Thứ 7, 04/05/2024 01:31:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:30, 18/11/2017 GMT+7

Ở cạnh công trình cấp nước, người dân vẫn “khát”

Thứ 7, 18/11/2017 | 08:30:00 294 lượt xem
BP - Ở ngay trung tâm hành chính huyện, sống cạnh công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nhưng hàng trăm hộ dân thị trấn Thanh Bình (Bù Đốp) vẫn không có nước sinh hoạt. Người dân phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo từ giếng khoan hoặc mua máy lọc nước với kinh phí hàng triệu đồng.

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thị trấn Thanh Bình được xây dựng bên cạnh công trình thủy lợi sau Cần Đơn tại ấp Thanh Tâm vào năm 2015, với tổng mức đầu tư hơn 13 tỷ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Công trình cấp nước sinh hoạt có công suất 480m3/ngày đêm, gồm các hạng mục chính như: cửa tu nước thôn từ kênh chính Cần Đơn, bể chứa nước thô, trạm bơm cấp 1 và 2, bể chứa nước sạch, đài nước, khuôn viên hàng rào, nhà quản lý vận hành, nhà hóa chất, điện chiếu sáng và mạng lưới ống nước sạch cung cấp nước sinh hoạt cho trên 2.000 hộ dân tại địa bàn thị trấn Thanh Bình và một phần xã Thanh Hòa (Bù Đốp). Đến đầu năm 2017, hầu hết các hạng mục của công trình đã hoàn thành, đồng hồ nước cũng được ngành chức năng lắp đặt, đường ống dẫn đấu nối tận nhà cho người dân, nhưng không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa có nước sử dụng.

Nhà máy nước đặt tại ấp Thanh Tâm, thị trấn Thanh Bình đã hoàn thành các hạng mục nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động

Do không có nước máy, người dân phải tự khoan giếng để lấy nước phục vụ sinh hoạt và ăn uống. Tuy nhiên, nước giếng khoan bị nhiễm phèn nên họ phải làm các bể chứa để trữ nước mưa dùng dần. Một số hộ kinh tế khá thì mua máy lọc nước, còn ăn uống mua nước lọc đóng bình bán sẵn trên thị trường.

Bà Trần Thị Tươi ở khu phố Thanh Bình, thị trấn Thanh Bình cho biết: “Khu vực này đào xuống 3m là gặp đá bàn, đá vôi. Để có nước sinh hoạt gia đình tôi phải đầu tư hơn 40 triệu đồng khoan giếng. Thế nhưng nước bơm lên bị nhiễm phèn chỉ sử dụng tắm giặt, rửa đồ chứ không thể nấu ăn. Để có nước ăn, gia đình phải mua nước lọc với giá 10 ngàn đồng/bình 20 lít, trung bình mỗi tháng hết hơn 400 ngàn đồng tiền nước ăn. Vì vậy, gia đình tôi rất mong công trình cấp nước sớm cung cấp nước sạch để phục vụ sinh hoạt tốt hơn”.

Nhà ông Trần Văn Viện ở ấp Thanh Tâm, thị trấn Thanh Bình, dù chỉ cách công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khoảng 50m nhưng đến nay vẫn chưa có nước sạch dùng. Gia đình ông mở quán ăn nên nhu cầu sử dụng nước rất lớn, nhất là nước sạch để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Viện cho biết: “Để có nước sạch không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều hộ dân và các hàng quán trong khu vực này đều phải mua máy lọc nước, ít nhất cũng trên 5 triệu đồng/máy nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu sử dụng. Khi công trình cấp nước đi vào vận hành, chi phí lắp đặt, giá nước bao nhiêu, chúng tôi cũng đồng tình, miễn là có nguồn nước sạch phục vụ cuộc sống lâu dài là mừng rồi”.

Ông Nguyễn Xuân Chiều, Trưởng khu phố Thanh Bình cho biết: “Toàn khu phố có gần 1.000 hộ dân nhưng nhiều năm qua vẫn mỏi mòn chờ nước sạch. Không ít hộ trong khu phố phải dùng nước bị nhiễm phèn, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, nhất là các cháu nhỏ. Đặc biệt cứ vào mùa khô (tháng 12 đến tháng 4 năm sau) tất cả giếng của các hộ dân đều hết nước, kể cả giếng khoan. Người dân khu phố đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền nhưng không biết khi nào nhu cầu về nước sạch mới được giải quyết”.

Trao đổi về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đốp Diệp Hoàng Thu cho biết: “Về nước sạch sinh hoạt, cử tri thị trấn Thanh Bình và huyện rất bức xúc. Để phát huy hiệu quả công trình, nhiều lần huyện kiến nghị lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng trong mỗi lần tiếp xúc cử tri vẫn chưa thấy đề cập đến nội dung này. Chính quyền huyện rất mong ngành chức năng sớm quan tâm đưa nước sạch về phục vụ sinh hoạt để nhân dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”. 

Đức Trung

  • Từ khóa
93438

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu