Thứ 2, 20/05/2024 07:26:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 10:53, 25/06/2012 GMT+7

Ấp Thuận Tân thiếu đường giao thông

Thứ 2, 25/06/2012 | 10:53:00 405 lượt xem

Giao thông cách trở không chỉ làm hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn là lý do để tư thương ép giá nông sản của người dân sau mỗi mùa thu hoạch. Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, thêm một tuyến đường thuận lợi là thêm một cơ hội để ấp Thuận Tân, xã Thuận Lợi (Đồng Phú) thoát khỏi thế ốc đảo.

NÔNG SẢN BỊ ÉP GIÁ

Ông Nông Văn Thắng, người dân ấp Thuận Tân, phân trần: Đất đai có, phương tiện sản xuất không thiếu, nông sản dồi dào, chất lượng sản phẩm tốt... nhưng chỉ vì “cách trở đò giang” mà nông sản làm ra luôn bị tư thương ép giá. Nhiều năm nay, giá điều, cao su, khoai mì hay bất kỳ loại nông sản, vật nuôi nào của người dân trong ấp đều thấp hơn những nơi khác.

Đường đê bao hồ chứa nước Đồng Xoài (trải nhựa) và đường tránh đê bao (theo đường dây điện) phía dưới chân đê cần được nâng cấp

Cũng với tâm trạng bức xúc vì thành quả lao động bị tiểu thương chèn ép, ông Đinh Văn Đồ, Phó ban điều hành ấp Thuận Tân cho biết: Ba năm trở lại đây, người dân trong ấp phải bán khoai mì theo bãi. So với bán mì lát thì giá thấp hơn nhiều. Một phần vì thời tiết thất thường nên không phơi được mì lát, phần vì xe tải trọng lớn không có đường vào ấp để thu mua nên nông dân phải bán mì tươi theo bãi, với giá từ 25 đến 28 triệu đồng/ha mì xen cao su năm thứ nhất. Nếu xen trong cây cao su năm thứ 2, 3 thì bán được khoảng 15 triệu đồng/ha. Trong khi đó, theo ông Nông Duy Pô, người dân ấp Thuận Tân thì 1 ha mì sau khi thu hoạch phơi khô, nông dân bán được khoảng 40 triệu đồng, trừ chi phí còn thu về 32 triệu đồng. Việc phải bán mì bãi cũng là bất đắc dĩ.

Ông Đồ cho rằng, sở dĩ giá nông sản ở đây thấp hơn thị trường là do ấp Thuận Tân không có đường cho xe lớn vào (những xe có tải trọng từ 4 tấn trở lên), vì thế tư thương phải vận chuyển nông sản bằng xe honda hoặc xe máy cày nên chi phí cao, buộc họ phải mua nông sản với giá thấp.

Hàng chục năm qua, đường vào ấp Thuận Tân là đường đê bao hồ chứa nước Đồng Xoài được xây dựng kiên cố từ năm 2002. Tuy nhiên, đường đê bao là để bảo vệ công trình hồ chứa nước nên ban quản lý dự án không cho xe có tải trọng lớn lưu thông. Vì vậy, các tiểu thương bên ngoài muốn vào cạnh tranh thu mua nông sản cũng rất khó. Những xe có tải trọng lớn muốn từ ấp ra phải đi qua đồi Mum, ấp Thuận Thành 2 để lên xã Phú Riềng (Bù Gia Mập), xa gấp ba lần so với đi qua đường đê bao. Vì chi phí vận chuyển cao nên người dân... phải gánh chịu.

CẦN LẮM MỘT CON ĐƯỜNG

“Giao thông cách trở không chỉ gây khó khăn cho vận chuyển, kinh doanh buôn bán nông sản của người dân mà còn là trở ngại với các em học sinh đến trường”, ông Lê Văn Thạch, Trưởng ban điều hành ấp Thuận Tân nói. Con đường mòn nhỏ, hẹp dưới chân đê có từ thời còn rừng già. Đến nay, con đường vẫn là trục giao thông chính của người dân trong ấp. Mỗi khi đi sinh hoạt tại nhà văn hóa cộng đồng hay con em đến trường... đều phải men theo lối mòn này. Gặp những ngày mưa lớn, học sinh phải nghỉ học vì đường ngập chìm trong nước.

Tuyến đường dài khoảng 2,5km, việc giải phóng mặt bằng đã hoàn tất cách đây hàng chục năm. Nay người dân chỉ mong cấp trên quan tâm đầu tư, tu sửa, mở rộng thành đường cấp phối sỏi đỏ để người dân đi lại, vận chuyển nông sản dễ dàng.

Nhìn những xe tải nhỏ, xe máy cày oằn mình chở củi điều, cao su trên tuyến đường mòn đất đỏ dưới chân đê, ông Pô nói với chúng tôi: Thuận Tân rất cần một con đường. Đặc biệt là tuyến đường song song với đường đê bao hồ chứa nước Đồng Xoài để người dân dễ dàng lưu thông, vận chuyển nông sản ra ngoài. Chỉ khi giao thông thuận lợi mới mong hết bị tư thương ép giá. Ông Đinh Văn Đồ cho biết, khi làm đê bao hồ chứa nước Đồng Xoài, ban quản lý dự án nói sẽ làm thêm con đường song song để người dân đi lại nhưng từ năm 2004 đến nay, tức là khi đường đê bao hồ chứa nước Đồng Xoài hoàn thành, con đường nói trên vẫn nằm trên giấy. Hai năm nay, người dân ấp Thuận Tân liên tục kiến nghị trong các lần tiếp xúc cử tri, nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Ông Võ Trọng Khang, Chủ tịch UBND xã Thuận Lợi cho biết: Thuận Tân là ấp có 100% người dân tộc thiểu số. Người dân trong ấp chủ yếu sống bằng nghề nông với cây trồng, vật nuôi chủ lực như điều, cao su, khoai mì, lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Hầu hết giao thông trong ấp đều được cấp phối sỏi đỏ, chỉ còn con đường mòn song song với đường đê bao là chưa được nâng cấp, sửa chữa do nằm trong dự án. Việc vận chuyển nông sản của người dân trong ấp phụ thuộc rất lớn vào tuyến đường này. UBND xã đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên đầu tư đoạn đường nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Đầu tư, mở rộng tuyến đường này cũng chính là động lực, cú hích để Thuận Tân chuyển mình, thoát thế ốc đảo từ nhiều năm qua.

Minh Luận

  • Từ khóa
92053

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu