Thứ 4, 01/05/2024 03:41:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:59, 11/08/2013 GMT+7

Nhếch nhác chợ Đồng Xoài

Chủ nhật, 11/08/2013 | 07:59:00 994 lượt xem

Đã hơn 16 năm kể từ ngày khoác lên mình chiếc áo mới, nhưng chợ Đồng Xoài vẫn không thoát khỏi cảnh “bình mới rượu cũ”. Có khác chăng chỉ là số lượng người đến mua bán và tình trạng xuống cấp, quá tải của chợ ngày càng tăng. Vậy, bài toán nào để chợ Đồng Xoài xứng đáng là trung tâm thương mại, nơi giao lưu kinh tế, văn hóa của tỉnh?

NHẾCH NHÁC CHỢ TỈNH

Trước năm 1997, Đồng Xoài chỉ là một thị trấn trung tâm của huyện Đồng Phú. Sau khi tái lập tỉnh, thị trấn Đồng Xoài được chọn để thành lập thị xã trung tâm tỉnh. Từ một chợ huyện vùng sâu, chợ Đồng Xoài nghiễm nhiên trở thành nơi giao lưu kinh tế, văn hóa của tỉnh.


 

Để chợ Đồng Xoài cũ trở thành nơi không chỉ phục vụ nhu cầu của hơn 90 ngàn người dân thị xã mà còn là nhịp cầu trung chuyển hàng hóa từ trung tâm tỉnh về các huyện, ra các tỉnh Tây nguyên và thành phố Hồ Chí Minh, các cấp chính quyền đã nhiều lần cải tạo, nâng cấp, từ kiện toàn Ban quản lý, sắp xếp lại khu vực kinh doanh, cơ sở hạ tầng, đến mở rộng các khu vực kinh doanh phụ trợ như siêu thị, trung tâm thương mại... Thế nhưng, hiện nay chợ Đồng Xoài vẫn ọp ẹp, nhỏ bé và nhếch nhác vì quá tải. Rác thải, nước thải tràn lan, lầy lội do bùn đất tràn ngập khắp nơi. Tình trạng chen lấn trong mua bán diễn ra ngay ở các khu vực chỉ dành cho lưu thông. Phương tiện bán hàng, xe máy, xe chở hàng tự do vào chợ dẫn đến tình trạng hỗn loạn khắp nơi.

Để ổn định trật tự, Ban quản lý chợ Đồng Xoài đã trang bị một xe tải nhẹ để thu gom tất cả hàng hóa của những người kinh doanh vi phạm. Tuy nhiên, cách dùng xe tải “tuần tra” của Ban quản lý chợ càng làm tăng thêm sự chật chội, náo loạn của chợ. Bởi lòng chợ đã hẹp, đường chợ nhỏ, kẻ mua người bán đông, lại thêm chiếc xe tải của Ban quản lý. Và nơi nào xe tuần tra xuất hiện thì nơi đó như ong vỡ tổ, người bán lo phân tán hàng hóa, người đi chợ phải nhường đường cho xe quản lý đi qua. Nhưng khi lực lượng bảo vệ vừa đi khỏi, cảnh tranh giành, chiếm chỗ ở lòng, lề đường lại diễn ra.

CẦN THÊM CHỢ

Vấn đề quá tải của chợ Đồng Xoài đã được các cấp, ngành nhìn nhận từ lâu, với nhiều biện pháp để giảm tải như mở Siêu thị Co.op Mart Đồng Xoài, Siêu thị hàng dệt may VINATEX, Siêu thị điện máy Nguyễn Kim, mở rộng khu vực kinh doanh các mặt hàng qua khu Huyện ủy cũ... Tăng cường lực lượng bảo vệ, ổn định chợ. 

Chợ Đồng Xoài hiện có tổng diện tích 6.652m2, gồm 9 khu vực kinh doanh hàng hóa, với khoảng 1.000 hộ kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp kinh doanh thiếu lô sạp, kinh doanh tự phát, buôn bán tự do đã dùng lòng đường, lối đi để bày bán hàng hóa. Với đặc thù của một huyện vùng sâu, xã cũ nên trong chợ Đồng Xoài có dân cư ở xen lẫn và hiện có khoảng 10 tuyến đường trong chợ đã xuống cấp.

Trước đây, UBND tỉnh đã đồng ý cho Công ty TNHH Đức Bình và Công ty TNHH MTV Thương mại Tân Thành Phát Hà Nội hợp tác đầu tư xây dựng chợ Đồng Xoài và đầu tư dự án trung tâm thương mại Đồng Xoài theo hình thức BOT. Tuy nhiên, đã quá thời hạn quy định, hai công ty vẫn chưa có động thái gì nên UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi chủ trương. Do vậy, tình trạng quá tải của chợ Đồng Xoài vẫn chưa được tháo gỡ.

Thực tế cho thấy, do chợ Đồng Xoài quá tải nên tình trạng chợ cóc, chợ xép, hàng quán bán rong diễn ra khắp nơi trong nội ô thị xã. Ở khu vực xã Tiến Thành, dù đã có chợ xã nhưng ngay bên cạnh Sở Y tế xuất hiện một chợ cóc; ở đường Trường Chinh cũng có một chợ “chồm hổm” về chiều... làm cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường.

Với những gì đang diễn ra hiện nay, thị xã Đồng Xoài đang rất cần có thêm chợ. Điều này càng có thêm cơ hội để quy hoạch lại chợ Đồng Xoài một cách khang trang và bề thế hơn. Như khu vực Tiến Hưng nên có một chợ xã phục vụ nhu cầu người dân ở khu vực Bắc Đồng Phú và phía Nam Đồng Xoài. Vì khu vực này có hàng ngàn công nhân đang lao động trong Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, Nhà máy chế biến hạt điều Long An, Việt Sơn, Công ty may Đồng Phước...

NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Ở thị xã Phước Long, ngoài chợ Phước Long, còn có chuỗi chợ phụ và trung tâm thương mại Phước Bình để giảm tải cho chợ thị xã. Ngoài ra, bao bọc chợ Phước Long còn có các chợ Đa Kia, Bình Thắng, Phú Văn, Phú Nghĩa...

Ở tỉnh Bình Dương, ngoài chợ trung tâm thành phố Thủ Dầu Một, có hàng loạt chợ phụ như chợ Đình, chợ Bún, chợ Bình Chuẩn, chợ Cây Dừa... Thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng có rất nhiều chợ phụ trợ cho chợ chính của thành phố. Cách chợ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột không xa có chợ Duy Hòa ở phía Nam, chợ Cây số 3, chợ Đạt Lý ở phía Bắc. Hướng Đông có chợ Hòa Khánh, phía Tây có chợ Phan Chu Trinh... được quy hoạch bài bản vừa phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng, vừa giảm tải cho chợ trung tâm. Hay chợ Cao Lãnh là một minh chứng rõ nét nhất khi tỉnh Đồng Tháp chọn Cao Lãnh làm trung tâm tỉnh lỵ thay cho thị xã Sa Đéc. Dù là một tỉnh chưa giàu nhưng việc xây dựng chợ của Đồng Tháp có rất nhiều điều đáng học hỏi. Qua tìm hiểu, chợ Cao Lãnh trước đây cũng nhếch nhác. Nhưng ở Cao Lãnh đã phát triển thêm nhiều chợ phụ để giảm tải số lượng người đến chợ. Vì vậy, chợ Cao Lãnh hiện đã trở thành một trung tâm thương mại lớn và là đầu mối giao thương hàng hóa của toàn vùng Đồng Tháp Mười.

 Gia Nghi

  • Từ khóa
92281

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu