Thứ 2, 20/05/2024 09:48:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 10:29, 02/07/2012 GMT+7

Bức xúc an toàn vệ sinh thực phẩm

Thứ 2, 02/07/2012 | 10:29:00 242 lượt xem

Bất kỳ loại thực phẩm nào cũng cần bảo đảm các yếu tố về tính dinh dưỡng, vệ sinh và an toàn khi sử dụng. Thế nhưng thời gian qua, một số đối tượng đã bất chấp quy định của pháp luật, thu mua các loại thực phẩm hư hỏng, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc với giá rẻ. Sau đó, các đối tượng sơ chế qua hóa chất phụ gia độc hại để biến thành những sản phẩm tươi sống, đánh lừa người sử dụng nhằm kiếm lợi bất chính, gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng cho người sử dụng.

Thịt bẩn tại doanh nghiệp tư nhân Tuấn Hằng bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ

Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh, năm 2012, trên địa bàn tỉnh có gần 5.000 cơ sở sản xuất - kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó có 525 cơ sở sản xuất, 3.298 cơ sở kinh doanh và 2.015 cơ sở dịch vụ ăn uống. ATVSTP luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng. Điển hình như ngày 9-1-2012, tại Công ty Freewell (VN), thuộc Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm 60 công nhân phải nhập viện. Nguyên nhân là do công nhân ăn phải thực phẩm không bảo đảm vệ sinh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng khác, gây hoang mang cho người dân.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Bảo Khanh, Trưởng khoa bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm là do trước đó đã sử dụng các loại đồ ăn, thức uống hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng và sử dụng hóa chất bảo quản không được phép sử dụng. Đa phần bệnh nhân khi đưa đến bệnh viện cấp cứu đều trong tình trạng ngộ độc nặng, có biểu hiện ói mửa, đau bụng, đau đầu và sốt cao. Nhiều bệnh nhân phải nhập viện để điều trị trong tình trạng nguy cấp.

Nhằm tăng cường công tác bảo đảm ATVSTP, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh đã phối hợp với ngành chức năng lập hồ sơ quản lý, tổ chức kiểm tra chặt chẽ các cơ sở kinh doanh thực phẩm, ăn uống, lò giết mổ gia súc, gia cầm và hộ tiểu thương buôn bán thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, phòng đã phát hiện nhiều cơ sở sai phạm quy định về ATVSTP như: Chế biến món ăn sử dụng các loại thực phẩm không có nhãn mác; nơi chế biến đồ ăn không bảo đảm vệ sinh thông thoáng, còn để ruồi, muỗi và các ký sinh trùng gây bệnh bám vào đồ ăn. Nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm mang tính thủ công, khu vực giết mổ chưa bảo đảm vệ sinh, hệ thống thoát nước thải bị ứ đọng các loại phế phẩm gây ô nhiễm, mất vệ sinh. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra nhắc nhở, lập biên bản xử lý 33 trường hợp cơ sở sản xuất - kinh doanh dịch vụ ăn uống và các lò giết mổ gia súc, gia cầm vi phạm các quy định của Bộ Y tế.

Điển hình ngày 12-6-2012, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường Công an tỉnh đã thu giữ gần 60kg chất tạo nạc, bung mông nở vai hiệu Nutri Meat và Oni Pigone tại 2 đại lý thức ăn gia súc và thuốc thú y của bà Nguyễn Thị Trịnh, trú ấp Phú Long, xã Thanh Phú (TX. Bình Long) và ông Nguyễn Phương Ân (1964), ngụ thị trấn Lộc Ninh (Lộc Ninh). Đây là sản phẩm được hai chủ đại lý nhập từ Công ty TNHH ONI, tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh). Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường đã niêm phong và lập biên bản thu giữ toàn bộ số sản phẩm nói trên để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Trước đó, ngày 9-2-2012, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường Công an tỉnh phát hiện xe ôtô biển số 93H-6273 do tài xế Nguyễn Viết Thành, 25 tuổi, ngụ phường Tân Xuân (TX. Đồng Xoài) vận chuyển thực phẩm từ Thành phố Hồ Chí Minh về đang nhập hàng vào kho cơ sở Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Hằng, trú phường Tân Xuân (TX. Đồng Xoài), do vợ chồng Nguyễn Quốc Tuấn và Lê Thị Cẩm Hằng làm chủ. Lực lượng chức năng kiểm tra trên xe vận chuyển 500kg thực phẩm, trong đó có 440kg thịt heo, 60kg dồi trường. Khi được yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật do cơ quan chức năng cung cấp, tài xế không xuất trình và không xác định được nguồn gốc số thịt, nội tạng trên.

Thượng tá Trà Văn Hồng, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh cho biết, lợi dụng đêm tối để tránh lực lượng công an và cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện, chủ cơ sở Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Hằng thường xuyên sử dụng xe ôtô đến các chợ đầu mối tại tỉnh Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh lấy hàng và về trong đêm. Khi người dân xung quanh đang ngủ thì doanh nghiệp cho người bốc xếp hàng vào kho.

Trong hai ngày 21 và 22-6, Chi cục ATVSTP tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã Phước Long tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức ATVSTP cho những người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm. Đây là lần tập huấn đầu tiên trong năm 2012 với 200 người tham gia.

Cán bộ Chi cục ATVSTP tỉnh đã phổ biến Luật An toàn thực phẩm, các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, mối nguy ô nhiễm thực phẩm, các nguyên tắc “vàng” trong chế biến thực phẩm, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong bếp ăn tập thể... Học viên còn được trang bị những kiến thức cơ bản về các điều kiện bảo đảm ATVSTP tại cơ sở và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia kinh doanh thực phẩm; quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm; quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh thực phẩm.

Phương Thúy

Đoàn đã kiểm tra kho chứa hàng, phát hiện gần 5 tấn thịt, nội tạng và xương heo tại doanh nghiệp Tuấn Hằng. Một lượng thịt đã bị chuyển màu, chảy nước và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát còn phát hiện 9,5kg thịt động vật hoang dã như: Khỉ, gà rừng, cheo và càng tôm. Đoàn đã lập biên bản thu 5 mẫu thực phẩm gồm: Vú heo, dồi trường, nước ngâm thịt, nước ngâm dồi trường và thịt nai gửi đến Viện Vệ sinh - y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh giám định. Riêng mẫu thịt nai được gửi đến Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Hà Nội (SITES Việt Nam) để giám định ADN xác định loài động vật. Kết quả, hầu hết các mẫu giám định đều không đạt tiêu chuẩn về ATVSTP theo quy định của Viện Vệ sinh thực phẩm và của Bộ Y tế, mẫu thịt nai giám định thực chất là thịt heo.

Ngày 14-6, tại nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp và hóa chất ở xã Minh Lập (Chơn Thành), thuộc Công ty TNHH Công nghệ môi trường Bình Phước Xanh, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phối hợp với lực lượng chức năng tiêu hủy hơn 5 tấn thịt, xương, nội tạng heo cùng các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc nói trên.

Để bảo đảm ATVSTP, hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại do an toàn thực phẩm gây ra, rất cần sự vào cuộc hiệu quả, thiết thực hơn nữa của các cấp, ngành. Trước hết là việc tăng cường công tác truyền thông về ATVSTP đến người dân nhằm nâng cao ý thức, hiểu biết về ATVSTP. Đồng thời, ngành chức năng nên nghiên cứu, xem xét chế tài xử phạt đối với các cơ sở vi phạm, không chỉ ở hình thức nhắc nhở, xử phạt hành chính vì sau khi kết thúc các đợt thanh, kiểm tra, tình trạng vi phạm ATVSTP lại diễn ra.

Vũ Sáng

  • Từ khóa
92067

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu