Thứ 3, 21/05/2024 04:23:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:51, 30/06/2012 GMT+7

Thu hồi đất gắn với ổn định an ninh địa phương

Thứ 7, 30/06/2012 | 13:51:00 425 lượt xem

Thu hồi đất lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm trái phép là chủ trương lớn của tỉnh. Tuy nhiên, công tác thu hồi đất trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, kế hoạch thu hồi còn một số hạn chế, dẫn đến tình trạng người dân đi khiếu kiện vượt cấp sau khi đất bị thu hồi, gây mất an ninh tại địa phương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của chính quyền các cấp.

Để có kế hoạch thu hồi đất đúng chủ trương là không dễ. Thời gian qua, chủ tịch, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo sát sao các huyện được phân công nhiệm vụ thu hồi đất, trong đó nhấn mạnh kế hoạch thu hồi đất phải cụ thể, minh bạch, khách quan, thấu tình đạt lý, đúng trình tự, nhằm hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người. Huyện Đồng Phú sẽ là địa phương làm điểm về thu hồi đất lâm nghiệp bị người dân xâm canh, lấn chiếm trái phép để rút kinh nghiệm cho các huyện khác.

THU HỒI ĐẤT PHẢI ĐÚNG VÀ TRÚNG ĐỐI TƯỢNG

Để thu hồi đất đúng và trúng đối tượng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Phải chuẩn bị đầy đủ chứng cứ người dân vi phạm, từ đó lập kế hoạch thu hồi đất đúng trình tự, đúng thủ tục, chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Tấn Thiệu chỉ đạo: “Chủ rừng, chủ dự án được giao đất, để đất bị xâm canh, lấn chiếm phải có trách nhiệm lập kế hoạch, phương án thu hồi và đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ thực hiện. Đối với doanh nghiệp nhà nước, khi lập kế hoạch, phương án thu hồi đất phải báo với cơ quan chủ quản. UBND các huyện xây dựng kế hoạch, phương án thu hồi đất đối với các dự án an sinh xã hội, dự án giao địa phương thực hiện bị người dân xâm canh, lấn chiếm. Kế hoạch thu hồi đất phải xác định rõ tình trạng đất rừng, thời điểm người dân lấn chiếm; loại cây trồng hiện có trên đất và thực trạng kinh tế, đời sống hộ dân lấn chiếm đất để có giải pháp xử lý phù hợp. Trong kế hoạch thu hồi đất phải lập phương án hỗ trợ bồi thường (nếu có) và phương án sử dụng đất sau khi thu hồi. Đặc biệt, việc thu hồi đất phải đúng trình tự thủ tục quy định, không để xảy ra tình trạng mất an ninh xã hội”.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, người chỉ đạo trực tiếp công tác thu hồi đất lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm trái phép cho rằng: “Nếu chuẩn bị tốt thì công tác thu hồi đất thuận lợi, đạt kết quả cao. Vì vậy, phải chuẩn bị chặt chẽ, đầy đủ hồ sơ, chứng cứ liên quan đến những hộ dân tự ý lấn chiếm đất lâm phần, đất công trái phép. Thường trực UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Đồng Phú thành lập ban chỉ đạo thu hồi đất lâm nghiệp, đất công bị lấn chiếm trái phép. Yêu cầu UBND huyện Đồng Phú thành lập ban chỉ đạo thu hồi đất xâm canh, lấn chiếm của huyện. Thành lập tổ tuyên truyền trực thuộc ban chỉ đạo, nhằm tuyên truyền chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp. Tổ chức họp báo công khai kế hoạch thu hồi đất của huyện. Chủ tịch UBND huyện tổ chức đối thoại trực tiếp với dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, qua đó tuyên truyền, thuyết phục nhân dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất”. Phó chủ tịch Nguyễn Văn Lợi cũng yêu cầu cơ quan chức năng rà soát, nắm chắc tình hình an ninh trật tự tại các xã có đất bị thu hồi; xác định hoàn cảnh các hộ dân xâm canh; phân loại đối tượng xâm canh, lấn chiếm đất để có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời. Sau khi triển khai các kế hoạch trên mới tiến hành giải tỏa, thu hồi đất đúng kế hoạch.

ĐỒNG PHÚ DỰ KIẾN THU HỒI 409,2 HA

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về thu hồi diện tích rừng khoanh nuôi và diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trong các dự án để tạo quỹ an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Đồng Phú được giao lập kế hoạch thu hồi 409,2 ha tại Ban quản lý rừng Suối Nhung, lâm phần Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước, diện tích rừng trồng tại xã Tân Hưng.

Đất lâm phần tại Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung
bị người dân lấn chiếm trồng rừng giá tỵ

Tại lâm phần rừng Suối Nhung, UBND huyện sẽ thu hồi 229,5 ha. Dự kiến, đợt 1 thu hồi 86,9 ha. Trong đó có 66,2 ha đất công bị lấn chiếm từ năm 2004 đến nay, 17 ha đất thuộc Chương trình 33 (nằm trên địa bàn xã Tân Lợi) và 3,2 ha của ông Nguyễn Công Vang lấn chiếm tại tiểu khu 362 (rừng Suối Nhung, huyện Đồng Phú). Đợt 2, sẽ thu hồi 142,6 ha của 18 hộ lấn chiếm trái phép tại tiểu khu 360, 362 (do 18 hộ dân đang kiện lãnh đạo Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung ra tòa hành chính. Vì vậy, 142,6 ha của 18 hộ tạm thời không đưa vào danh sách thu hồi).

Thu hồi 171,4 ha đất lâm phần thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước bị lấn chiếm trái phép. Đợt 1, thu hồi 121,71 ha tại Nông lâm trường Đồng Xoài, Nông lâm trường Lam Sơn 3. Đợt 2, thu hồi 49,7 ha đất tại Nông lâm trường Tân Lập. Bên cạnh đó, UBND huyện sẽ thu hồi 8,3 ha diện tích rừng trồng tại tiểu khu 364 và 365, thuộc địa phận xã Tân Hưng.

Nói về công tác thu hồi đất lâm nghiệp bị xâm canh lấn chiếm trái phép, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Tấn Thiệu nhấn mạnh: “Mục đích là thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý đất đai; tổ chức thu hồi lại diện tích rừng bị xâm canh, lấn chiếm trái phép để trồng lại rừng theo quy hoạch; tạo quỹ thực hiện các dự án an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương”.

Ông Nguyễn Thành Chương, Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú cho biết: Huyện đã thành lập tổ kiểm kê, áp giá, hỗ trợ cây trồng trên đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện chủ trì. Các ngành chức năng thuộc UBND huyện phối hợp với các xã liên quan, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chủ trương thu hồi đất của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Để chuẩn bị kế hoạch thu hồi đất Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú cùng các ngành của huyện đã đối thoại trực tiếp với các hộ dân ở 3 xã trên địa bàn huyện có đất bị thu hồi. Ông Chương cho biết: Tiếp xúc lần đầu, hầu hết các hộ dân không đồng ý trả lại đất xâm canh lấn chiếm trái phép. Nhưng sau khi nghe lãnh đạo huyện và các ban, ngành giải thích chủ trương của Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, phần lớn họ đồng ý giao lại đất cho Nhà nước. Một số hộ đưa ra lý do: Họ không phá rừng, không xâm chiếm trái phép mà mua lại của người phá rừng trước đó. Nếu Nhà nước kiên quyết thu hồi đất, người dân đồng ý trả và yêu cầu huyện can thiệp thu hồi lại số tiền mà họ bỏ ra mua đất trước đó. Một số hộ dân sau khi đồng ý giao đất cho Nhà nước, yêu cầu UBND huyện xem xét cấp đất sản xuất.

MINH BẠCH TRONG THU HỒI ĐẤT

Thực hiện sự chỉ đạo của thường trực UBND tỉnh, UBND huyện Đồng Phú đã xây dựng kế hoạch giao lại đất sau khi thu hồi cho các tổ chức nhà nước quản lý. Cụ thể: Giao lại 212 ha đất lâm phần cho Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung quản lý, bảo vệ để huyện bổ sung, tạo quỹ đất công của địa phương; tạo quỹ đất an sinh xã hội và triển khai Chương trình 33, Chương trình 1592 và các chương trình khác của huyện. Diện tích 17,5 ha đất lấn chiếm trong dự án Chương trình 33, thuộc địa bàn xã Tân Lợi giao cho Phòng Dân tộc hoàn chỉnh các thủ tục giao đất cho các hộ được thụ hưởng theo Chương trình 33. 171,4 ha đất lâm phần thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước, sau khi thu hồi được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đồng Phú, một phần giao lại cho Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước. Đối với 8,3 ha rừng trồng tại tiểu khu 364 và 365 sau khi thu hồi giao cho UBND xã Tân Hưng quản lý.

Nhất Sơn

  • Từ khóa
92065

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu