Thứ 2, 20/05/2024 11:24:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 00:00, 27/10/2011 GMT+7

Đồ gỗ mỹ nghệ và gia dụng của tỉnh: Cần đào tạo nhân lực, phát triển làng nghề

Thứ 5, 27/10/2011 | 00:00:00 857 lượt xem

Bình Phước là tỉnh có trữ lượng gỗ lớn nên có nhiều lợi thế để phát triển nghề gỗ mỹ nghệ và gia dụng. Nhưng trên thực tế, nghề này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và chỉ ở mức tự phát, manh mún. Giải pháp cốt lõi để phát triển ngành nghề này chính là đào tạo nhân lực có tay nghề, phát triển làng nghề và chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất.

PHÁT TRIỂN CHƯA TƯƠNG XỨNG VỚI TIỀM NĂNG

Tỉnh Bình Phước ngoài trữ lượng gỗ rừng tự nhiên, còn có nhiều khu rừng trồng để lấy gỗ như keo, bạch đàn, xà cừ, giá tỵ, đồng thời là vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm như điều, cao su, mít nên có năng lực cung cấp một lượng gỗ khi đến thời gian thanh lý...

Anh Trần Công Hiệp đang trổ tài tạc tượng

Tiềm lực dồi dào nhưng các cơ sở nghề gỗ mỹ nghệ và gia dụng của tỉnh phát triển chưa tương xứng, chỉ mang tính tự phát, chưa có định hướng phát triển rõ ràng và lâu dài. Mặt khác, các cơ sở này còn sử dụng công nghệ lạc hậu nên khả năng cạnh tranh thấp, chưa có thị trường tiềm năng; việc xúc tiến thương mại, đăng ký thương hiệu chưa được thực hiện.

Anh Trần Công Hiệp, chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Công Hiệp, xã Phước Thiện (Bù Đốp), cho rằng: Bình Phước có nhiều tiềm năng để phát triển đồ gỗ mỹ nghệ và gia dụng vì có một khối lượng lớn gỗ tận thu, gỗ cây công nghiệp... Tôi tiếc khi nhìn những xe tải chất đầy gỗ chở về Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai để chế biến; trong khi tỉnh lại có quá ít cơ sở, xí nghiệp gỗ biết tận thu từ nguồn gỗ quý này. “Các loại gốc, rễ cây được cày xới từ những cánh rừng, khu vườn được thanh lý, nếu biết cách tận dụng có thể tạo ra những sản phẩm nghệ thuật cao như bộ bàn ghế, những bức tượng hoặc những con thú thay vì chúng ta dùng làm củi hoặc đốt đi” - anh Hiệp nói.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới vào sản xuất và tận dụng được nguồn nguyên liệu gỗ tận thu từ cây cao su, điều, cà phê, các gốc, rễ cây trồng khác như: Công ty TNHH Đồng Phú, DNTN Nguyễn Gia, cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Công Hiệp... nhưng những cơ sở như thế trên địa bàn tỉnh không nhiều. Trong khi đó, một tỉnh như Bình Định không thuận lợi về nguồn nguyên liệu gỗ tận thu lại có nhiều công ty, xí nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ mỹ nghệ và gia dụng lớn, là 1 trong 4 trung tâm gỗ lớn nhất nước.

THIẾU LAO ĐỘNG CÓ TAY NGHỀ

Một trong những nguyên nhân làm cho nghề sản xuất, chế biến đồ gỗ mỹ nghệ và gia dụng của tỉnh phát triển chậm là do thiếu lao động có chuyên môn và tay nghề trong lĩnh vực này. Anh Trần Công Hiệp cho biết thêm: “Nghề gỗ mỹ nghệ đòi hỏi người lao động phải có tay nghề mộc cao, được đào tạo, cộng với sự cần cù, sáng tạo, tỉ mỉ thì mới tạo ra được những sản phẩm tinh xảo. Do vậy, nguồn lao động luôn là vấn đề bức xúc của các cơ sở hiện nay. Hầu hết các cơ sở đều nhận lao động vào để vừa học vừa làm nên năng suất không cao. Mặt khác, nghề đồ gỗ mỹ nghệ và gia dụng ở Bình Phước mới bắt đầu phát triển nên việc hình thành các làng nghề, khu vực truyền thống về nghề chưa có. Lao động có tay nghề, chuyên môn cao trong lĩnh vực này rất hiếm, chủ yếu các thợ lành nghề từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào làm là chính”. Lúc đầu, cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ của anh Hiệp cũng gặp nhiều khó khăn về nhân công, nhưng bằng hình thức nhận thợ chưa có tay nghề và chấp nhận đào tạo họ tại cơ sở, chỉ sau 2 - 3 năm, cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ của anh đã có gần 10 nhân công lành nghề, có chuyên môn cao.

Bù Đốp là một trong những huyện có cơ sở chế biến đồ gỗ mỹ nghệ và gia dụng nhiều nhất tỉnh (khoảng 20 - 30 cơ sở), nhưng hầu hết các cơ sở đều thiếu thợ giỏi, vì thế chất lượng cũng như mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm làm ra còn đơn điệu. Chị Vũ Thị Thanh Bình, chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Minh Tuấn (Bù Đốp), cho biết: “Nghề mộc cao cấp đòi hỏi nghệ nhân phải có khiếu mỹ thuật và thẩm mỹ. Đối với những sản phẩm điêu khắc có tính tạo hình cao đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, chính xác đến từng centimét thì những thợ yếu tay nghề hoặc chưa có kinh nghiệm không thể đáp ứng được. Đây chính là cái khó không riêng gì với cơ sở của tôi, vì những người thợ như thế ở Bình Phước chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP?

Ông Lê Văn Mãi, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, nếu đẩy mạnh phát triển nghề gỗ mỹ nghệ và gia dụng trên địa bàn tỉnh sẽ tạo được việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương và tăng nguồn thu ngân sách từ ngành nghề thủ công này. Muốn vậy, cần phải truyền nghề và “cấy nghề” tại một số vùng nông thôn có tiềm năng; đồng thời khuyến khích sự phát triển của các địa bàn có nghề hiện hữu và định hướng xây dựng một số làng nghề gỗ mỹ nghệ, gia dụng điểm để quy hoạch phát triển cho tỉnh. Tỉnh cần nghiên cứu và triển khai các giải pháp phát triển nghề này như: Vốn đầu tư; vùng nguyên liệu; phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng sản phẩm, kỹ thuật ứng dụng khoa học - công nghệ; giải pháp marketing xây dựng thương hiệu, phát triển làng nghề; giải pháp sử dụng năng lượng, sản xuất sạch hơn trong nghề gỗ mỹ nghệ, gia dụng để bảo vệ môi trường.

Từ thực trạng nghề gỗ mỹ nghệ và gia dụng trên cho thấy, cần có định hướng chiến lược lâu dài và ổn định để phát triển, vì đa số các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ hiện nay đều thiếu vốn để hoạt động, đầu tư thiết bị đổi mới công nghệ, đầu tư công nghệ xử lý môi trường... Ngoài ra, tỉnh cần thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, mặt bằng sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật các điểm công nghiệp thuộc làng nghề; mở rộng thêm thị trường mới thông qua chương trình xúc tiến thương mại, tham dự hội chợ triển lãm, quảng bá các sản phẩm trên website... Đồng thời, tổ chức các hoạt động tham quan, học hỏi, khảo sát, nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất liên kết, liên doanh. Ngành lao động phải tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo nghề nâng cao, nhằm thu hút lực lượng những người có tay nghề đưa vào các cơ sở đang thiếu lao động hiện nay.

Hà Giang

  • Từ khóa
91888

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu