Thứ 2, 20/05/2024 08:58:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 16:23, 28/03/2012 GMT+7

Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng - Nguyễn Anh Hoàng: “Thông tin trên báo Nông nghiệp Việt Nam là thiếu khách quan…”

Thứ 4, 28/03/2012 | 16:23:00 434 lượt xem

Đợt thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép ở Bù Đăng đã đạt những kết quả tốt. Tuy nhiên, hiện dư luận vẫn còn băn khoăn sau khi bài báo “Bất công đến thế là cùng” của báo Nông nghiệp Việt Nam đăng ngày 22-2-2012. Để rộng đường dư luận, phóng viên báo Bình Phước đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng xung quanh vấn đề mà báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

P.V: Ông nghĩ gì về nội dung bài “Bất công đến thế là cùng” đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam?

Ông Nguyễn Anh Hoàng: Nội dung bài báo hoàn toàn sai sự thật. Tác giả bài báo bóp méo việc thực hiện chủ trương của tỉnh qua bài viết nói trên. Tại sao lại bất công? Tác giả phải nhận thức được rằng, việc cưỡng chế, thu hồi đất lâm nghiệp là do bị người dân lấn chiếm trái phép. Cưỡng chế, thu hồi đất lâm nghiệp là để thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về triển khai các dự án an sinh xã hội; đồng thời tạo quỹ đất để thực hiện các dự án hỗ trợ cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, phục vụ cho chương trình xóa đói giảm nghèo của tỉnh và của địa phương.

Hiện nay, UBND huyện đã có văn bản phản hồi nội dung bài báo “Bất công đến thế là cùng” của báo Nông nghiệp Việt Nam. Qua đó chúng tôi khẳng định nội dung bài báo là hoàn toàn sai sự thật, thiếu khách quan và tác giả bài báo thiếu hiểu biết về pháp luật.

Hiện trường đợt thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép ở Bù Đăng - Ảnh: Trần Phương

P.V: Nội dung bài báo có đặt ra vấn đề “không hỗ trợ khai hoang trong vùng dự án...”, ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Nguyễn Anh Hoàng: Khi triển khai thực hiện dự án, UBND huyện chỉ tiến hành thu hồi diện tích đất rừng bị xâm canh lấn chiếm từ tháng 12-2008 đến nay. Những diện tích có cây trồng trước tháng 12-2007 đang khoanh vùng chưa thu hồi nên không thực hiện chính sách hỗ trợ hay đền bù cây trồng trên đất lấn chiếm.

Cũng cần nói thêm rằng, trong diện tích rừng và đất rừng do Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé quản lý có hai dự án đang thực hiện. Đó là dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp và dự án xây dựng vườn cây cao su tạo quỹ xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh. Nguồn gốc đất để thực hiện các dự án này đều là đất lâm nghiệp do Nhà nước giao cho Nông lâm trường Nghĩa Trung (Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé) quản lý trực tiếp đã bị các hộ dân xâm canh trái phép. Do vậy, vấn đề “không hỗ trợ khai hoang trong vùng dự án...” mà báo Nông nghiệp Việt Nam đặt ra là không chính xác và thiếu khách quan.

P.V: Trong nội dung bài báo, tác giả còn nêu: “... những người nông dân khai hoang lại phải sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề...”, có đúng sự thật không thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Hoàng: Chúng tôi khẳng định, tác giả bài báo này nói sai sự thật. Viết rằng các hộ bị cưỡng chế không có đất sản xuất, nhà ở là không chính xác, thiếu khách quan và thiếu tính xây dựng. Vì trước khi cưỡng chế, thu hồi đất, UBND huyện đã kiểm tra, xác minh thực tế. Qua kiểm tra cho thấy, xã Đăng Hà có 91 hộ lấn chiếm đất lâm nghiệp sẽ bị cưỡng chế. Trong đó có 35 hộ có đơn kiến nghị không có đất sản xuất. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì chỉ có 10 hộ không có đất sản xuất và 3 hộ chưa có nhà ở riêng, đang ở chung với cha mẹ. Số hộ còn lại đều có nhà xây, nhà gỗ kiên cố và có đất sản xuất ổn định. Như vậy, nội dung bài báo nêu tên một số hộ dân “... phải sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề”... là không chính xác.

Kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương, các ngành về công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Lợi đã đánh giá cao nỗ lực của huyện Bù Đăng trong công tác cưỡng chế thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép. Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, các bước thực hiện trong đợt ra quân cưỡng chế thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép ở Bù Đăng là đúng quy định và đề nghị các địa phương khác học tập.

Về quan điểm, chúng tôi thực sự không đồng tình với cách đặt vấn đề của tác giả bài báo cho rằng các hộ dân đã “khai hoang” hoặc “khai phá rừng vắng”. Như vậy, tác giả hợp pháp hóa hành vi phá rừng phòng hộ và rừng sản xuất để làm rẫy, coi những diện tích rừng đang được Nhà nước giao cho chủ rừng quản lý là vô chủ, ai cũng có quyền chặt phá? Người dân khi gặp khó khăn về đời sống thì vi phạm luật pháp là quyền chính đáng?

Chủ trương thu hồi đất lấn chiếm trái phép của tỉnh không chỉ đơn thuần là trồng cao su cho quỹ an sinh xã hội mà còn là biện pháp chấn chỉnh việc thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, đúng với nội dung Chỉ thị 12/TTg và 1685/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện tại, UBND huyện đang tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội để giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho các hộ dân thực sự không có đất sản xuất, đất ở theo Chương trình 134 của Chính phủ để định canh định cư, ổn định dân di cư trên địa bàn huyện.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Tấn Phong (thực hiện)

  • Từ khóa
91993

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu