Thứ 2, 20/05/2024 12:47:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:20, 23/07/2012 GMT+7

Về miền sơn cước Đăng Hà

Thứ 2, 23/07/2012 | 14:20:00 214 lượt xem

Từ thị xã Đồng Xoài, chúng tôi ngược lên vùng cao Bù Đăng rồi rẽ về phía Đông để đến Đăng Hà, một miền quê khó khăn nhất nhì tỉnh. Vượt hơn 35km trên Quốc lộ 14 đang bị cày xới nát tung để tới ngã ba Sao Bộng (Đức Liễu). Nhưng từ ngã ba này vào đến Đăng Hà dài hơn 38km mới thực sự là chặng đường đầy khổ ải với mặt đường bị băm nát, những hố sâu đọng nước, những lớp bùn đặc quánh dày đến nửa mét.

Đón chúng tôi tại trụ sở UBND xã, ông Hoàng Đình Nhất, chủ tịch UBND xã Đăng Hà hồ hởi nói: “Hôm nay UBND xã đi giao đất cho các hộ theo chương trình 134, mời các anh cùng đi luôn. Bà con nhận đất phấn khởi lắm họ đến từ sáng sớm”. Vậy là chiếc Ford hai cầu lại gồng mình thêm 20km để đến khu đất 134.

Đường vào Đăng Hà ngày mưa

Đăng Hà hiện có tổng diện tích tự nhiên 16.708 ha, trong đó đất lâm nghiệp là 8.200 ha, rừng đặc dụng là 4.300 ha. Toàn xã có 1.528 hộ dân, nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 10,4%. Ông Nhất bộc bạch: “Xã nào cũng có thế mạnh riêng, nhưng Đăng Hà chẳng có gì”. Chỉ vào cánh rừng sát đường liên thôn, ông Nhất nói: “Bên kia là đất lâm nghiệp do vườn quốc gia Cát Tiên quản lý, còn UBND xã quản lý một diện tích rất nhỏ bên này”. Phía tay ông Nhất chỉ là những thửa ruộng xơ xác cây cỏ, những hồ nước tràn ngập cỏ dại, những mái nhà lụp xụp thưa thớt. Con đường liên thôn mới được nâng cấp cũng nát như tương nên từng chiếc xe máy phải người đẩy, kẻ dắt. Ông Nhất vắn tắt: “Toàn xã chỉ có 8,5km đường xâm nhập nhựa là đường Sao Bộng - Đăng Hà đi qua. Còn lại 28km đường liên thôn là đường cấp phối, đường đá có 13,5km nhưng đều xuống cấp trầm trọng”. Đăng Hà chỉ có 17km đường dây điện hạ thế nên tỷ lệ dùng điện của người dân trong xã chỉ ở mức 67% số hộ, tương đương với 1.057 hộ dân có điện sử dụng. Đăng Hà không có chợ, chỉ có 4 điểm mua bán tự phát nên mọi hoạt động giao thương trong xã là qua Phước Cát (Cát Tiên, Lâm Đồng). Ông Nhất khẳng định, từ ngày cầu Phước Cát đi vào hoạt động đã phá thế cô lập của Đăng Hà. Hoạt động thương nghiệp, trao đổi hàng hóa nhờ đó mà khởi sắc. Nông sản do người dân làm ra không còn bị tư thương ép giá, mùa mưa dân không còn thiếu gạo vì cách trở đò giang như trước. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi.

Nói về kinh tế, ông Nhất nói: “Cơ sở hạ tầng đã vậy, kinh tế của Đăng Hà còn khó khăn hơn. Người dân Đăng Hà sống chủ yếu nhờ vào cây lúa nước. Nhưng do không có hệ thống kênh mương nội đồng nên năng suất lúa rất thấp chỉ 3 tấn/ha. Đặc biệt, vào mùa mưa, đất nông nghiệp của Đăng Hà bị ngập úng, ngày nắng thì trở nên khô cằn, trồng cây gì cũng khó sống”. Đúng như lời ông Nhất nói, trong những ngày lưu tại Đăng Hà, chúng tôi nhận thấy, miền đất này còn khá hoang sơ, nhiều hộ dân vẫn còn sinh sống trong các căn nhà tạm bợ. Sản xuất thì manh mún nhỏ lẻ, những rẫy mì, ruộng lúa cũng xơ xác vì đất đai bạc màu. Mùa này Đăng Hà có tổng diện tích cây trồng khoảng 3.000 ha. Trong đó, cây lúa nước khoảng 687 ha, hoa màu 279 ha, cây thực phẩm khoảng 16 ha. Toàn xã chỉ có gần 950 ha điều, cao su 60,7 ha, cà phê 12 ha và gần 3 ha cây tiêu. Hỏi người dân về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhưng ai cũng lắc đầu vì đặc điểm của Đăng Hà là mưa ngập, nắng hạn nên trồng cây gì, nuôi con gì cũng dựa vào ông trời là chính.
 

Cánh đồng lúa Đăng Hà rất cần hệ thống thủy lợi

Trao đổi với lãnh đạo địa phương, ông Nhất nói: "UBND xã cũng trăn trở nhiều lắm. Nhưng chuyển đổi như thế nào là điều không hề đơn giản. Cái khó của Đăng Hà là vùng canh tác cây lúa nước, nhưng cả xã chỉ có khoảng 10km đường mương dẫn nước do sở Nông nghiệp quản lý. “Làm nông nghiệp mà không chủ động tưới tiêu cho cây trồng thì coi như trắng tay”. Còn chăn nuôi, Đăng Hà hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm gần 30.000 con (chủ yếu là gia cầm). Nếu giải quyết được đầu ra cho gia súc và gia cầm thì Đăng Hà sẽ phát triểu mạnh những mô hình chăn nuôi. Vì xã không thiếu nguồn thực phẩm làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Nhưng hiện tại, chăn nuôi chỉ là hộ nuôi nhỏ lẻ, mang tính tự cung tự cấp là chính không có mô hình tập trung nào. Ông Bùi Văn Lời, Chủ tịch UBMTTQ VN xã cho biết: “Ở Đăng Hà, khó khăn hiện nay là đất sản xuất hầu hết nằm trong diện tích lâm phần do nông lâm trường Nghĩa Trung và vườn quốc gia Cát Tiên quản lý nên việc chuyển đổi cơ cấu trồng cũng là điều không dễ đối với người dân”. Được biết, trong quá trình thực hiện chương trình 134, ở Đăng Hà đã có 116 hộ được hỗ trợ nhà ở, 65 hộ dân được hỗ trợ nước sinh hoạt, 87 hộ được hỗ trợ đất sản xuất. Nhiều hộ dân ở thôn 2, thôn 4 xã Đăng Hà sống nhờ vào nguồn lợi thủy sản trên sông Đồng Nai nhưng vài năm trở lại đây, nguồn thu này cũng bị giảm sút. Do tình hình khai thác cát từ đầu nguồn gây ô nhiễm nguồn nước nên việc đánh bắt thủy sản ngày cùng hạn, chỉ nhờ vào cá, tôm khe suối ở rừng.

Đăng Hà hiện đã có trường cấp 2-3 để cho 1.778 con em trong xã không còn cảnh lội ngược ra Thống Nhất, hay vượt sông Đồng Nai qua Cát Tiên để học nhưng vẫn còn vô vàn khó khăn như: thiếu đường nhựa, thiếu điện lưới quốc gia, tỷ lệ người mù chữ vẫn còn nhiều, rồi tình trạng tảo hôn trong một số dân tộc ít người. Khi tâm tình với chúng tôi, ông Hoàng Đình Nhất chỉ ao ước một điều: “Mong Đăng Hà có được hệ thống kênh mương nội đồng để thay đổi cơ cấu cây trồng. Thay đổi được cây trồng là thay đổi được đời sống. Khi kinh tế đã thay đổi thì bộ mặt nông thôn đã khởi sắc và nhận thức của người dân cũng sẽ thay đổi”. Ông Nhất, ông Lời và những vị lãnh đạo xã khác so sánh, một ha lúa nước chỉ thu về 10 triệu đồng/năm, phần lãi chỉ khoảng 4-5 triệu đồng. Nhưng nếu tiêu được úng, tưới được hạn, xã sẽ vận động người dân chuyển sang trồng ngô sẽ thu về 70 triệu đồng/ha/năm như Phước Cát đang làm. Còn những vườn điều, cây ăn trái cằn cỗi, thì vận động bà con trồng tre, lồ ô lấy măng, bán cây hiệu quả kinh tế gấp bội lần.

Tạm biệt Đăng Hà, bỏ lại những cánh rừng, đồi trọc bạc màu, những cung đường tràn ngập bùn đất, chúng tôi mang theo trăn trở, khát vọng của người dân miền sơn cước.

Tấn Phong

  • Từ khóa
92081

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu