Thứ 2, 20/05/2024 01:23:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:51, 07/03/2019 GMT+7

Người giữ màu xanh cho rừng

Thứ 5, 07/03/2019 | 15:51:00 4,081 lượt xem
BP - Từ thành phố Đồng Xoài đi về hướng Bù Đăng, đến cầu 11, nhìn về phía bên phải có một khu rừng khá đặc biệt. Đây là “đại bản doanh” của Công ty cổ phần Vĩnh Phúc, thuộc địa phận ấp 4, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú. Đặc biệt là bởi khu rừng rộng hàng trăm héc ta này ẩn chứa những điều mà nhiều người chưa biết. Giám đốc công ty, chủ nhân của khu rừng này là đại tá ngành an ninh đã về hưu; một cựu chiến binh có nhiều năm sống, chiến đấu và gắn bó với miền Nam, ông là Trần Văn Tấn (SN 1951).

TỪ NHỮNG CON SỐ...

Công ty cổ phần Vĩnh Phúc hiện có 64 công nhân là những lao động đã gắn bó với cánh rừng này nhiều năm. Sở dĩ ông giám đốc đặt tên công ty là Vĩnh Phúc bởi ông là người sinh ra và lớn lên ở tỉnh này. Ông Tấn cho biết, tổng diện tích của Công ty cổ phần Vĩnh Phúc là 400 ha, trong đó rừng nguyên sinh 200 ha, hơn 70 ha cao su, điều và quýt 40 ha đang cho thu hoạch. Hơn 30 ha trồng xen canh, gối vụ các loại nông sản rau, củ, quả; một trại gà đẻ với số lượng 120 ngàn con. Phần đất còn lại cũng đã được phủ kín cây trồng, trong đó có nhiều loại cây ăn trái và đang từng bước hình thành một khu du lịch sinh thái rừng tự nhiên, với vườn cây hoa trái bốn mùa. Những khu vực sình lầy, ông Tấn cho cải tạo thành hồ ao nuôi cá, trong trang trại hiện có 7 ha mặt nước là hồ, ao với những đàn vịt trời, chim cò và rất nhiều cá. Xe hơi chạy theo con đường đất đỏ hơn 1 giờ nhưng ông Tấn nói chỉ mới đi được một phần cánh rừng. Riêng hàng rào bao quanh khu rừng bằng lưới B40 có tổng chiều dài 17km cho thấy sự đầu tư lớn và quyết tâm giữ rừng của ông chủ công ty. Trong khu rừng nguyên sinh có rất nhiều cây gỗ cổ thụ, đặc biệt là sự có mặt của các loại thú như hươu, nai, heo rừng, khỉ, gà rừng, chồn, chim các loại... Hằng năm, người dân còn mang thú rừng đến đây để phóng sinh. Đầu năm 2019 đã có một số người mang mấy con rùa và khỉ đến đây xin thả chúng về môi trường tự nhiên. 

Ông Trần Văn Tấn trong vườn quýt trĩu trái (hình nhỏ) và cây cầu gỗ lợp ngói kỷ lục Việt Nam

Ông Tấn cho biết, năm 1995, Nhà nước có chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc, giao đất cho doanh nghiệp để phát triển kinh tế bằng các dự án trồng rừng theo hướng đầu tư cây nông, công nghiệp. Khu đất này trước đây là rừng nghèo, đất bỏ hoang, đồi cỏ tranh. Sau quá trình tìm hiểu, ông Tấn xin chủ trương nhận khoán đất trồng rừng và tiến hành lập dự án. Tất cả vốn liếng, thậm chí ông phải bán cả nhà để đầu tư làm trang trại. Tháng 8-2008, Công ty cổ phần Vĩnh Phúc được cấp phép hoạt động với ngành nghề kinh doanh là trồng trọt, chăn nuôi hỗn hợp. Đến nay, nhiều thành quả từ sức lao động của công nhân công ty đã và đang cho sản phẩm thu hoạch như cao su, điều, cây ăn trái... Khu trang trại được quy hoạch bài bản nên ngày càng xanh tươi và đẹp hơn.

...ĐẾN NHỮNG CÁI “ĐẶC BIỆT”

Trang trại của Công ty cổ phần Vĩnh Phúc có nhiều cái rất đặc biệt. Đó là cây cầu gỗ được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công bố và trao bằng xác lập kỷ lục “Nông trại du lịch sinh thái có cây cầu gỗ lợp ngói, đà cầu bằng thân gỗ nguyên khối dài nhất” vào ngày 26-1-2018. Cây cầu gỗ lợp ngói bắc qua con suối nhỏ tại nông trại của Công ty cổ phần Vĩnh Phúc có tên “Cầu Đồng Phú”, kiểu dáng nhà cổ ở Huế, hình chữ “công”, cột kèo bằng gỗ da đá, mái lợp ngói bát tràng Hà Nội, sàn gạch Hạ Long. Điểm đặc biệt của cây cầu này là tổng tất cả kích thước của các bộ phận cộng lại bằng 9: Cầu dài 72m tính cả phần dẫn bê tông, rộng 3,6m, chiều dài nhà gỗ lợp ngói 27m, chiều cao 2,7m; phần nhà chờ ở hai đầu có diện tích 6,3 x 6,3m, đường kính của cây gỗ (phần giữa) là 1,26m...

Điều đặc biệt thứ hai của Công ty cổ phần Vĩnh Phúc là hằng năm đều tổ chức trồng cây vào thời gian từ ngày 19-5 đến 5-6. Ông Tấn giải thích: “19-5 là Ngày sinh Bác Hồ và ngày 5-6 là ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, đồng thời cũng là Ngày môi trường thế giới. Mình tổ chức tuần lễ trồng cây nhớ ơn Bác Hồ dịp này ở miền Đông Nam bộ là đúng nhất”. Vì đây cũng là thời điểm miền Nam đã vào mùa mưa nên trồng cây nào sẽ sống cây đó. Đến nay, tuần lễ trồng cây nhớ ơn Bác Hồ từ ngày 19-5 đến 5-6 hằng năm đã trở thành phong trào của công ty. Không chỉ trồng mới, ông Tấn còn rất coi trọng việc bảo vệ, chăm sóc rừng tự nhiên, trồng xen thêm nhiều giống gỗ quý như cẩm lai, giáng hương, sao, dầu, quế. Vì vậy, cánh rừng của công ty ngày thêm xanh, phong phú và đa dạng về chủng loại.

Ông Tấn lái xe riêng đưa chúng tôi đi tham quan một vòng khu rừng và dừng lại để giới thiệu về cái tháp cột cờ mới hoàn thành. Trèo lên từng bậc thang và đứng trên tầng cao nhất của tháp, nhìn ra xung quanh là một màu xanh bạt ngàn của cây rừng. Ông Tấn cho biết, ông đang chuẩn bị xây dựng đền thờ Đức Thánh Trần, sau khi hoàn thiện thêm một số hạng mục, nhất là đường đi trong trang trại thì đây sẽ là điểm nhấn trong việc tham quan khu rừng sinh thái của du khách. Cánh rừng này sẽ là màu xanh cửa ngõ thành phố Đồng Xoài, là điểm dừng chân lý tưởng cho những chuyến du lịch trên đường lên Tây Nguyên và từ Tây Nguyên về thành phố Hồ Chí Minh.

Tiến Bình

  • Từ khóa
94521

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu