Thứ 2, 20/05/2024 05:42:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 10:58, 16/03/2012 GMT+7

Báo Bình Phước phúc đáp Công văn số 17/UBND của UBND huyện Lộc Ninh

Thứ 6, 16/03/2012 | 10:58:00 295 lượt xem

Ngày 26-12-2011 và ngày 28-12-2011, Báo Bình Phước đăng bài: “Cụ bà 90 tuổi và hành trình 10 năm “cõng” đơn đi tìm lẽ phải”. Báo Bình Phước vừa nhận được Công văn của UBND huyện Lộc Ninh số 17/UBND-NC về việc “phản hồi ý kiến báo chí đăng sai sự thật”, qua đó đề nghị Báo Bình Phước đính chính nội dung đăng sai. Nội dung công văn phản hồi do Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Trần Văn Thu ký có hai phần nội dung chính. Phần thứ nhất là những nội dung theo UBND huyện Lộc Ninh bài báo phản ánh không đúng. Phần thứ hai phản ánh bài báo cho rằng chính quyền địa phương không chăm lo đời sống người có công với cách mạng là không đúng.

Ban biên tập Báo Bình Phước xin trao đổi để làm rõ những vấn đề UBND huyện Lộc Ninh nêu trong công văn này như sau:

Cụ Nguyễn Thị Ba và tấm Huân chương
Kháng chiến hạng Hai

Về nội dung chính thứ nhất, theo UBND huyện Lộc Ninh bài báo đã phản ánh không đúng. Cụ thể, công văn phản hồi của huyện nêu lại toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc liên quan đến thửa đất 31,45m2 hiện cụ bà 91 tuổi Nguyễn Thị Ba đang sử dụng. Sau khi trích dẫn nội dung các văn bản, UBND huyện Lộc Ninh kết luận: Như vậy, việc giải quyết tranh chấp và các vướng mắc nêu trên đối với bà Ba, phía chính quyền địa phương đã xem xét và xác minh rất rõ ràng từ nguồn gốc sử dụng đất trước năm 1975 đến nay, không có việc gây phiền hà, khó khăn cho người dân hoặc làm trái với các quy định của Nhà nước…. Việc giải quyết tranh chấp và các vướng mắc của bà Ba đã được chính quyền địa phương xem xét rất rõ ràng; mặt khác về phía chính quyền địa phương cũng đã tạo điều kiện để bà Ba có được nơi ở ổn định trên mảnh đất và căn nhà hiện tại cho đến khi bà Ba qua đời, sau đó sẽ xem xét giải quyết theo quy định, hoặc nếu bà Ba có nhu cầu về nhà ở, đất ở thì UBND huyện Lộc Ninh cũng xem xét ưu tiên giao cho 1 lô đất ở, có thu tiền sử dụng đất tại khu quy hoạch dân cư và xem xét yếu tố miễn, giảm tiền sử dụng đất theo đúng đối tượng được pháp luật quy định (nhưng đến nay kể cả bà Ba và ông Nuôi không có ý kiến gì)…

Việc tranh chấp kéo dài giữa bà Ba và bà Bánh còn có nhiều uẩn khúc giữa cá nhân với nhau, không chỉ với mục đích là tranh chấp mảnh đất để ở… Vì nếu mục đích thực sự bà Ba có nhu cầu về đất ở thì tại sao khi địa phương xem xét giao lô đất ở nơi khác bà Ba không nhận mà cứ đề nghị giải quyết tại chỗ cũ, trong khi diện tích đất này được khẳng định là do bà Ba lấn chiếm của người khác để ở.

Về vấn đề này, Ban biên tập Báo Bình Phước có quan điểm như sau:

Thứ nhất, toàn bộ công văn phản hồi của UBND huyện Lộc Ninh chỉ nêu lại mà không nêu lên văn bản hoặc nội dung văn bản nào của UBND tỉnh và UBND huyện Lộc Ninh mà bài báo chưa phản ánh. Công văn phản hồi của UBND huyện Lộc Ninh cũng không nêu được chi tiết nào bài báo đã phản ánh sai. Sự khác nhau về quan điểm của Báo Bình Phước và quan điểm của UBND huyện Lộc Ninh ở chỗ: Đến nay UBND huyện Lộc Ninh vẫn cho rằng vụ việc xuất phát từ việc tranh chấp đất giữa bà Văn Thị Bánh và cụ Nguyễn Thị Ba. Rõ ràng, lập luận này hoàn toàn phi lý. Bởi lẽ, bà Bánh đã bỏ thửa đất, không sử dụng từ năm 1973, đến năm 2000 bà Bánh mới tranh chấp với cụ Ba. Nhìn nhận một cách đơn giản nhất, nếu yêu cầu của bà Bánh được pháp luật chấp nhận, thì ai có nhà, đất bỏ đi từ trước giải phóng năm 1975 nay cũng quay lại đòi như bà Bánh sẽ giải quyết ra sao? Vì thế, năm 2004, UBND tỉnh bác đơn của bà Bánh không chỉ đúng pháp luật mà còn phù hợp với thực tiễn. Do vậy vụ việc không thể nhìn nhận ở góc độ “đất tranh chấp” và thực tế không còn là đất tranh chấp từ năm 2004 - thời điểm UBND tỉnh bác đơn của bà Bánh.

Đã 90 tuổi, cụ Ba phải nhờ cháu cõng đi đưa đơn và giải quyết giúp mọi việc

Quan điểm của UBND huyện Lộc Ninh cho rằng thửa đất cụ Ba đang ở là đất lấn chiếm cũng hoàn toàn sai. Thửa đất ấy bỏ hoang vô chủ nhiều năm, vì thế chỉ có thể gọi đó là đất có nguồn gốc khai hoang chứ không phải là đất lấn chiếm. Bởi lẽ, theo Luật Đất đai năm 1993, sau đó là Luật Đất đai năm 2003, thửa đất, thực chất là một hố bom vô chủ được cụ Ba khai khẩn rồi dựng nhà từ năm 1987, phải thuộc quyền sở hữu của cụ Ba, được cấp chủ quyền mà không phải nộp tiền sử dụng đất và như vậy đương nhiên không là đất lấn chiếm trái phép như quan điểm của huyện Lộc Ninh.

Cũng xin trao đổi thêm: Trong loạt bài Báo Bình Phước phản ánh, tác giả đã phân tích, lập luận nội dung, quan điểm trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật, có trích dẫn rõ ràng, cụ thể là từ luật đất đai, các nghị định hướng dẫn thi hành luật đất đai… Tuy nhiên, công văn phản hồi của UBND huyện Lộc Ninh dường như “quên”, không hề đả động tới vấn đề này. Thứ hai, tương tự trường hợp của cụ Ba, các hộ lân cận xung quanh đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không hiểu vì lý do gì huyện Lộc Ninh lại từ chối đối với cụ Ba?

Phần nội dung chính thứ hai trong công văn của UBND huyện Lộc Ninh phản ánh việc bài báo cho rằng chính quyền địa phương không chăm lo đời sống cho người có công với cách mạng là không đúng. Trong phần nội dung này, công văn của UBND huyện Lộc Ninh nêu lên tình hình hoạt động của chính quyền địa phương với đối tượng chính sách thời gian qua, như các chương trình hỗ trợ xây nhà ở, thăm, tặng quà cho người nghèo, người có công với cách mạng, gia đình thương binh - liệt sĩ, lão thành cách mạng… và kết luận: Việc bài báo cho rằng chính quyền địa phương không chăm lo cho người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách… là không đúng, là phủ nhận việc chính quyền địa phương thực hiện công tác này qua những thời kỳ trước đây.

Về vấn đề này, Ban biên tập Báo Bình Phước trao đổi như sau: Đó là nội dung mà UBND huyện Lộc Ninh đã tưởng tượng ra quy chụp cho bài báo. Bài viết không phản ánh việc thực hiện chính sách của huyện Lộc Ninh mà chỉ phản ánh: Đây là bài học nhân văn về câu chuyện của một cụ bà được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Hai nhưng thân cô thế cô chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong… Một căn nhà xây bằng gạch để sống yên lành những năm tháng cuối đời và có nơi cho con cháu thờ tự ông, bà là ước mơ của cụ Ba, người thân, xóm giềng và tất cả những người có lương tâm, suy nghĩ! Với UBND huyện Lộc Ninh, điều giản dị ấy phải chăng là quá khó thực hiện? Uẩn khúc gì phía sau cách hành xử của UBND huyện Lộc Ninh suốt 10 năm qua?

Trên đây là những nội dung Ban biên tập Báo Bình Phước trao đổi và trả lời công văn phản hồi của UBND huyện Lộc Ninh 17/UBND-NC ngày 12-1-2012.

BAN BIÊN TẬP

  • Từ khóa
91980

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu