Thứ 2, 20/05/2024 11:23:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 16:23, 14/08/2012 GMT+7

Nước đá: Nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm

Thứ 3, 14/08/2012 | 16:23:00 259 lượt xem

Hằng ngày, trên địa bàn tỉnh có hàng chục tấn nước đá viên và đá cây được các cơ sở sản xuất đưa ra thị trường tiêu thụ. Thế nhưng chất lượng đến đâu, có bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hay không... lại chẳng mấy ai quan tâm.

BỎ QUA CHẤT LƯỢNG

Trong vai người mua hàng, chúng tôi đến cơ sở sản xuất nước đá B trên đường Lê Duẩn, phường Tân Phú (TX. Đồng Xoài). Cơ sở này mỗi ngày sản xuất gần 1 tấn đá viên và hơn 2 tấn đá cây. Một nhân viên làm nước đá ở đây cho biết: “Khách hàng chủ yếu là các quán cà phê, giải khát, cửa hàng tạp hóa và người dân trong vùng. Những ngày bình thường, cơ sở chạy 3 mẻ đá viên là đủ bán, nhưng khi có những đơn đặt hàng lớn của các đám tiệc thì phải chạy thêm 1 đến 2 mẻ nữa”.

Nước đá dùng liền liệu có bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

Nhân viên cơ sở sản xuất nước đá V.K, trên đường Phú Riềng Đỏ (TX. Đồng Xoài) cho biết: Sản xuất đá cây phục vụ người dân để bảo quản thực phẩm là chủ yếu, nên ít ai để ý tới điều kiện vệ sinh. Vừa nói chuyện anh vừa thoăn thoắt chạy ra bể làm đá (nơi đặt các khay đựng nước thương phẩm) với đôi dép vừa đi bên ngoài vào, cùng với đôi tay trần gỡ tấm bạt che mặt bể lên kiểm tra, rồi nói chưa đầy một giờ đồng hồ nữa sẽ cho ra một mẻ đá mới.

Theo quy trình sản xuất đá tinh khiết đạt tiêu chuẩn thì nguồn nước lấy từ độ sâu 90m, được xử lý qua hệ thống lọc thẩm thấu ngược và diệt vi khuẩn bằng tia cực tím. Các bộ phận khuôn đá, dao cắt đá, bồn cấp nước làm đá, cối lạnh và gàu tải đá của hệ thống máy sản xuất đá viên tinh khiết đều bằng i-nox, không gỉ.

Mỗi ngày, hoạt động mua bán nước đá phục vụ nhu cầu ăn uống của người tiêu dùng diễn ra tấp nập. Quán lớn thì tiêu thụ vài tạ đá, quán nhỏ cũng vài chục kilôgam, chưa kể đến những quán tạp hóa lấy đá về bán lẻ, song đa số chủ hàng, quán đều không biết rõ loại nước đá mà họ đang sử dụng được sản xuất từ đâu, chất lượng ra sao. Anh H, chủ một quán cà phê trên đường Hùng Vương (TX. Đồng Xoài) cho biết: “Trung bình mỗi ngày quán sử dụng khoảng 4 đến 5 bao đá viên (trọng lượng 20kg/bao). Để bảo đảm VSATTP cho thực khách và giữ uy tín cho quán, mình đã chọn mua đá viên của cơ sở lớn. Nhìn bề ngoài thấy đá sạch và được đựng trong bao bì thì mới lấy, còn chất lượng thế nào làm sao biết được!”.

Chủ quán nước mía vỉa hè trên đường Phú Riềng Đỏ (TX. Đồng Xoài) chia sẻ: “Bây giờ có đá viên và đá cây để bán hàng là tốt rồi. Với lại, quan trọng là mình bán loại nước gì, có vệ sinh không, chứ đá thì không quan trọng. Đông cứng như thế đến người còn chết nói gì vi khuẩn!”.

NGƯỜI TIÊU DÙNG NÊN THẬN TRỌNG

Chi cục VSATTP vừa tiến hành đợt kiểm tra các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai (bình), các cơ sở sản xuất nước đá cây, đá viên tinh khiết và phát hiện 2 cơ sở nước uống đóng chai bị nhiễm khuẩn mủ xanh.

Trong các đợt kiểm tra này, đoàn lấy mẫu ngẫu nhiên tại một số cơ sở gửi Viện Vệ sinh y tế cộng đồng Thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm. Kết quả cho thấy 2/2 mẫu nước gửi đi xét nghiệm đều bị nhiễm trực khuẩn mủ xanh (tên khoa học là Pseudomonas aeruginosa) - loại vi khuẩn gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người. Vi khuẩn phát triển ở nhiệt độ tối ưu là 370C, dễ dàng phát triển kể cả trong môi trường nghèo dinh dưỡng. Điều đáng ngại là vi khuẩn này kháng thuốc với nhiều loại kháng sinh, gây bệnh cơ hội trên người. Có thể gây viêm màng tim, viêm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng đường máu, đường tiết niệu, viêm màng não mủ và áp xe não, viêm tủy xương, viêm tai, gây bệnh hóa sừng ở mắt, nhiễm trùng da... Ngoài ra, một trong hai mẫu nói trên còn bị nhiễm coliforms tổng.

Phương Thúy

Trao đổi vấn đề này, ông Phan Thanh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh cho biết: Từ ngày 11-6 đến hết ngày 22-7-2012, chi cục đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát VSATTP tại 51 cơ sở sản xuất nước đá dùng liền trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện 4 cơ sở không bảo đảm về VSATTP. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những con số nhỏ so với mặt bằng chung toàn tỉnh. Ngoài những cơ sở đăng ký VSATTP, còn có rất nhiều cơ sở sản xuất nước đá chưa đăng ký giấy chứng nhận VSATTP. Nguyên nhân do địa bàn rộng nên khó kiểm soát được tình trạng này. Mặt khác, một số huyện trên địa bàn tỉnh chưa triển khai tốt công tác tập huấn kiến thức VSATTP, khám sức khỏe cho nhân viên trực tiếp tiếp xúc với sản phẩm.

Theo ông Dũng, người tiêu dùng nên sử dụng nước đá viên và đá cây tại những cơ sở sản xuất nước đá có đăng ký chất lượng và công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Riêng nước đá được sử dụng tại các quán vỉa hè, hay các hàng quán trong chợ, người tiêu dùng nên thận trọng, vì những điểm này có thể sử dụng nước đá không rõ nguồn gốc, nguy cơ mất VSATTP rất cao.

Theo các chuyên gia y tế, khi đá bị lẫn tạp chất hóa học hoặc nhiễm khuẩn đều có hại cho sức khỏe người sử dụng. Đối với đá nhiễm khuẩn thì trong quá trình làm đông (từ 1-40C), một số vi khuẩn chỉ bị ngưng hoạt động nên khi ăn vào vi khuẩn sẽ hoạt động trở lại, gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Còn khi sử dụng đá bị lẫn tạp chất hóa học cũng sẽ ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của cơ thể, gây ra nhiều biến chứng như viêm đại tràng mãn tính, gây kích ứng dạ dày hoặc ảnh hưởng tới chức năng của thận, gan...

Ngọc Hùng

  • Từ khóa
92097

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu