Thứ 2, 20/05/2024 07:47:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 16:07, 03/04/2012 GMT+7

Vì sao một vụ việc nhưng hai bản án khác nhau?

Thứ 3, 03/04/2012 | 16:07:00 274 lượt xem

>> Bỗng nhiên bị... mất đất?

Bà Nguyễn Thị Loan (1968), trú xã Tân Hòa (Đồng Phú) đã có cuộc hành trình “đòi đất” hết sức gian nan vì cách làm khó hiểu của chính quyền cơ sở. Tòa sơ thẩm xử bác đơn, nhưng đến tòa phúc thẩm lại tuyên bà Loan thắng cuộc. Thế nhưng khổ chủ vẫn chưa nhận được đất vì UBND huyện cho rằng, quyết định của tòa án không rõ ràng và đang khiếu nại. Trong khi đó, bản án có hiệu lực thi hành ngay và UBND tỉnh cũng có công văn chỉ đạo thực hiện theo phán quyết của tòa án, nhưng vụ việc “đâu vẫn hoàn đó”.

NGUYÊN NHÂN CỦA VỤ VIỆC

Năm 1999, do hoàn cảnh khó khăn, bà Nguyễn Thị Loan có mượn đất của ông Vương Văn Quắn (ngụ cùng xã) để trồng mì. Đến năm 2001, bà Loan mua lại của ông Quắn 1,5 ha đất xâm canh để canh tác.

Đất cấp cho bà Loan đang bị người khác xây nhà

Tháng 6-2003, UBND tỉnh thu hồi 2.256 ha đất tại Ban quản lý rừng kinh tế Tân Lập cũ để giao cho Công ty Cao su Sông Bé, trong đó có đất của ông Quắn đã sang nhượng cho bà Loan. Khi bị thu hồi, bà Loan được hỗ trợ, bồi thường trên 10 triệu đồng và được UBND xã Tân Hòa lập danh sách để cấp đất tái định canh, định cư. Sau đó, UBND huyện Đồng Phú cấp 1 ha đất tái định canh, tái định cư tại ấp Đồng Tân, xã Tân Hòa cho bà Loan vào năm 2004. Bà Loan đã xây nhà ở, công trình vệ sinh, đào giếng, trồng cây cao su trên diện tích này.

Thế nhưng, đến ngày 21-7-2006, với lý do bà Loan khai gian dối nên UBND huyện Đồng Phú ban hành Quyết định 1676/QĐ-UBND để thu hồi và hủy bỏ quyết định giao đất tái định canh, định cư đối với hộ bà Loan. Không đồng ý với Quyết định 1676 của UBND huyện, bà Loan khiếu nại và UBND huyện Đồng Phú ban hành Quyết định 2854/QĐ-UBND ngày 19-9-2008 để giải quyết khiếu nại của bà Loan. Không đồng ý với quyết định này, bà Loan tiếp tục khiếu nại lên UBND tỉnh. Căn cứ vào báo cáo của UBND huyện và báo cáo này dựa trên cơ sở các biên bản làm việc của Công an xã Tân Hòa và Thanh tra huyện, UBND tỉnh đã bác đơn khiếu nại của bà Loan. Ngày 18-6-2009, UBND huyện Đồng Phú ban hành thêm quyết định 2043 để sửa đổi, bổ sung lý do thu hồi đất của bà Loan. Tiếp đó, huyện Đồng Phú thành lập đoàn cưỡng chế vào thu hồi đất của bà Loan. Và bà Loan bắt đầu hành trình đòi lại đất đã cấp.

Cụ thể là bà Loan khởi kiện quyết định thu hồi đất của UBND huyện ra tòa án để yêu cầu tòa tuyên hủy hai quyết định hành chính của UBND huyện Đồng Phú và yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản gồm: cây cao su, nhà ở, giếng nước... trị giá 800 triệu đồng.

HAI BẢN ÁN KHÁC NHAU CHO MỘT VỤ VIỆC

Tại phiên tòa hành chính sơ thẩm, Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Đồng Phú đã bác yêu cầu khởi kiện của bà Loan, bác yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do đoàn cưỡng chế gây ra. Bà Loan tiếp tục kháng án lên TAND tỉnh. Ngày 18-10-2011, TAND tỉnh đã mở phiên tòa hành chính phúc thẩm để giải quyết vụ kiện (Bản án số 04/2011/HC-PT ngày 18-10-2011 của TAND tỉnh).

Luật sư Hoàng Kim Vinh, Trưởng đoàn Luật sư Bình Phước cho biết về thủ tục kháng nghị bản án phúc thẩm như sau: “Kháng án, kháng nghị là quyền của các đương sự trong từng vụ án. Tuy nhiên, đối với các bản án dân sự, hành chính phúc thẩm thì án có hiệu lực ngay sau khi HĐXX phiên tòa đó tuyên án. Nếu bị đơn hoặc nguyên đơn không chấp nhận bản án đó thì họ có quyền kháng nghị để tòa án tối cao xem xét và xét xử lại theo thủ tục chung là giám đốc thẩm. Khi nhận được văn bản kháng nghị của đương sự, nếu phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi nội dung bản án thì tòa án tối cao lập tức có công văn đề nghị tạm hoãn thi hành án và ra quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Còn nếu không có tình tiết mới, tòa tối cao sẽ nghiên cứu nội dung vụ việc và có công văn trả lời trong thời hạn là ba năm. Vậy, đối với các bản án phúc thẩm đã tuyên, nếu không có công văn đề nghị tạm hoãn thi hành án của tòa án tối cao thì án đó đã có hiệu lực thi hành”.

Tại phiên phúc thẩm, bà Loan khẳng định mình không có hành vi khai báo gian dối trong việc kê khai để nhận đất tái định canh, tái định cư. Thực tế, bà Loan mua lại đất của ông Vương Văn Quắn từ năm 2001, vì vậy UBND huyện Đồng Phú ban hành Quyết định số 1676/QĐ-UBND ngày 21-7-2006 về việc thu hồi và hủy bỏ kết quả bàn giao đất tái định canh, tái định cư đối với hộ bà Nguyễn Thị Loan và sau đó ra Quyết định 2043/QĐ-UBND ngày 18-6-2009 về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1, Quyết định 1676 của UBND huyện Đồng Phú là sai quy định.

Sau khi xem xét hồ sơ, Hội đồng xét xử (HĐXX) phiên phúc thẩm đã ra quyết định sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, tuyên hủy hai quyết định hành chính số 1676 và số 2043/QĐ-UBND của UBND huyện Đồng Phú. Đồng thời, TAND tỉnh quyết định bà Loan là người được quyền hưởng đất tái định cư mà UBND huyện đã cấp trong quá trình thu hồi đất giao cho Công ty Cao su Sông Bé. Lý do để TAND tỉnh đưa ra quyết định trên là bà Loan có hộ khẩu thường trú tại xã Tân Hòa và nguồn gốc đất là sang nhượng từ ông Quắn. Diện tích đất này được ông Quắn khai phá (xâm canh) từ năm 1997 để trồng điều. Vì vậy, việc UBND huyện viện lý do bà Loan không có tên trong danh sách được cấp đất tái định cư là không có cơ sở. Vì thực tế, bà Loan là người sản xuất trực tiếp trên đất (đã thu hồi) và nhận tiền đền bù từ Công ty Cao su Sông Bé vào ngày 8-12-2003. Trong khi đó, UBND huyện lại viện dẫn các biên bản của Thanh tra huyện, Công an xã Tân Hòa về những buổi làm việc với ông Quắn, bà Loan để dẫn chứng bà Loan có hành vi gian dối. Tuy nhiên, HĐXX phiên phúc thẩm đã nhận định những biên bản này có sự mâu thuẫn và đã làm rõ nhiều mâu thuẫn trong những biên bản này. Hơn nữa, ông Quắn, bà Loan cho rằng các buổi làm việc đều không có những nội dung như biên bản mà thanh tra huyện và công an xã đã lập ra (?). Từ những chứng cứ trên, HĐXX đã ra quyết định chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị Loan.

TRÊN BẢO DƯỚI... CHƯA NGHE

Sau khi bản án phúc thẩm được tuyên, bà Loan đã có đơn đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đồng Phú thi hành bản án là hủy bỏ các quyết định của UBND huyện về thu hồi đất tái định canh, định cư đối với hộ bà Loan. Thế nhưng, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đồng Phú đã có văn bản trả lời bà Loan về việc từ chối thi hành án, với lý do “bản án của tòa không rõ ràng”. Bà Loan lại tiếp tục khiếu nại. Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú trả lời bà Loan bằng Văn bản số 1253/UBND ngày 12-12-2011 rằng, “quyết định của bản án phúc thẩm tuyên không rõ ràng, gây khó cho cơ quan thi hành án” và “UBND huyện đang làm văn bản đề nghị để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”.

Không đồng ý với văn bản này, bà Loan đề nghị HĐXX phiên phúc thẩm làm rõ nội dung của kết luận bản án. Ngày 16-12-2011, TAND tỉnh đã có văn bản gửi bà Loan và UBND huyện Đồng Phú để khẳng định: “Bà Loan có quyền sử dụng diện tích đất tái định canh, định cư đã được giao theo quy định của pháp luật về đất đai”. Thế nhưng, một lần nữa UBND huyện yêu cầu bà Loan nghiêm túc thực hiện văn bản số 1253/UBND về giải quyết vụ việc của Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú (?). Như vậy, mặc dù bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay nhưng đến nay bà Loan vẫn chưa nhận lại đất tái định canh, định cư đã cấp cho mình.

Để có nơi ở ổn định và canh tác, bà Loan đã liên tục gõ cửa các cấp chính quyền từ khi có kết luận của phiên tòa phúc thẩm. Đặc biệt, trong những lần tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh tại các buổi tiếp dân, bà Loan đề đạt nguyện vọng của gia đình là đề nghị UBND huyện Đồng Phú chấp hành quyết định của tòa án để gia đình bà ổn định cuộc sống, không phải chịu cảnh ăn nhờ ở đậu.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, thủ tục pháp lý, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Lợi đã ký ban hành các công văn số 314, 547/UBND với nội dung “giao cho Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú tổ chức thực hiện bản án số 04/2011/HC-PT ngày 18-10-2011 của TAND tỉnh”. Tuy nhiên, UBND huyện Đồng Phú vẫn chưa thực hiện.

VÌ SAO HIỆU LỰC CỦA BẢN ÁN VẪN NẰM TRÊN GIẤY?

Tại các buổi tiếp dân định kỳ của lãnh đạo UBND tỉnh, bà Loan đã nhiều lần tố cáo: “Đất tái định canh, định cư đã cấp cho gia đình tôi bị cưỡng chế thu hồi để cấp cho bà Lê Thị Quyên, cán bộ thống kê, cũng là em của Chủ tịch UBND xã Tân Hòa. Hiện nay, bà Quyên đã sang nhượng một phần diện tích này cho ông Đức, công nhân Nông trường cao su Tân Hòa I. Ông Đức đang đổ gạch, cát để xây nhà”. Cũng theo bà Loan: “Diện tích mà bà Quyên sang nhượng cho ông Đức là 13x35m, với giá 7 triệu đồng/m chiều ngang”. Trên diện tích đất tái định canh, định cư đã cấp cho bà Loan trước đây được bà Quyên trồng cao su đã một năm tuổi. Ngoài ra, mảnh đất này còn có một móng nhà mới xây bằng gạch, 700 viên gạch và khoảng 6m3 cát xây dựng. Bà Loan khẳng định: “Vật liệu xây dựng này là của ông Đức”.

Sau khi có thông tin này, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Lợi đã có Công văn số 547/UBND ngày 5-3-2012 gửi Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú về việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh trong thi hành bản án 04 của TAND tỉnh. Đồng thời kiểm tra việc sang nhượng đất của bà Quyên cho người khác và báo cáo kết quả cho Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 31-3-2012.

Như vậy, sự thật của vụ việc đã quá rõ ràng nhưng bà Loan có được thi hành án hay không thì vẫn phải chờ những người thực thi pháp luật hiểu rõ luật.

Tấn Phong

  • Từ khóa
91997

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu