Thứ 2, 20/05/2024 08:39:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 09:57, 23/02/2012 GMT+7

Bất cập trong khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng

Thứ 5, 23/02/2012 | 09:57:00 279 lượt xem

Thực hiện Quyết định kiểm tra số 2023/QĐ-UBND ngày 6-9-2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc kiểm tra an toàn lao động trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương đã thành lập đoàn kiểm tra 30/41 mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh. Từ đây, nhiều vấn đề bất cập đã được phát hiện...

TỪ KẾT QUẢ KIỂM TRA

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 19 doanh nghiệp thuê dịch vụ nổ mìn của chi nhánh thuộc Tổng công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ VINACOMIN tại Bình Dương ở 23 mỏ. Doanh nghiệp chỉ tham gia giám sát số lượng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), cảnh giới, giám sát kết quả khoan, nạp, nổ mìn. Chỉ có 5 doanh nghiệp tự tổ chức thi công nổ mìn để khai thác đá ở 6 mỏ. Nhìn chung, tất cả các đơn vị đã thực hiện khai thác và chế biến khoáng sản theo đúng nội dung giấy phép UBND tỉnh cấp. Việc khai thác thực hiện tương đối đầy đủ theo đề án thiết kế khai thác mỏ. Doanh nghiệp cũng đã lập đầy đủ bản cam kết về giám sát môi trường, tuy nhiên, hầu hết chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường trong năm qua.

Điểm khai thác đá của Doanh nghiệp Đức Phú (Gia Lai) tại thôn 2, xã Đoàn Kết (Bù Đăng)

Qua kiểm tra đoàn nhận thấy, tất cả các đơn vị đều thành lập hệ thống tổ chức thực hiện có đủ thành phần cơ cấu theo quy định; có văn bản bổ nhiệm chỉ huy nổ mìn, thành lập đội ngũ công nhân liên quan trực tiếp đến VLNCN (thợ mìn, kiểm tra số lượng VLNCN, bảo vệ,...) đáp ứng được nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định. Nhiều doanh nghiệp cũng đã lập hộ chiếu khoan nổ mìn, biên bản nghiệm thu và kết quả nạp mìn, biên bản kết quả nổ mìn... theo đúng quy định, không để xảy ra thất thoát VLNCN trong quá trình vận chuyển cũng như thi công; hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản thực hiện tương đối an toàn, không để trường hợp tai nạn lao động nghiêm trọng nào xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa ghi đầy đủ nội dung hộ chiếu khoan nổ mìn, còn thiếu biên bản nghiệm thu lỗ khoan và nạp mìn; công nhân của một số doanh nghiệp tham gia giám sát kết quả thi công nổ mìn chưa qua sát hạch và cấp thẻ an toàn về VLNCN.

Khi kiểm tra, các doanh nghiệp thực hiện việc ký quỹ phục hồi môi trường chỉ mới đạt 33%. Qua yêu cầu của đoàn kiểm tra, các doanh nghiệp đã khắc phục xong. Nhưng việc điều hành hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản chưa đáp ứng theo quy định pháp luật. Đặc biệt, các chủ mỏ đa số chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa như: Tập huấn định kỳ cho người lao động, cấp thẻ an toàn cho người lao động, trang bị bảo hộ lao động, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Việc thực hiện các biện pháp an toàn về điện và thiết bị, máy móc, hầu hết các doanh nghiệp chưa chú trọng thực hiện. Vì vậy, việc thực hiện chỉ đạt 23%; lập và niêm yết biển báo an toàn về điện thực hiện đạt 65%; hệ thống dây dẫn điện trong dây chuyền sản xuất đảm bảo an toàn theo quy phạm trang bị điện; hệ thống nối đất các thiết bị điện để chống tai nạn điện giật; biển báo nguy hiểm và rào che chắn moong mỏ (hầm mỏ) tại các mỏ khai thác; độ dốc sườn tầng khai của moong mỏ chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn trong khai thác; sau khi nổ mìn xong có đá treo tại mỏ không đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác mà không xử lý...

GIẢI PHÁP KHAI THÁC MỎ AN TOÀN

Đoàn kiểm tra nhận thấy việc thi công nổ mìn mà không có giấy đăng ký sử dụng VLNCN là do hầu hết các doanh nghiệp không biết các quy định pháp luật để làm thủ tục đăng ký. Các doanh nghiệp chưa quan tâm thực hiện các biện pháp phòng ngừa sự cố về an toàn trong sản xuất công nghiệp cho người lao động. Nguyên nhân chính là do quy mô tổ chức của doanh nghiệp tương đối nhỏ và lao động làm việc trực tiếp với thiết bị, máy móc rất ít. Không có cán bộ chuyên trách quản lý an toàn công nghiệp và trình độ, nghiệp vụ của người làm công tác an toàn chưa đáp ứng yêu cầu; công tác tập huấn an toàn công nghiệp chưa được tổ chức thường xuyên. Ngoài ra, các chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ mối đe dọa nguy hiểm về sức khỏe, tính mạng người lao động và tài sản khi xảy ra sự cố về điện. Các doanh nghiệp thực hiện chưa tốt về giám sát môi trường một phần là không chủ động trong việc liên hệ với các đơn vị có chức năng để đo đạc về chỉ số ảnh hưởng môi trường trong hoạt động khai thác.

Từ kết quả kiểm tra và trên cơ sở phân tích, đánh giá mặt tích cực và tồn tại, ông Nguyễn Xu, Trưởng phòng thanh tra Sở công thương, thành viên đoàn kiểm tra, cho biết: “Sở Công thương cần yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký và tổ chức tập huấn, sát hạch và cấp thẻ an toàn đối với người lao động làm việc liên quan trực tiếp với điện trong các đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Sở Công thương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp các quy định về sử dụng VLNCN trong hoạt động khai thác khoáng sản. Đề nghị UBND tỉnh giao Sở Công thương tổ chức giám sát kết quả khắc phục các vi phạm của các doanh nghiệp; tiến hành phúc tra và tham mưu xử lý đối với các trường hợp còn cố tình vi phạm”.

Nếu những kiến nghị được thực hiện sớm và tuân thủ đúng nội dung thì việc khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh mới có thể đi vào nề nếp, thu được kết quả khả quan, tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
91956

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu