Thứ 2, 20/05/2024 09:47:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 21:42, 12/08/2012 GMT+7

Nỗi khổ của người dân trong vùng quy hoạch

Chủ nhật, 12/08/2012 | 21:42:00 239 lượt xem

Dự án chợ đầu mối - Trung tâm thương mại và khu dân cư tại ấp Hiếu Cảm, thị trấn Chơn Thành (huyện Chơn Thành) do Công ty cổ phần Thành Hưng làm chủ đầu tư, được quy hoạch từ năm 2008, có tổng diện tích khoảng 161,4 ha, số tiền giải tỏa đền bù khoảng 210 tỷ đồng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, cả ấp có 282 hộ dân đang sinh sống và có đất trong vùng quy hoạch của dự án. Thế nhưng, gần 5 năm qua, hàng trăm hộ dân nơi đây phải sống trong hoang mang, lo lắng, vì thời gian chi trả tiền bồi thường kéo dài.

Vườn cao su trong vùng dự án của nhà anh Loan tận dụng khai thác khi chưa đủ tiêu chuẩn

Dự án quy hoạch khu dân cư thương mại nhằm xây dựng khu dân cư với cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn phục vụ các khu công nghiệp, đồng thời tạo điều kiện về nhà ở cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dự án. Khu thương mại - chợ đầu mối gồm: Hệ thống các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, rạp chiếu phim... phục vụ dân cư trong khu quy hoạch và các vùng lân cận. Khi dự án hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ cùng các trung tâm thương mại khác tận dụng và khai thác tốt tiềm năng kinh tế của huyện Chơn Thành, để trở thành một trung tâm đô thị. Đây là điều kiện rất tốt để người dân chuyển dịch ngành nghề, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Thế nhưng, dự án hiện vẫn còn nằm trên giấy, do chủ đầu tư gặp khó khăn về vốn nên việc chi trả, bồi thường kéo dài. Đến nay, Công ty cổ phần Thành Hưng mới chi trả được khoảng 20 tỷ đồng. Do vậy trong 5 năm qua, cuộc sống của người dân trong vùng dự án gặp rất nhiều khó khăn: nhà ở xuống cấp, cây trồng không được đầu tư, chăm sóc... Anh Thái Hoàng Loan ở tổ 7B cho biết: Gia đình tôi có 6 sào cao su mới được 5 năm tuổi, nhưng đã phải khai thác sớm. Vì đây là nguồn thu nhập chính của gia đình, không biết khi nào diện tích đất bị thu hồi nên phải tranh thủ cạo sớm. Theo vợ anh Loan thì vườn cây cạo sớm, cạo ép khi chưa đủ tuổi nên lượng mủ chỉ được 50%, thu nhập kém hơn nhiều so với vườn cây đủ tiêu chuẩn.

Gia đình ông Đặng Văn Cao ở tổ 5, ấp Hiếu Cảm có 9 người đang sinh hoạt trong căn nhà chật hẹp, ẩm thấp, phần mái tôn bị chắp vá do nhiều lần bị sập. Ông Cao bức xúc nói: “Chúng tôi đã ở trong căn nhà này hơn 30 năm. Nay nhà xuống cấp, nhưng muốn xây mới cũng không được”. Nhiều người dân trong ấp than phiền, hiện hộ nào cũng có nhà ở, có đất sản xuất nhưng nếu bồi thường chậm, 5 năm hay 7 năm nữa thì liệu lúc đó có đủ tiền xây nhà để ở?

Ở ấp Hiếu Cảm, trên 50% hộ dân có đất trong vùng quy hoạch, cuộc sống của họ đang bị xáo trộn. Ông Nguyễn Gần, Bí thư Chi bộ ấp Hiếu Cảm, thị trấn Chơn Thành cho biết: Trong các đợt tiếp xúc cử tri, ban điều hành ấp cũng như các hộ dân nơi đây đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay cũng chưa biết chính xác cụ thể về thời gian giải tỏa, gây tâm lý lo lắng cho người dân.

Hải Châu

  • Từ khóa
92095

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu