMT+7

Nở rộ nghề “hái lộc trời” - Bài 2

Thứ 7, 13/04/2019 | 08:30:00 2,679 lượt xem

>> Bài 1: “Canh bạc” dẫn dụ chim yến

NHỮNG LỖ HỔNG CHƯA ĐƯỢC SAN LẤP

BP - Việc tự phát không theo quy hoạch nảy sinh nhiều hệ lụy ô nhiễm môi trường, khó kiểm soát dịch bệnh, quy hoạch tổng thể... gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quản lý, chế tài xử phạt và ảnh hưởng đời sống của người dân trong khu dân cư nơi có nhà dẫn dụ chim yến đang hoạt động. Tất cả những vấn đề này là lỗ hổng trong ngành yến trên địa bàn tỉnh.

Người hưởng lộc, người bị tra tấn

Tại các khu vực trung tâm, khu dân cư, siêu thị, trường học, trụ sở làm việc, bệnh viện, chợ của 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có hộ dân kinh doanh chim yến. Nhiều hộ còn áp dụng mô hình “2 trong 1” - người sống ở tầng dưới, tận dụng tầng trên để nuôi chim yến. Ông Trần Đức Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bù Đăng cho biết: Năm học 2018-2019, trung tâm có 48 em học hệ giáo dục thường xuyên và hàng trăm học viên theo học các lớp trung cấp, cao đẳng, đại học đào tạo hình thức liên kết, thuê mặt bằng. Vừa qua, các hộ dân sinh sống ngay trước trung tâm xây dựng 3 nhà dẫn dụ yến và mở âm thanh dẫn dụ cả ngày với âm lượng lớn khiến thầy cô và học sinh, học viên theo học tại đây không thể tập trung vào công việc, học tập. Nhà trường đã gọi điện đến các hộ dân phản ánh nhưng tình hình vẫn không thay đổi.

Nhà dẫn dụ chim yến đối diện Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bù Đăng làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của đơn vị này

Ông Phan Minh Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Đức Phong (Bù Đăng) cho biết: Hiện trên địa bàn thị trấn có hơn 50 hộ kinh doanh dẫn dụ chim yến. Đây là mô hình tự phát, việc mở âm thanh dẫn dụ chim yến về làm tổ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Lãnh đạo thị trấn đã nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc một số hộ mở âm thanh dẫn dụ quá to, suốt ngày đêm. Cuối năm 2018, UBND thị trấn phối hợp các phòng: Kinh tế hạ tầng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường huyện tổ chức gặp gỡ các hộ kinh doanh nhà yến trên địa bàn triển khai quy định của Nhà nước liên quan như cấp phép xây dựng, bảo vệ môi trường, cường độ âm thanh và giờ mở âm thanh dẫn dụ chim về làm tổ. Đồng thời, tuyên truyền các hộ ký cam kết tuân thủ điều kiện, như hệ thống phun sương, bảo vệ môi trường, thời gian, tần suất và cường độ âm thanh dẫn dụ chim yến làm tổ vừa đủ, tránh gây ồn ảnh hưởng đến người dân xung quanh.

Đến ngày 31-8-2018, trên địa bàn Đồng Xoài có 168 cơ sở dẫn dụ chim yến. Phần lớn các cơ sở trên địa bàn là những công trình nhà ở gia đình tận dụng tầng trên cùng và tầng áp mái cải tạo lại để dẫn dụ chim yến. Trong 89 căn nhà nuôi yến được kiểm tra có 16 nhà nuôi chim yến riêng biệt, 73 nhà chung với nhà ở. Các cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn thành phố chưa có giấy phép hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp về chăn nuôi chim yến. Cũng chưa có cơ sở nào có giấy phép xây dựng nhà nuôi chim yến; các cơ sở chưa thực hiện tốt vệ sinh thú y và phòng chống dịch bệnh theo quy định của Nhà nước.

Ông Phạm Ngọc Hoàn, Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng thành phố Đồng Xoài cho biết

Tại khu vực phía sau sân vận động tỉnh thuộc địa phận khu phố Tân Bình và khu phố Tân Trà 2, phường Tân Bình (Đồng Xoài), dù cửa đóng then cài nhưng người dân vẫn không tránh được tiếng ồn của máy dụ chim yến. Từ sáng đến tối, không lúc nào khu dân cư này được yên tĩnh. Người dân buộc phải “sống chung với lũ”. Chị Nguyễn Thị Hường ở phường Tân Bình nói: “Nhà tôi sát vách với nhà dẫn dụ chim yến nên thường xuyên bị tra tấn bởi tiếng ồn, mùi hôi từ phân của chim yến. Chưa kể mỗi tháng chủ nuôi chim yến lại phun thuốc 1 lần, loại thuốc này có mùi rất khó chịu. Trong khi gia đình tôi có trẻ nhỏ. Từ khi có nhà dẫn dụ yến sát vách, cuộc sống gia đình tôi bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhà nước quy hoạch nơi đây là khu dân cư chứ không phải để nuôi yến. Tôi mong chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh sớm kiểm tra, có hướng giải quyết”.

Thời gian qua, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn từ máy dẫn dụ chim yến đã được cử tri các nơi trên địa bàn tỉnh kiến nghị, phản ánh với cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Đình Quang, Chủ tịch UBND xã Bù Nho (Phú Riềng) cho biết: “Ngày 16-8-2018, tôi cùng cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) giải quyết phản ánh của các hộ dân ở trung tâm thương mại Bù Nho về việc tiếng ồn từ các nhà dẫn dụ chim yến phát ra. Đây là vấn đề chưa có giải pháp xử lý triệt để. Riêng tại khu vực Trung tâm thương mại Bù Nho đã có hàng chục nhà dẫn dụ chim yến đang hoạt động. Trong phạm vi hẹp, nhiều nhà thi nhau mở âm thanh dẫn dụ khiến người dân khu vực này liên tục phải kiến nghị UBND xã và phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Nhưng do chưa có chế tài rõ ràng khiến vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Xã cũng chỉ áp dụng cách tuyên truyền đến các hộ đang dẫn dụ yến phải điều chỉnh âm thanh vừa phải theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn, tránh gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân xung quanh”.

“Có nhiều cơ sở dẫn dụ chim yến nhất trên địa bàn thành phố Đồng Xoài, phường đã nhận được phản ánh của người dân qua cuộc gọi điện thoại và tại các buổi tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên, ở cấp độ của phường, chúng tôi chủ yếu tuyên truyền nhắc nhở là chính. Hiện phường không cấp giấy phép xây nhà yến cho bất cứ trường hợp nào. Tuy nhiên, các hộ dân xin cấp giấy phép xây nhà ở nhưng tự thay đổi công năng, cải tạo nhà ở thành nhà nuôi yến. Trước tình hình đó, phường đã phối hợp các phòng, ban liên quan của thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý hành chính những trường hợp vi phạm” - ông Lê Duy Sinh, Chủ tịch UBND phường Tân Bình cho biết.

Chưa có cơ sở để quản lý

Nuôi và kinh doanh chim yến được xem là một nghề có tiềm năng kinh tế lớn, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, nhất là khi giá nhiều mặt hàng sản xuất cây công nghiệp như cao su, tiêu, điều bấp bênh. Tuy nhiên, việc nuôi chim yến như hiện nay chủ yếu mang tính tự phát, thiếu quy hoạch đồng bộ, thiếu chế tài quản lý dẫn tới nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực có nhà dẫn dụ chim yến đang hoạt động.

Vi phạm quy định tiếng ồn bị đình chỉ hoạt động từ 6 đến 12 tháng

Ông Võ Văn Dinh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý môi trường cho biết: Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tại Điều 17, khung phạt tiền cao nhất từ 140-160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật 40dBA. Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 6-12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 8, 9 và 10 điều này. Đồng thời, còn phải khắc phục hậu quả bằng cách buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định.

Ông Nguyễn Đình Quang, Chủ tịch UBND xã Bù Nho cho biết thêm: 84 nhà dẫn dụ chim yến trên địa bàn xã đều không có giấy phép xây dựng nhà nuôi yến mà chỉ được cấp giấy phép xây dựng nhà ở, sau đó người dân tự thay đổi công năng. Hiện trong các văn bản xây dựng cũng không có văn bản quy định đối với xây dựng nhà yến. Chưa có chế tài rõ ràng nên việc xử phạt vi phạm trong xây dựng nhà yến rất khó khăn.

Việc các cơ sở kinh doanh yến mọc lên như nấm nhưng số đơn vị đăng ký quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chưa nhiều. Chủ yếu các cơ sở nuôi chim yến thu sản phẩm thô và bán lại cho thương lái hoặc cơ sở lớn hơn, chưa chủ động tạo ra nhãn hiệu riêng để cạnh tranh với thị trường. Ông Bùi Thanh Liêm, cán bộ Phòng Quản lý khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Năm 2016, chỉ có 1 hộ kinh doanh Giang Hoàng Long ở tổ 1, khu phố Thanh Bình, phường Tân Bình (Đồng Xoài) đăng ký trực tiếp qua sở làm chứng nhận sở hữu trí tuệ nhãn hiệu Yến sào Hoàng Long. Đến nay chưa có thêm cơ sở kinh doanh yến nào đến đăng ký.

Đã đến lúc cần có chiến lược cụ thể để phát triển ngành yến bền vững trong thời gian tới. Trong đó, đặc biệt chú trọng quy hoạch cụ thể khu vực nuôi yến, số lượng đàn, sản lượng và hướng tới tạo ra thương hiệu yến cho Bình Phước. Đồng thời, xây dựng các chế tài quản lý phù hợp nhằm giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, môi trường, kiểm soát dịch bệnh trên đàn chim yến để bảo vệ sức khỏe người dân.

Ngọc Bích - Xuân Túc

  • Từ khóa
94532

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu