Thứ 2, 20/05/2024 03:44:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:47, 06/03/2019 GMT+7

Gian nan cai nghiện ma túy

Thứ 4, 06/03/2019 | 06:47:00 4,739 lượt xem
BP - UBND tỉnh đã có sự chỉ đạo chuyển đổi hình thức cai nghiện ma túy từ điều trị bắt buộc sang điều trị nghiện tự nguyện vào năm 2020. Để có sự chuẩn bị chu đáo, nhiều năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp sở, ban, ngành liên quan khảo sát hiện trạng, chủ động thực hiện. Tuy nhiên vấn đề này cũng bộc lộ nhiều bất cập cần khắc phục.

Khó kiểm soát người nghiện ở cộng đồng

Từ nhiều năm nay, thực hiện Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 23-5-2012 của UBND tỉnh về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú theo Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 22-3-2010 của UBND tỉnh, ngành lao động - thương binh và xã hội đã phối hợp đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh đối tượng nghiện ma túy tái hòa nhập. Kết quả cho thấy, hầu hết các xã, phường, thị trấn đã thành lập tổ công tác cai nghiện theo quy định nhưng chuyển biến rất thấp. Qua kết quả phúc tra đánh giá phân loại xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma túy năm 2018, toàn tỉnh có 100/111 xã, phường, thị trấn không tệ nạn mại dâm nhưng chỉ 4/111 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy; 19 xã, phường, thị trấn trọng điểm tệ nạn ma túy. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh chỉ hỗ trợ được 254 đối tượng diện quản lý sau cai nghiện có việc làm ổn định. Quá trình thực hiện bộc lộ những khó khăn như: Hầu hết các đối tượng nghiện không có mặt tại nơi cư trú do tâm lý, điều kiện sống, cai nghiện; nơi cai nghiện đòi hỏi phải có đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề, chuyên môn sâu, thiết bị y tế được trang bị phù hợp, trong khi thực tế cơ sở cắt cơn nghiện tại cộng đồng chưa đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, cơ số thuốc, thiếu nhân viên y tế...

Bữa ăn trưa của các học viên tại một trung tâm cai nghiện trên địa bàn tỉnh

Cai nghiện ma túy tại cộng đồng là hình thức người cần cai nghiện vẫn có thể sống cùng gia đình, có được tâm lý thoải mái hơn, từ đó dễ có động lực và quyết tâm cai nghiện thành công. Lý thuyết thì như vậy, nhưng thực tế nhiều gia đình thiếu kiến thức về cai nghiện nên né tránh, xã hội kỳ thị, bản thân người nghiện khó có thể dứt ra khỏi những cám dỗ... Đây đang là những nguyên nhân khiến việc tự cai nghiện tại cộng đồng, gia đình gặp không ít rào cản, không đạt được hiệu quả như mong đợi... Bà N.T.L.Q ở xã Đồng Tiến (Đồng Phú) cho biết: “Con trai tôi nghiện ma túy từ 4 năm trước. Gia đình đã nhiều lần đưa con đi cai nhưng vẫn tái nghiện. Giờ nó nói theo đám bạn xuống thành phố tìm việc làm, chẳng biết có tìm được không (?!). Gia đình tôi thì mặc cảm, tự ti vì hàng xóm kỳ thị, né tránh, không ai muốn tiếp xúc với mình”...

Trung tâm cai nghiện chưa đáp ứng nhu cầu

Bình Phước hiện có Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội đặt tại xã Minh Lập (Chơn Thành). Cơ sở này thực hiện chức năng điều trị cắt cơn, giải độc, tư vấn, giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách, lao động trị liệu, dạy nghề cho người nghiện ma túy. Quá trình cai nghiện tại trung tâm, học viên được giáo dục, tuyên truyền pháp luật, học văn hóa, khám và điều trị bệnh đúng theo quy trình trước khi tái hòa nhập cộng đồng. Năm 2018, trung tâm tiếp nhận 197 đối tượng nghiện ma túy, giải quyết tái hòa nhập cộng đồng 160 đối tượng, tổ chức tuyên truyền pháp luật cho 6.497 lượt học viên, khám và điều trị bệnh cho 16.926 lượt học viên.

Để tiếp nhận những đối tượng nghiện không có nơi lưu trú ổn định trong thời gian chờ tòa án nhân dân các cấp xét xử, thực hiện 2 kế hoạch số 230/KH-UBND ngày 24-11-2014 và số 97/KH-UBND ngày 23-4-2015 của UBND tỉnh, các cơ sở cai nghiện bắt buộc phải sửa chữa, nâng cấp. Năm 2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo trung tâm sửa chữa, nâng cấp khu nhà ở hiện hữu để tiếp nhận đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện. Nhưng để có cơ sở vật chất đảm bảo thu nhận những đối tượng nghiện theo hình thức chuyển đổi cai nghiện ma túy từ điều trị bắt buộc sang tự nguyện vào năm 2020 như kế hoạch đề ra thì hiện mới xong phần đánh giá thực trạng và đang trong thời gian hoàn thiện tư vấn, thiết kế...

Bất cập còn ở chỗ, nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn não bộ, điều trị nghiện ma túy cần quá trình lâu dài can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội... Trong khi đó, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục và Lao động xã hội tỉnh chưa có bác sĩ. Đội ngũ y tế hiện tại của trung tâm gồm 4 y sĩ và 1 điều dưỡng là rất mỏng. “Các cán bộ, nhân viên ở đây chưa được tập huấn, đào tạo tiếp cận điều trị các dạng ma túy mới như: ma túy đá, ma túy “khay”... nên công tác điều trị còn lúng túng, hiệu quả cai nghiện chưa cao” - ông Võ Văn Mãng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết.

Khó khăn chồng chất

Ông Võ Văn Mãng chia sẻ: “Kinh phí phòng, chống ma túy, mại dâm chỉ được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; kinh phí chuyển đổi mô hình cai nghiện ma túy tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục và Lao động xã hội theo Kế hoạch số 97/KH-UBND và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26-12-2014 của Chính phủ chưa được địa phương cân đối phân bổ nên rất khó khăn khi tuyên truyền và đấu tranh phòng chống mại dâm, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy”.

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ vốn vay, đào tạo nghề cho người nghiện ma túy tại cộng đồng chưa thực hiện được. Mức hỗ trợ dạy nghề 2 triệu đồng/người/khóa cho người nghiện ma túy, người bán dâm hiện nay là quá ít, không đủ để họ tham gia khóa học nghề, dù là đơn giản nhất. Do đó, việc tổ chức dạy nghề cho học viên còn gặp nhiều khó khăn.

Những người làm công tác chuyên môn về phòng, chống ma túy cho biết, hầu hết đối tượng nghiện ma túy rất ít sinh sống tại nơi cư trú. Họ cũng ít nghe lời khuyên, động viên của gia đình và người thân. Nghiện ma túy hiếm người tự nguyện tham gia điều trị cai nghiện tích cực mà phần lớn do gia đình ép buộc hoặc do chế tài của pháp luật. Vì thế, cai nghiện ma túy chưa bao giờ đạt kết quả cao, dự báo cai nghiện tự nguyện cũng khó đạt mong muốn.

Từ những bất cập đã nêu còn cho thấy, quá trình chuyển từ mô hình cai nghiện bắt buộc sang cai nghiện tự nguyện sẽ vẫn rất nan giải. Để nâng cao hiệu quả việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng, gia đình, cần xác định tuyên truyền là giải pháp chủ yếu và đa dạng nhiều hình thức nhằm giúp nhân dân hiểu rõ sự cần thiết của việc đổi mới công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng dân cư.

Mong rằng, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội và của chính những người đang hằng giờ, hằng ngày nỗ lực thắng chính bản thân; thực hiện đồng bộ các giải pháp và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện như: dạy nghề tạo việc làm, chống tái nghiện và tái hòa nhập cộng đồng cho người cai nghiện ma túy. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo các hoạt động cai nghiện và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh, thì những khó khăn, rào cản về cai nghiện ma túy sẽ đạt được những thành công nhất định.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
94519

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu