Thứ 2, 20/05/2024 08:39:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:12, 10/04/2012 GMT+7

Tăng cường phòng chống cháy rừng trong mùa khô

Thứ 3, 10/04/2012 | 14:12:00 304 lượt xem

Hai tháng gần đây, những đợt nắng nóng liên tục và kéo dài làm các khu rừng trên địa bàn tỉnh đặt trong tình trạng nhiều nguy cơ xảy ra cháy. Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo bảo vệ rừng, các ngành chức năng, chính quyền các cấp đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trong mùa khô 2011-2012.

NỖI LO CHÁY RỪNG

Bình Phước có 178,6 ngàn ha đất có rừng, trong đó khoảng 70,8 ngàn ha rừng tự nhiên, 45,8 ha rừng trồng. Theo dự báo khoảng 36 ngàn ha rừng có nguy cơ bị cháy trong mùa khô 2012. Diện tích rừng nằm chủ yếu ở các huyện có nhiều đồi núi, đường giao thông khó khăn, vì vậy mỗi khi có cháy, lực lượng và phương tiện PCCC rất khó tiếp cận đám cháy. Kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR chưa đáp ứng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra rừng thường xuyên. Thêm vào đó, lực lượng kiểm lâm mỏng, phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác PCCCR còn hạn chế... đây là vấn đề nan giải trong công tác PCCCR.

Diễn tập chữa cháy rừng tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Ông Phan Trung Vinh, Đội phó Đội PCCCR (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: “Ý thức PCCCR của một bộ phận người dân sống gần khu vực rừng còn thấp, họ chưa hiểu hết tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống. Nhiều người đi vào rừng đốt ong, đốt rẫy nhưng lại không chú ý dập tắt lửa, đến khi phát thành đám cháy lớn, các lực lượng bảo vệ rừng ứng cứu không kịp. Bên cạnh đó, công tác PCCCR ở địa bàn cũng còn nhiều bất cập. Trong đó, một số doanh nghiệp, chủ rừng chưa coi trọng công tác PCCCR. Nhiều diện tích khi thiết kế trồng rừng đã không xây dựng hệ thống PCCCR như đường băng cản lửa, hồ dự trữ nước, chòi canh lửa… Những khu rừng này nếu xảy ra cháy sẽ rất khó dập tắt lửa, thiệt hại do cháy rừng gây ra rất lớn.

Ông Vương Văn Hào, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: “Các kiểu rừng có nguy cơ cháy chủ yếu là rừng lồ ô, tre, nứa thuần loại hoặc rừng hỗn giao lồ ô, gỗ. Loại rừng này tập trung ở các huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng và thị xã Phước Long. Ở các khu vực như Lộc Ninh, Bù Đốp, rừng bị cháy chủ yếu là rừng khộp (rừng ngập nước vào mùa mưa). Ngoài ra, một số khu vực rừng bị cháy thảm cỏ, cháy dưới tán, không gây thiệt hại đến diện tích rừng”.

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG CHÁY RỪNG

Theo dự báo của ngành chức năng, mùa hanh khô năm nay, thời tiết nắng nóng diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, tập trung chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 5. Đây cũng là thời điểm hoạt động khai thác gỗ, đốt rừng xử lý thực bì, đốt rừng làm rẫy... gia tăng mạnh, rất dễ xảy ra cháy rừng. Đáng lưu ý là gần đây, tại một số địa phương trong nước đã xảy ra các vụ cháy rừng lớn, làm thiệt hại nghiêm trọng nhiều diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng trồng...

Ông Nguyễn Văn Lợi, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo bảo vệ rừng tỉnh cho biết: “Hiện là thời điểm cuối mùa khô, thời gian đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ dân di cư tự do lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng làm rẫy, đợi mưa xuống là gieo hạt. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy rừng. Vì vậy Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các hạt kiểm lâm, chủ rừng... xây dựng kế hoạch PCCCR, củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy, các tổ đội PCCCR. Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR tỉnh cần nhanh chóng triển khai xây dựng phương án chữa cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh nhằm chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ, lực lượng, sẵn sàng chữa cháy kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu. Các Hạt kiểm lâm thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan và hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR, nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về PCCCR, nhất là thời điểm nắng nóng dễ xảy ra cháy rừng”.

Năm 2011, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ cháy /6,66 ha rừng lồ ô xen gỗ, mức độ thiệt hại từ 40-85%. So với cùng kỳ năm 2010, giảm 31 vụ, diện tích thiệt hại giảm 32,07 ha (năm 2010 xảy ra 39 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 38,73 ha). Do được phát hiện và chữa cháy kịp thời nên đã hạn chế được mức độ thiệt hại về diện tích và tài nguyên rừng. Các vụ cháy chủ yếu là cháy thảm thực vật dưới tán cây, ít ảnh hưởng đến cây rừng và cây rừng đã phục hồi trong mùa mưa. Quý I năm 2012, Bình Phước chưa xảy ra cháy rừng.

Hiện nay, lực lượng kiểm lâm đang xác định, khoanh vùng các trọng điểm (diện tích, đối tượng, địa điểm...) để cử cán bộ mở sổ theo dõi, tính toán cấp dự báo cháy rừng hằng ngày, kịp thời thông báo trên biển dự báo cấp cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm rõ. Lực lượng kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với các chủ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm tra các vùng trọng điểm dễ cháy rừng để chủ động PCCCR.

Ông Phan Trung Vinh cho biết thêm: “Để công tác PCCCR mang lại hiệu quả cao, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”. Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng dụng cụ, trang thiết bị PCCCR; phân công lực lượng thường trực sẵn sàng ứng phó với cháy rừng; nắm chắc các vùng trọng điểm về nguy cơ cháy rừng và chủ động triển khai các phương án PCCCR để có biện pháp bố trí, triển khai lực lượng chữa cháy khi có sự cố cháy rừng xảy ra”.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thời gian qua, nhiều ngày không mưa, độ ẩm trong không khí thấp nên tính đến thời điểm hiện nay đã có nhiều khu rừng tại 11 tỉnh trên cả nước, trong đó có Bình Phước đang có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Nhất Sơn

  • Từ khóa
91999

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu