Thứ 2, 20/05/2024 13:32:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 16:12, 06/09/2012 GMT+7

Cảnh báo tình trạng sinh con thứ 3 ở huyện Bù Gia Mập

Thứ 5, 06/09/2012 | 16:12:00 203 lượt xem

Những năm gần đây, từ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; sự tích cực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên tình trạng sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vì những nguyên nhân khác nhau nên việc giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 đang gặp một số khó khăn nhất định. Điển hình là huyện Bù Gia Mập.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2012, huyện Bù Gia Mập có 95 trường hợp sinh con thứ 3

Mặc dù được Nhà nước xây tặng nhà tình thương để làm nơi trú ngụ, tạo điều kiện cho gia đình tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, nhưng đến nay hộ chị Thị Mêm ở thôn Phu Măng II, xã Long Hà vẫn chưa thoát nghèo. Nguyên nhân chính là do vợ chồng chị không có nghề nghiệp ổn định, nguồn sống chủ yếu dựa vào việc làm thuê, làm mướn theo thời vụ của chồng. Chị Mêm cho biết, chỉ vì không thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, sinh tới 3 con nên gia đình chị trở nên nghèo khó.

Hiện số hộ nghèo như hộ chị Thị Mêm tại các vùng dân tộc thiểu số (DTTS) là không ít. Trong tổng hộ nghèo ở xã Long Hà hiện nay, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 60%. Dù thời gian qua Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho vùng đồng bào DTTS nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, bởi ý thức thực hiện kế hoạch hóa gia đình còn kém, sinh 3 đến 4 con để có nguồn nhân lực lao động. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của chính người dân mà còn gây áp lực đối với việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bà Vũ Thị Như Hà, Phó chủ tịch UBND xã Long Hà cho biết: Việc sinh con thứ 3 ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mẹ và những đứa trẻ, đồng thời kinh tế ngày càng sa sút nên hộ nghèo tăng.

Mới hơn 30 tuổi nhưng chị Vũ Thị Hoài ở thôn Đức Lập, xã Phú Nghĩa đã có 3 con, trong đó đứa út mới được vài tháng tuổi. Dù nhiều lần được cán bộ dân số xã, ấp tuyên truyền, tư vấn các biện pháp tránh thai nhưng chị Hoài đều không áp dụng. Lý do chị đưa ra đơn giản chỉ là có nhiều con cho vui cửa vui nhà.

Theo thống kê, năm 2011, xã Phú Nghĩa có 46 cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên, do đó Phú Nghĩa trở thành xã đứng thứ nhì của huyện Bù Gia Mập về tình trạng này. Ngoài việc ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như gây khó khăn trong quản lý nhân, hộ khẩu và an ninh trật tự thì tình trạng sinh con thứ ba trở lên chiếm tỷ lệ cao cũng tác động lớn đến đánh giá xếp loại khu dân cư. Bà Nguyễn Thị Thái, Phó chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho biết: Tình trạng sinh con thứ ba là một trong những áp lực ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của xã. Nếu khu dân cư có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao thì không đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa hay tiên tiến.

Bù Gia Mập là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh, đồng DTTS chiếm hơn 20% số dân. Nhận thức rõ những khó khăn đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), những năm qua, chính quyền huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện công tác này. Trong đó, công tác tuyên truyền các biện pháp KHHGĐ đối với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh con được quan tâm hàng đầu. Hằng năm, huyện cũng đề ra kế hoạch cụ thể thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nhằm nâng cao đời sống vật chất, dân trí vùng đồng bào DTTS, giúp người dân nâng cao nhận thức để sinh đẻ có kế hoạch. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, công tác dân số ở huyện còn nhiều bất cập, đặc biệt là việc vận động đồng bào DTTS thực hiện KHHGĐ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số hộ dân còn quan niệm “trời sinh voi, sinh cỏ”, “đông con cháu cho vui cửa vui nhà” và để có nguồn lao động, nên đa số các gia đình đều muốn có 3-4 con. Cộng với chế độ đãi ngộ, mức hỗ trợ quá thấp đối với lực lượng cộng tác viên dân số ở cơ sở, trong khi địa bàn rộng, đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số là người DTTS mỏng nên xảy ra tình trạng bất đồng về ngôn ngữ, ảnh hưởng đến quá trình tuyên truyền các chính sách dân số. Chị Nguyễn Thị Minh Ngọc, cán bộ DS-KHHGĐ xã Phú Nghĩa tâm sự: “Chỉ có cộng tác viên là người DTTS mới nói chuyện rồi tuyên truyền với đồng bào được. Cộng tác viên người Kinh nói chuyện với họ khó lắm”.

Tuy đã có sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành, cùng sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ y tế - dân số trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách về dân số nhưng công tác dân số ở huyện vẫn gặp nhiều khó khăn. Năm 2011, toàn huyện có 432 cặp vợ chồng sinh con thứ ba trở lên. Chỉ tính trong 4 tháng đầu năm 2012, toàn huyện có 95 trường hợp sinh con thứ 3, là địa phương có tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cao nhất tỉnh.

Để khắc phục tình trạng trên cũng như góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, rất cần có sự phối hợp tích cực hơn nữa của các ban, ngành, đoàn thể trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp tránh thai hiện đại và không sinh con thứ 3 trở lên. Về lâu dài, chính quyền địa phương và ngành dân số cần đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực, từng bước giảm số hộ sinh con thứ 3 trở lên; tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với công tác DS-KHHGĐ.

Anh Ngọc - Phạm Tăng

  • Từ khóa
92107

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu