Thứ 2, 20/05/2024 06:26:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 00:00, 18/11/2011 GMT+7

Từ việc người dân đóng góp sửa đường, nghĩ về việc huy động sức dân

Thứ 6, 18/11/2011 | 00:00:00 234 lượt xem

“Con đường đau khổ” là nhận định không của riêng ai mỗi khi đi từ quốc lộ 14 vào thôn 2, 3, 8, xã Nghĩa Trung (Bù Đăng). Trong mùa mưa, mặt đường là lớp bùn dày, đoạn thì trơn trượt, đoạn đầy rẫy những rãnh sâu và đặc biệt là những đoạn dốc khiến xe có tải trọng liên tục bị “úp”… Nặng lòng với con đường, một người thôn trưởng nhiệt huyết đã đứng ra vận động đóng góp để sửa chữa.

ĐƯỜNG CHUNG... KHÔNG AI BẢO QUẢN

Con đường liên thôn từ cây số 21 quốc lộ 14 đến địa phận xã Thống Nhất (Bù Đăng), nằm giáp ranh giữa xã Đồng Tâm (Đồng Phú) và xã Nghĩa Trung (Bù Đăng) là một trong những tuyến đường huyết mạch của 2 xã và toàn vùng. Từ nhiều năm nay con đường cấp phối này đã xuống cấp nghiêm trọng, người tham gia giao thông và những hộ dân sống gần đường luôn phải chịu cảnh “nắng bụi, mưa lầy”. Có lẽ do con đường nằm ở ranh giới hai huyện nên không được bên nào quan tâm.

Anh Đinh Quang Súy giám sát thi công đoạn đường Lâm trường Nghĩa Trung

Tính từ cây số 21 đi vào thôn 2, 3 và 8, xã Nghĩa Trung chỉ dài hơn 15km nhưng có tới hàng chục đoạn bùn lầy, rãnh sâu. Khi mưa xuống, người dân ở khu vực này sống biệt lập với bên ngoài vì các phương tiện giao thông không thể lưu thông được, đặc biệt là 2 đoạn dốc mà người dân thường gọi là dốc Lâm trường Nghĩa Trung ở thôn 2 và dốc Chùa thuộc thôn 3... Chị Đặng Thị Long (đội 2, thôn 2) bức xúc nói: Người dân ở đây rất vất vả, nắng thì bụi mù, ngày mưa thì xe lật, người té, tai nạn luôn rình rập khi đi qua đoạn đường này. Mặc dù chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng con đường này vẫn không được quan tâm khắc phục, sửa chữa.

Ông Trần Văn Tuân, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung, cho biết: Sở dĩ đoạn đường này bị hư hại nặng là do trên địa bàn hai xã có đất sản xuất của các công ty, doanh nghiệp nên thường xuyên có xe tải trọng lớn chở sản phẩm, vật tư lưu thông. Nhất là từ khi có các dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cây cao su thuộc các tiểu khu của Nông lâm trường: Đồng Xoài, Phú Trung. Do nguồn kinh phí phân bổ hạn hẹp, UBND xã đã gửi công văn kêu gọi sự đầu tư từ các doanh nghiệp, công ty, các nông trường cao su trên địa bàn, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.

TỰ CỨU CON ĐƯỜNG

Anh Đinh Quang Súy, Trưởng thôn 8, xã Nghĩa Trung, là đại biểu HĐND xã đã kiến nghị bằng văn bản với các cấp khắc phục, sửa chữa con đường này nhiều lần qua các kỳ họp HĐND xã. Anh Súy cho biết: “Hai thôn 5 và 8 có số dân chiếm 1/3 dân số toàn xã và nằm cách xa trung tâm hành chính, chợ, trường học. Muốn vào các thôn phải đi qua con đường này, nhưng đường đã xuống cấp, gây rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, nhất là trẻ em đi học. Là đại biểu HĐND xã tôi đã hơn 6 lần kiến nghị với chính quyền, nhưng do kinh phí duy tu, bảo dưỡng phân bổ cho xã còn hạn hẹp nên chưa có kế hoạch sửa chữa”.

Do vậy, anh đã đi vận động các đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ kinh phí trong thôn 5 và 8, lập kế hoạch xin phép UBND xã được sửa chữa đoạn dốc Nông trường Nghĩa Trung (khoảng 400m) thuộc thôn 2. Sau khi được sự cho phép của UBND xã (ngày 21-10), anh Súy lại lặn lội tìm phương tiện cơ giới cho việc thi công sửa chữa. Ngày 1-11, các phương tiện đã được huy động đủ để tiến hành tu sửa. Anh Mai Văn Tá (đội 2, thôn 2) có nhà ở gần dốc lâm trường nói: “Khi thấy các phương tiện tiến hành thi công đoạn dốc này, tôi biết anh Súy vận động, nên cùng tham gia”. Anh Tá còn chịu trách nhiệm giám sát, chỉ huy máy san, múc, làm đường. Trong quá trình thi công đoạn dốc, trước sự đồng lòng của đơn vị tài trợ, người dân... anh Súy mạnh dạn xin chính quyền cho thi công luôn đoạn đường này (gần 10km từ dốc lâm trường đến hết thôn 5 và một số đoạn hư vào thôn 8), nhưng UBND xã Phú Trung yêu cầu làm theo kế hoạch ban đầu.

SỰ ĐỒNG LÒNG CỦA DÂN

Khi anh Súy vận động để sửa chữa đoạn dốc, người dân trong thôn rất phấn khởi. Anh Hoàng Lộc Sinh (ấp 3, xã Đồng Tâm, Đồng Phú) đã không ngần ngại hiến đất để làm mương thoát nước chống sạt lở tại đoạn dốc này và nói: “Con dốc được sửa và bảo vệ tốt là trách nhiệm của người dân 2 xã. Chúng tôi rất biết ơn anh Súy”. Được biết, để hoàn thiện tiếp 10 km đường này, kinh phí khoảng 60 đến 70 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Tuân nói: UBND xã hoàn toàn ủng hộ việc làm của anh Súy cũng như triển khai sửa chữa trên toàn tuyến (10km) này. Tuy nhiên, anh Súy cần lập kế hoạch cụ thể về việc huy động, hỗ trợ vốn và việc thi công để UBND xã xem xét. Mặt khác, tuyến đường này không thuộc sự quản lý của xã. Vì vậy, vấn đề ở đây cũng có thể là sự “hiểu lầm” giữa chính quyền với anh Súy và các đơn vị, doanh nghiệp trong việc đóng góp kinh phí. Chúng tôi sẽ tháo gỡ vướng mắc này để việc thi công đạt hiệu quả.

Hiện nay, xã Nghĩa Trung quản lý khoảng 20km đường giao thông nông thôn, chủ yếu là đường cấp phối, chỉ mới có 2km đường trải nhựa ở thôn 2 phải đi từ hướng xã Nghĩa Bình vào. Có được con đường để đi lại thuận lợi là mơ ước từ lâu của người dân hai xã. Hy vọng, với sự đồng sức, đồng lòng từ các cấp chính quyền, sự nhiệt tình ủng hộ từ các mạnh thường quân cũng như ý thức của mỗi người dân, điều đó sẽ sớm trở thành hiện thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã.

T.Mảng - T. Thủy

  • Từ khóa
91904

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu