Thứ 2, 20/05/2024 05:49:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 00:00, 19/12/2011 GMT+7

Xâm nhập đường dây đánh bạc xuyên quốc gia

Thứ 2, 19/12/2011 | 00:00:00 1,760 lượt xem

Bài 1: CHỢ BẠC GIỮA RỪNG

Chúng tôi nhập vai “dân chơi” từ TP. Hồ Chí Minh hòa vào dòng xe đưa rước con bạc sang các casino ở Campuchia, khu vực giáp biên với Bình Phước, thuộc tỉnh Kratíe. Sau nhiều ngày, chúng tôi quyết định ghi hình ngay trong các sòng bạc - điều cấm kỵ tuyệt đối tại đây. Từ hai cửa khẩu Hoa Lư và Tà Vát, chúng tôi điều tra theo đường dây “buôn bác thằng bần” xuyên quốc gia mang tên Trường - Thảo. Một hệ thống phục vụ cho các sòng bạc của người Việt được tổ chức chặt chẽ ở Việt Nam và cả bên Campuchia. Phía sau đó, có sự tiếp tay của cơ quan chức năng nơi cửa khẩu. 

Sau nhiều chuyến vào vai con bạc nướng tiền nhằm kiểm tra thực tế hệ thống an ninh của các sòng bạc và hệ thống tai mắt trợ giúp cho lực lượng biên phòng, hải quan ở cửa khẩu, chúng tôi đã tìm ra cách quay video ngay trong sòng bạc và nơi làm thủ tục qua cửa khẩu của cả hai bên biên giới cũng như các mánh lới, cách “làm luật” của “cai sòng”. Những thiết bị hiện đại nhất đã giúp chúng tôi lọt qua cổng an ninh như kiểm tra tại sân bay hay hội nghị cấp cao, qua mắt được hệ thống máy quay hồng ngoại giăng kín trong các sòng bạc ở giữa rừng và cũng được quản lý theo “luật rừng”.

NHỮNG BÃI ĐẬU XE GIỮA RỪNG Ở TÀ VÁT

Lộc Thịnh, Lộc Thành là hai xã nghèo của huyện Lộc Ninh. Nơi đây dân cư thưa thớt, có đông đồng bào dân tộc Xêtiêng, Khơme sinh sống. Khu vực Tà Thiết thuộc xã Lộc Thịnh vắng vẻ, tháng đôi ba lần có đoàn khách tới tham quan khu di tích lịch sử Bộ chỉ huy Miền. Giữa năm 2011, cửa khẩu Tà Vát được đổi tên thành cửa khẩu Lộc Thịnh và nâng cấp từ cửa khẩu phụ lên cửa khẩu chính. Dù đã được đổi tên nhưng người dân vẫn quen gọi tên cũ Tà Vát từ khi có đường mòn qua lại giữa hai nước đến nay.

Bên kia cửa khẩu Tà Vát là cửa khẩu Tôn Lê Chàm của Vương quốc Campuchia, nằm trên địa bàn xã Karavien, huyện Mimot, tỉnh Kongpongcham. Karavien và Mimot là xã nghèo thuộc huyện nghèo của tỉnh Kongpongcham, phần lớn người dân làm rẫy và đi trên những con đường đất đỏ. Giao thương kinh tế - văn hóa Việt Nam - Campuchia qua tỉnh Kongpongcham chủ yếu diễn ra tại các cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát thuộc tỉnh Tây Ninh. Hoạt động ngoại giao cấp tỉnh của Kongpongcham cũng ưu tiên tập trung với tỉnh Tây Ninh. Ngoại giao cấp tỉnh với Bình Phước, được ưu tiên tập trung là Kratíe - tỉnh có đường biên dài nhất với Bình Phước. Vì thế, cặp cửa khẩu Tà Vát (Lộc Thịnh) - Tôn Lê Chàm, dù được nâng cấp lên cửa khẩu chính, nhưng sự thông thương kinh tế, văn hóa hiện vẫn chỉ dừng ở “cấp xã” và rất hạn chế.

Bức tranh hai bên giáp biên như vậy, nhưng đến Tà Vát trong “giờ cao điểm”, khó có thể nghĩ đây là vùng rừng sâu đất đỏ của những người nghèo. Khoảng 10 giờ, từ ngã ba Đồng Tâm trên QL 13, ôtô bắt đầu cắn đuôi nhau vào cửa khẩu. Cứ dồn dập mỗi lúc một dày thêm. Cao điểm, bắt đầu từ 11 giờ đến 12 giờ 30, chúng tôi đi bộ trên con đường vào cửa khẩu Tà Vát cùng đồng bào Khơme sau buổi làm sáng. Chị Lâm Thị Sang, 41 tuổi, đeo chiếc gùi trên lưng, nhăn nhó nói lơ lớ: “Ngày nào cũng thế. Đến giờ này không dám sang đường. Nhiều xe lắm. Sợ gãy chân không đi rẫy được nữa”. Chị có biết họ đi đâu không? - Chúng tôi hỏi. Ở đây chỉ có sòng bạc thôi, chẳng có gì nữa! Họ sang đánh bạc đó!

Xem Clip

Từ ngã ba Đồng Tâm vào cửa khẩu Tà Vát gần 20km, trong đó một nửa đường nhựa, một nửa đất đỏ. Giờ cao điểm, xe chạy ào ào khiến bụi tung mù mịt. Những chiếc xe 4 chỗ, 7 chỗ, 16 chỗ, thậm chí có xe 24 chỗ. Cũ mới đều có nhưng hầu hết là xe đẹp, mới. Biển số Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn, Đắk Nông... Xe chuyên vận chuyển khách sang trọng, xe đã tàn chạy thời vụ, taxi chạy chuyến, xe chạy theo “mùa bạc” (mùa khô, mùa thu hoạch, lễ, tết...)... Từng tốp ào vào cửa khẩu, đổ khách xuống rồi quay ra đậu quanh đó. Hàng trăm chiếc xe luồn vào những vạt rừng, vừa mát, vừa yên tĩnh.

Ngay sau lưng trạm kiểm soát làm thủ tục qua cửa khẩu Tà Vát của bộ đội biên phòng là bãi đậu xe vài chục chiếc. Cách đó chừng 200m, phía bên phải từ cửa khẩu ngược ra là một bãi đất trống được san ủi bằng phẳng, bên ngoài được che chắn bởi những lùm cây dại, có đường vào vòng vèo, có người hướng dẫn đậu xe theo hàng lối... Gần trăm xe đậu thành hàng, rất trật tự.

CHƠI BẠC BẰNG TIỀN VIỆT Ở ĐẤT CAMPUCHIA

Trên chiếc xe từ Phước Long sang, chúng tôi hòa vào dòng tay chơi qua cửa khẩu và vào các sòng bạc dễ dàng như đi qua cổng chợ mà không cần bất cứ một thứ giấy tờ gì.

Tại xã Karavien, cách đường biên hai nước khoảng 500m có 3 sòng bạc thành hình tam giác, mỗi sòng cách nhau vài trăm mét. Trước đây chỉ có hai sòng “nhà lá” và “nhà tôn”. “Nhà lá” gần đường biên nhất, cũ nhất, được dựng lên đầu tiên, bằng gỗ, lá cọ, rộng khoảng 1.000m2. “Nhà tôn” được dựng sau, khang trang hơn, có ghế ngồi cho các con bạc, có khu máy lạnh... Cả hai nơi này có đủ các hình thức đỏ đen: xì lat, poker, bầu cua tôm cá, sóc đĩa, lắc xí ngầu, tài xỉu, dragon (rồng) và tiger (cọp)... thỏa mãn tất cả các nhu cầu của “thượng đế” thích đỏ đen.

Đặc biệt, hai “nhà lá” và “nhà tôn” có hai trường gà, hoạt động theo ngày: thứ 2, 4, 6 và 3, 5, 7 mỗi sòng một ngày, riêng chủ nhật cả hai sòng đều tổ chức. Tổ chức đá gà là “Trường gà Sơn Hà”, được in đậm trên bộ áo đồng phục của các “biện gà” - người thông báo kèo và chấp tiền.

Một điều khá thú vị và bất ngờ với những kẻ ngoại đạo như chúng tôi: Trường gà hình lòng chảo, mái tôn (nên được gọi là “nhà tôn”) có hàng trăm người bu quanh một khoảnh đất chừng 60m2, luôn ầm ầm như sân bóng vừa tan trận, không nghe rõ ai nói gì. “Xanh mười ăn tám”, “đỏ chín ăn mười”... ồn ào khủng khiếp, nhưng từng xấp tiền cả chục triệu, vài chục triệu được đặt cho các “biện gà” không một mảnh giấy ghi chép, song tuyệt đối không nhầm lẫn, cãi cọ. Ai muốn đánh bao nhiêu, bắt “xanh” hay “đỏ” (màu dây buộc vào chân gà để làm dấu) tùy thích bàn tán, quyết định. Xung quanh trường gà là hàng chục lồng gà che kín với các “chiến kê” ở trong.

“Nhà mới” là sòng mới đưa vào sử dụng đầu tháng 10-2011, mang tên “TAVAT CASINO”. Đây là sòng hiện đại nhất trong ba sòng ở xã Karavien, được trang bị những thiết bị an ninh hiện đại nhất. Đây cũng là “cửa”, khó khăn nhất khi chúng tôi quyết định quay camera.

Ngay sảnh casino là những vệ sỹ to cao, da ngăm đen mặc đồng phục có những hàng chữ Campuchia đứng canh với bộ đàm trên tay, tai nghe đeo trên tai, dùi cui đeo bên hông. Qua sảnh là một gian để “chỉnh đốn trang phục” nhằm nhắc nhở những ai mặc quần áo, đem giỏ đồ “khả nghi”. Điểm đặc biệt tại các casino ở cả Tà Vát và Hoa Lư là không cho đội nón trên đầu, không đeo kính tối màu và “kỵ” với quần áo nhìn giống như quân phục của công an, bộ đội Việt Nam! Thì ra, các chủ casino sợ ảnh hưởng đến tâm lý các thượng đế!

VÀO “HANG CỌP”

Trước khi quyết định ghi hình, chúng tôi tìm hiểu kỹ và nhận được rất nhiều thông tin cảnh báo sẽ bị “xử” như thế nào nếu bị phát hiện. “Đã có không ít con bạc chỉ vì thiếu nợ vài triệu đồng, vài chục triệu đồng bị cắt tai, chặt tay, chặt chân. Điều này ông biết rồi. Xâm phạm hệ thống an ninh của các sòng bạc, ông sẽ bị xử lý như thế nào chắc cũng biết chứ? Trong đó chưa có ai dám dùng điện thoại chụp hình, đừng nói đến quay bằng camera...” - đó là lời cảnh báo của một “anh chị” từng ăn nằm trong các sòng bài ở bên kia Tà Vát và Hoa Lư với chúng tôi. Dù vậy, chúng tôi vẫn rất yên tâm với kế hoạch của mình vì đã có những người bảo vệ đặc biệt với lời bảo đảm “cực kỳ an toàn”! 

Sau vài ngày đầu “nướng” vào các sòng mất gần 5 triệu đồng, chúng tôi - những kẻ lạ mặt dường như đã được “sát hạch” nên ít bị để ý hơn và bắt đầu tự tin với kế hoạch quay phim ngay tại nơi “cấm quay phim, chụp hình” hoặc “No picture”!

Qua được các cửa kiểm tra, ở trong sòng bạc, việc đầu tiên và cũng là giây phút hồi hộp nhất là khi khởi động các thiết bị điện tử. Bởi đó là thời điểm cho thấy thiết bị ấy có bị phát hiện bởi cổng an ninh đặt ngoài cửa và các máy quay hồng ngoại giăng kín hay không. Một, hai, ba... đếm theo nhịp tim đập nghe rõ mồn một trong căn phòng rộng khoảng 1.500m2 và ồn ào như trong rạp chiếu phim vừa kết thúc. Năm chín, sáu mươi... hết một phút, chúng tôi bắt đầu thở ra nhẹ nhàng hơn khi mọi thứ vẫn an toàn và trong tầm kiểm soát. 

Những thước phim ghi ngay trong hang ổ của các sòng bạc và nơi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Tà Vát, cửa khẩu Hoa Lư đã được chúng tôi bắt đầu như vậy.

Trước khi vào trong sòng bài, các “thượng đế” phải đi qua cổng an ninh như tại các sân bay, không để lọt bất cứ vũ khí, hung khí, phương tiện quay phim chụp hình. Qua khỏi cổng an ninh là “một thế giới” khác hẳn với vẻ bề ngoài hoang vắng và nghèo khó. Nhân viên người Campuchia mặc veston, ghile rất sang trọng, gồm cả nhân viên an ninh và “chia bài” - người sóc xúc xắc hoặc chia bài tây... Mỗi bàn đều có một cô gái hoặc chàng trai trẻ luôn nở nụ cười trên môi phụ trách và làm người “chia bài”. Các bàn có ngăn đựng tiền theo mệnh giá như ở ngân hàng. Ngay trên đầu mỗi bàn có một camera riêng, ghi hình phát trực tiếp, mỗi khu vực có camera riêng, camera kiểm soát toàn bộ sòng bài... Trong sòng có quầy lễ tân phục vụ thức ăn, nước uống miễn phí.

Từng xấp tiền 500, 200, 100 ngàn đồng đặt cửa. Mỗi khi đặt tiền, nhân viên “chia bài” lấy tấm thẻ nhựa chặn tiền cho chắc chắn. Sau khoảng 15 giây không có ai đặt tiền thêm, nhân viên “chia bài” bấm chuông và nói “chia bài” với giọng lơ lớ của người Campuchia. Khi cụm từ “chia bài” được phát ra, nhà cái không nhận tiền đặt nữa và bắt đầu chia bài hoặc lắc xúc xắc, sóc chẵn lẻ... Tiền đặt, tiền chung rất rõ ràng, đếm từng tờ, hầu như không nhầm lẫn.

Trước khi vào cuộc điều tra, chúng tôi lo xa nên dành vài ngày củng cố... vốn tiếng Anh của mình và học vài từ tiếng Khơme để phòng thân. Ai dè, tại sòng bạc trên đất Campuchia nhưng toàn bộ là tiền Việt Nam, người chơi cũng là người Việt Nam, nói tiếng Việt, tuyệt nhiên không thấy người Campuchia chơi. Theo quan sát của chúng tôi, khách chơi bạc phần nhiều là... phụ nữ. Nhiều con bạc với dây chuyền vàng đeo muốn “gãy cổ”, trang phục, dáng vẻ như “đại gia” cầm trên tay từng cọc tiền 500 ngàn đồng. Cũng có nhiều con bạc là những người lao động nghèo với áo quần luộm thuộm chơi bằng tiền mệnh giá 50 ngàn đồng. Có bà mẹ còn dắt theo con nhỏ, cho ngồi uống nước cả ngày hay chạy tung tăng trong sòng.

Trong TÀ VÁT CASINO, gần 4 giờ chiều, chúng tôi gặp lại một “bạn bạc” làm quen trên chuyến xe lúc trưa. Đó là một phụ nữ khoảng 50 tuổi, dáng vẻ lam lũ, làm rẫy ở xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập. Chúng tôi hỏi: Dì ăn hay thua rồi? “Thua rồi con ơi! Hôm trước ăn hai chục, hôm qua thua ba chục, hôm nay thua bốn chục. Tháng này mất 8 chục (triệu) rồi!”. Thua vậy sao dì không nghỉ đi, ở nhà lo rẫy bái, con cháu cho khỏe? “Lỡ mang cái nghiệp vào thân rồi. Không đi không chịu được. Đành mặc cho số phận thôi con à!”.

Trong số hàng trăm gương mặt, âm thanh ghi nhận, hình ảnh và giọng nói của người phụ nữ ấy đã đeo đẳng chúng tôi suốt quá trình điều tra, khiến chúng tôi quyết tâm hơn thực hiện bằng được kế hoạch đã đặt ra!

>> Bài 2: Cai sòng là ai và ai tiếp tay cho phạm pháp?

Nhóm PV

  • Từ khóa
91926

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu