Thứ 2, 20/05/2024 07:47:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 22:23, 27/04/2012 GMT+7

Chương trình 167 giai đoạn 2009-2011 cán bộ sáng tạo, dân được nhờ

Thứ 6, 27/04/2012 | 22:23:00 233 lượt xem

Hàng chục ngàn nhà tình thương đã được xây dựng trong những năm qua. Đây là chính sách lớn và nhất quán trong cả nước theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ. Ở Bình Phước, chính sách ấy đã đi vào lòng dân và biết bao gia đình đã “an cư lạc nghiệp”, ổn định cuộc sống.

XÃ ĐIỂN HÌNH: THÀNH CÔNG NHỜ HUY ĐỘNG MỌI NGUỒN LỰC

Chúng tôi ghé thăm gia đình chị Điểu Thị Hà ở ấp Sóc Quả, xã Tân Hưng (Hớn Quản), một trong những hộ nghèo được hưởng Chương trình 167. Chị Hà kể: “Không có đất sản xuất, nhà dựng tạm trên mảnh đất của họ hàng, vợ chồng tôi làm mướn không đủ nuôi con. Hàng năm, phải mua thêm bạt và các thứ khác để che chắn căn nhà qua mùa mưa. Được xây nhà mới, được dạy nghề cạo mủ cao su và giới thiệu việc làm tại trang trại với thu nhập mỗi tháng gần 3 triệu đồng, tôi biết ơn Nhà nước nhiều lắm”.

Gia đình chị Điểu Thị Hà vui mừng trong căn nhà mới khang trang

Dẫn chúng tôi đi thăm các thôn nghèo, ông Nguyễn Trọng Trí, Phó chủ tịch UBND, phụ trách Chương trình 167 xã Tân Hưng, vui mừng nói: “Trước đây, khi chưa có nhà ở ổn định, nắng mưa là nỗi ám ảnh đối với người nghèo. Giờ có nhà mới rồi, ai nấy đều phấn khởi, chăm lo làm ăn, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo”.

Theo số liệu thống kê của Ban điều phối Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (Ban điều phối 167), hiện toàn tỉnh có 3.351/3.375 hộ nghèo khó khăn đã xây xong nhà ở, hoàn thành kế hoạch 100%. 24 hộ không thực hiện được là do đi khỏi địa phương, hưởng các chương trình khác hoặc xảy ra tranh chấp đất đai.

Tổng kinh phí thực hiện chương trình hơn 78,35 tỷ đồng; trong đó, vốn trung ương hơn 20,2 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh hơn 9,6 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 24,9 tỷ đồng, vốn hỗ trợ từ UBMTTQ tỉnh hơn 4,7 tỷ đồng và vốn huy động khác hơn 18,7 tỷ đồng. Như vậy, vốn từ các nguồn lực khác như tổ chức, cá nhân, gia đình thụ hưởng đóng góp chiếm 23,98% tổng kinh phí. Nhờ huy động mọi nguồn lực, nên không những hoàn thành đúng tiến độ, mà nhiều nhà tình thương của Chương trình 167 còn được xây dựng khang trang với số tiền từ 30 đến 60 triệu đồng.

Trong ngôi nhà mới được xây từ Chương trình 167, anh Thà Văn Phịu, dân tộc Thái, ở ấp Sóc Quả, xúc động chỉ vào căn nhà cũ ọp ẹp, nay được tận dụng thành gian bếp: “Mỗi lần mưa to, vợ chồng tôi đang đi làm mướn vẫn phải chạy về để chống đỡ nhà. Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương, làng xóm đã giúp gia đình tôi có căn nhà mới. Mưa gió không còn lo nhà sập, vợ chồng tôi yên tâm đi làm”.

Xã Tân Hưng có 62 hộ nghèo được hỗ trợ nhà theo Chương trình 167, với nguồn vốn hơn 1,7 tỷ đồng. Xã được Ban điều phối Chương trình 167 đánh giá hoàn thành tốt nhất chương trình và có nhiều cách làm sáng tạo. Ông Nguyễn Trọng Trí cho biết: “Mỗi hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở đều được bình xét công khai. Công tác tuyên truyền, vận động được đặt lên hàng đầu để thông tư tưởng cán bộ và mỗi người dân. Xã đã huy động tổng thể nhân lực, vật lực, sự trợ giúp của các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, của chính những hộ được hỗ trợ... Đồng thời vận động anh em trong dòng họ chủ động vật liệu khai thác tại chỗ như: đất, sỏi, gỗ... Với gia đình neo người, các tổ chức đoàn thể, lối xóm đến giúp đỡ. UBND xã cũng chủ động liên hệ với các doanh nghiệp hợp đồng cung ứng toàn bộ vật liệu cho các hộ được thụ hưởng với giá rẻ. Bởi thực tế, hơn một nửa số hộ thuộc diện hỗ trợ không biết tính toán xây nhà, không biết mua vật liệu bảo đảm chất lượng mà giá rẻ hơn.

KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, HOÀN THÀNH GIAI ĐOẠN 2009-2011

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 167, ở Bình Phước gặp không ít khó khăn do mặt bằng kinh tế, nhận thức của người nghèo còn thấp, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dù vậy, các huyện đã linh động và có nhiều cách làm sáng tạo để hoàn thành khối lượng công việc lớn trong một thời gian ngắn. Những nơi vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, xa khu trung tâm như xã Đắk Ơ, Phú Trung (Bù Gia Mập), việc tập kết vật liệu rất khó khăn. UBND huyện phải mở một con đường với kinh phí khoảng 78 triệu đồng tại xã Phú Trung để vận chuyển vật liệu xây nhà tình thương cho 17 hộ dân tại đây và phục vụ dân sinh sau này.

“KHÉO CO THÌ ẤM”

Ông Nguyễn Trọng Trí, Phó chủ tịch UBND, phụ trách Chương trình 167 xã Tân Hưng (Hớn Quản) cho biết:

Xã vận động thợ xây tại địa phương làm nhà cho người nghèo với giá công rẻ hơn thị trường, 130 ngàn đồng/m2 (giá hiện tại là 180 ngàn đồng/m2). 50 ngàn đồng × 24 m2 trở lên, ít nhất mỗi căn nhà tiết kiệm được 1,2 triệu đồng. Số tiền này có thể xây thêm công trình phụ.

Nhờ tính toán chi li như thế, xã Tân Hưng có trên 60% nhà 167 được xây thêm nhà vệ sinh và nhà tắm, 95% nhà được tô tường (trong khi phần lớn nhà 167 của tỉnh không tô tường). Các doanh nghiệp, chủ trang trại, gia đình khá giả trên địa bàn cũng được vận động vào cuộc hỗ trợ thêm kinh phí để căn nhà khang trang hơn. Kinh phí trung bình cho mỗi căn nhà ở Tân Hưng là 28 triệu đồng, căn ít nhất cũng 23 triệu đồng. Nhiều căn được xây dựng với số tiền từ 40 đến 60 triệu đồng. Nhờ sự huy động này, xã đã xây dựng thêm 4 căn nhà cho các hộ nghèo (chưa được thụ hưởng Chương trình 167 giai đoạn 2009-2011) với kinh phí 130 triệu đồng, kịp thời giải quyết nhu cầu khó khăn về nhà ở cho người dân nơi đây.

Mức hỗ trợ và mức vay để làm nhà ở là 17 triệu đồng/căn (Nhà nước hỗ trợ 9 triệu đồng/hộ, vốn vay tối đa 8 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh). Theo quy định, nhà phải bảo đảm diện tích tối thiểu 24m2, tuổi thọ tối thiểu 10 năm. Với kinh phí như vậy, thêm tình hình giá cả leo thang, không dễ gì để xây dựng một căn nhà kiên cố. Để bù vào trượt giá, từ năm 2011, từ nguồn quỹ vì người nghèo, UBMTTQ tỉnh đã hỗ trợ thêm 972 hộ, mỗi hộ 3 triệu đồng. Những trường hợp không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng chính sách được hỗ trợ thêm 10 triệu đồng. Qua khảo sát, đa phần các căn nhà đã xây dựng chất lượng tương đối tốt, đảm bảo yêu cầu sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhà (ở thị xã Bình Long, huyện Bù Gia Mập) chưa đạt yêu cầu, như: mái bị dột, nền bong tróc, cửa chưa thuận tiện... Ban điều phối tỉnh đã kết hợp với địa phương kiểm tra, khắc phục kịp thời.

Trong tổng số 3.351 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở, có 1.700 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm hơn 50%). Theo đánh giá của Ban điều phối 167, đa phần nhà chưa đạt yêu cầu là của đồng bào dân tộc thiểu số. Một thành viên Ban điều phối 167 kể lại câu chuyện có thật: Khi nhà của một hộ dân tộc thiểu số đã hoàn thành, đoàn đến kiểm tra thì thấy một đống đất do thợ xây còn để lại ngay hiên nhà từ nhiều ngày trước đó. Phía dưới nền nhà vẫn còn gạch lổm chổm chưa được lát bằng nên để cái bàn che lại. Điều đó cho thấy sự trông chờ, ỷ lại của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng chính sách.

Cùng với những ngôi nhà mới được Nhà nước kiên cố hóa, nhiều hộ nghèo trong tỉnh có điều kiện “an cư lạc nghiệp”, chăm chỉ làm ăn, từng bước vươn lên thoát nghèo. Những ngôi nhà 167 thấm đượm tình người, không chỉ làm vơi đi gánh nặng về nơi ăn chốn ở cho người nghèo, mà còn là biểu hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chung tay góp sức của cả cộng đồng dành cho người nghèo ở Bình Phước. 

Thế Quân

  • Từ khóa
92012

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu