Thứ 2, 20/05/2024 09:38:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 09:51, 18/05/2012 GMT+7

Giải pháp nào cho nguồn nhân lực ngành y?

Thứ 6, 18/05/2012 | 09:51:00 291 lượt xem

Với khoảng 7 bác sĩ/vạn dân, Việt Nam đang là nước có tỷ lệ bác sĩ thấp nhất khu vực. Riêng Bình Phước, tỷ lệ này còn thấp hơn khi mới chỉ đạt 5,7 bác sĩ/vạn dân. Có một thực trạng đã tồn tại nhiều năm không giải quyết được của ngành y tế Bình Phước là thiếu trầm trọng bác sĩ. Đã thế, những người được các cơ quan y tế cử đi đào tạo xong thường chuyển công tác đến nơi khác. Và ở một số địa phương trong tỉnh đang phải thực hiện bài toán ngược là chuyển bác sĩ từ tuyến dưới lên tuyến trên.

NHÂN LỰC NGÀNH Y: THIẾU, YẾU VÀ MẤT CÂN ĐỐI

Thời điểm cuối tháng 4-2012, toàn ngành y tế Bình Phước có 3.752 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 306 bác sĩ, riêng tuyến huyện có 202 bác sĩ, đạt tỷ lệ khoảng 5,7 bác sĩ/vạn dân. Từ năm 2005 đến nay, cơ cấu tổ chức, bộ máy ngành y thường bị biến động sau nhiều lần tách, nhập. Hiện tuyến huyện có 4 đầu mối quản lý gồm phòng y tế, trung tâm y tế, bệnh viện và trung tâm dân số. Chưa nói đến sự chồng chéo, bất hợp lý trong khâu quản lý do bị chia làm nhiều đầu mối, số cán bộ có trình độ bác sĩ đã thiếu, lại phải chia nhỏ cho công tác quản lý nên có những huyện, có thời điểm không còn nguồn bác sĩ để giao công tác quản lý. 

Bác sĩ Trần Xuân Sỹ, Giám đốc Bệnh viện huyện Chơn Thành:
Chỉ những người có thu nhập ngoài mới trụ lại địa phương


Đã thiếu, nguồn nhân lực ngành y ở tỉnh ta lại mất cân đối và phân bố không đều. Trong số 306 bác sĩ hiện có thì 202 bác sĩ thuộc tuyến huyện và chủ yếu ở hệ điều trị. Ngay thị xã Đồng Xoài, có thời gian cả trung tâm y tế dự phòng không có bác sĩ nào. Còn ở Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp có thời gian nữ hộ sinh trung học phải gánh nhiệm vụ giám đốc trung tâm. Ở tuyến xã chưa đến 700 cán bộ, công nhân viên, rất ít bác sĩ và chỉ được đào tạo tại chức. Hệ điều trị có 2 bệnh viện tuyến tỉnh, 7 bệnh viện huyện và 4 phòng khám đa khoa khu vực thì ở tất cả các bệnh viện, phòng khám đều thiếu bác sĩ, nhất là các chuyên khoa sâu.

BỆNH VIỆN NÀO CŨNG THIẾU BÁC SĨ

Với quy mô 600 giường bệnh, 6 phòng chức năng, 16 khoa lâm sàng, 5 khoa cận lâm sàng và 2 bộ phận khác, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có 674 người, trong đó chỉ có 83 người có trình độ bác sĩ trở lên, gồm 1 tiến sĩ (sắp chuyển đi), 6 thạc sĩ và 54 chuyên khoa I. So với chỉ tiêu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện thiếu hơn 80 bác sĩ chuyên khoa. Bệnh viện Đa khoa huyện Chơn Thành với quy mô 70 giường bệnh cần tối thiểu 16 bác sĩ. Nhưng hiện chỉ có 8 bác sĩ, trong đó 3 bác sĩ thuộc Ban giám đốc, 2 bác sĩ đang đi học chuyên khoa, còn lại 3 bác sĩ trực tiếp thực hiện công tác khám chữa bệnh. So với chỉ tiêu, Bệnh viện Đa khoa huyện Chơn Thành còn thiếu 7 bác sĩ thuộc các chuyên khoa ngoại, sản, chẩn đoán hình ảnh, tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, đông y, dinh dưỡng. Vì thiếu bác sĩ trầm trọng như vậy nên những đợt cao điểm, có bác sĩ phải khám hàng trăm lượt bệnh nhân/ngày. Tương tự, Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Phú quy mô 50 giường bệnh, nhưng hiện chỉ có 7 bác sĩ, trong đó 3 người làm công tác quản lý. Năm 2007, Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Phú hoàn thành phần xây dựng hai phòng mổ. Từ nguồn vốn ODA, bệnh viện đã đầu tư bộ đèn mổ, giường mổ và máy gây mê, trị giá hơn 1 tỷ đồng, nhưng đến nay bệnh viện này vẫn chưa có bác sĩ và kỹ thuật viên để đưa phòng mổ vào sử dụng, các thiết bị đành đắp chiếu để đó.


Do thiếu bác sĩ nên hầu hết các bệnh viện huyện và phòng khám đa khoa khu vực đều chưa thực hiện được các phẫu thuật đơn giản như mổ đẻ, cắt ruột thừa, thậm chí thủ thuật đình sản cũng chưa thực hiện được. Bác sĩ Trần Xuân Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Chơn Thành cho biết: Hằng năm thực hiện chiến dịch đình sản, bệnh viện Chơn Thành đều phải nhờ sự hỗ trợ của Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tuy nhiên, do thiếu bác sĩ nên Bệnh viện Đa khoa tỉnh không thể bố trí bác sĩ sản khoa về Chơn Thành mà chỉ hỗ trợ phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, gây khó khăn, tốn kém cho bệnh nhân và ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện công tác dân số của địa phương.

LOAY HOAY BÀI TOÁN NGUỒN NHÂN LỰC

Đã có thời gian, ngành y tế tỉnh thực hiện việc luân chuyển, tăng cường bác sĩ từ tỉnh về huyện, từ huyện về xã để hỗ trợ tuyến dưới, giảm áp lực cho tuyến trên. Nhưng phương án này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bởi các trạm y tế xã thường không đủ các điều kiện về máy móc thiết bị và thuốc để bác sĩ thể hiện khả năng chuyên môn. Do chế độ đãi ngộ không hợp lý, môi trường, điều kiện làm việc ở nơi tăng cường không bảo đảm nên những người được tăng cường chỉ mong hết thời gian “nghĩa vụ” để trở về cơ quan cũ.

Nhiều năm liền, Bệnh viện Đa khoa tỉnh không tuyển dụng được bác sĩ chính quy nên buộc phải tuyển dụng người có trình độ trung cấp, cao đẳng rồi cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Số lượng cán bộ, công nhân viên đã thiếu, nhưng có thời điểm khoảng 1/3 quân số được cử đi đào tạo hoặc bồi dưỡng nâng cao kiến thức khiến áp lực của công tác khám chữa bệnh càng lớn. Thế nhưng, hầu hết cán bộ, nhất là những người giỏi chuyên môn, sau khi hoàn thành khóa đào tạo đã chuyển công tác đi nơi khác. Nhiều người sẵn sàng bồi hoàn kinh phí đào tạo và chịu phạt để được chuyển đi. Lại có người sẵn sàng bỏ việc để tìm công việc mới tại các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh hoặc Bình Dương. Và không riêng bệnh viện tỉnh, số cán bộ có trình độ bác sĩ, chuyên khoa I ở các huyện, thị chuyển công tác và bỏ việc khá nhiều. Từ năm 2007 đến 2009, Bệnh viện Đa khoa huyện Chơn Thành có 3 bác sĩ sau khi hoàn thành khóa đào tạo chuyên khoa I về chấn thương chỉnh hình, ngoại khoa và sản khoa đã chuyển công tác khỏi tỉnh. Một thời gian dài, cơ quan tổ chức và quản lý ngành y ở Bình Phước đã phải kêu lên về tình trạng “chảy xám” trong ngành.

Huyện Đồng Phú có 86 ngàn người, nhưng hiện chỉ có 15 bác sĩ, trong đó 7 bác sĩ ở tuyến xã. Mấy năm gần đây, Đồng Phú phải thực hiện bài toán ngược là điều chuyển bác sĩ từ tuyến xã về huyện, bởi còn rất nhiều phòng, ban của bệnh viện huyện chưa có bác sĩ. Hiện trưởng phòng y tế huyện rất muốn nghỉ hưu theo chế độ 132 nhưng chưa có bác sĩ thay thế.

GIẢI PHÁP NÀO CHO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH Y?

Khi chúng tôi tiếp cận với những người làm công tác quản lý trong ngành y, rất nhiều ý kiến của cán bộ y tế cấp huyện cho rằng: Trong điều kiện hiện tại, lãnh đạo Sở Y tế nên tham mưu với tỉnh để chọn một mô hình quản lý y tế phù hợp, bởi mô hình hiện nay đã, đang bộc lộ rất nhiều hạn chế vì sự chồng chéo và không huy động được sức mạnh tổng hợp toàn ngành. Bác sĩ Bùi Văn Quân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Phú đề nghị thẳng, nên sáp nhập bệnh viện huyện với trung tâm y tế huyện để giảm bớt đầu mối quản lý, tập trung và chủ động hơn nguồn nhân lực vốn đang rất thiếu và yếu. 

Đến nay, tổng số cán bộ trong tỉnh được cử đi đào tạo tại các trường Đại học Y - Dược là 100 người, trong đó 39 người được đào tạo đại học, bác sĩ và 61 người được đào tạo sau đại học. Năm 2011, ngành y tế tỉnh phối hợp với trường Đại học Y - Dược Huế tổ chức 2 lớp đào tạo chuyên khoa cấp I cho 36 học viên nội khoa và 18 học viên sản khoa.

Từ năm 2008 đến 2010, toàn tỉnh đã có 22 bác sĩ và chuyên khoa I chuyển công tác khỏi tỉnh. Trong khi chỉ có 3 bác sĩ chuyển đến và đều vì lý do gia đình. Thậm chí có nơi cả Giám đốc Trung tâm y tế huyện, Phó giám đốc Bệnh viện huyện cũng xin chuyển khỏi tỉnh.

Về tình trạng cán bộ sau khi hoàn thành các khóa đào tạo thường chuyển khỏi tỉnh, bác sĩ Trần Xuân Sỹ ở Chơn Thành đã nói rất thật lòng: Chỉ những người có thu nhập bên ngoài (có phòng mạch tư), gia đình ổn định và thật sự yêu nghề mới trụ lại địa phương. Và ông hiến kế: Sở Y tế cần tham mưu tỉnh để yêu cầu các cơ sở đào tạo giữ lại bằng của những người được cử đi đào tạo. Sau khi họ hoàn thành thời gian cam kết công tác tại tỉnh mới trả bằng. Trong khi đó, bác sĩ Quách Ái Đức, Phó giám đốc Sở Y tế lại cho rằng, không nên đặt nặng vấn đề chế tài mà nên quan tâm đến vấn đề đãi ngộ, thu hút nhân lực ngành y.

Đề cập tình trạng nhiều người có trình độ bác sĩ trở lên xin chuyển công tác hoặc bỏ việc, bác sĩ Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Không nên nói một cách to tát về tình trạng “chảy xám” trong ngành y Bình Phước. Thực ra đây chỉ là sự chuyển dịch nguồn nhân lực. Và sự chuyển dịch này là đúng với chủ trương của Bộ Y tế về sự đa dạng các loại hình y tế. Dù là công lập hay dân lập cũng đều chăm sóc sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, rất nhiều người cả trong và ngoài ngành cho rằng, đã và đang thực sự diễn ra tình trạng “chảy xám” trong ngành y Bình Phước, bởi những người chuyển khỏi các trung tâm y tế, bệnh viện công lập không phải để làm y tế tư nhân ở tỉnh Bình Phước mà đang “dịch chuyển” ra khỏi tỉnh. Nếu lãnh đạo Sở Y tế không đánh giá đúng mức tình trạng này thì không thể tham mưu với tỉnh được những chính sách phù hợp để trước mắt là bảo đảm số lượng và từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y.

Linh Tâm

  • Từ khóa
92028

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu