Thứ 2, 20/05/2024 11:37:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 00:00, 23/10/2011 GMT+7

Từ một vụ tranh chấp dân sự nghĩ về cái tâm, cái tầm của người “cầm cân nảy mực”

Chủ nhật, 23/10/2011 | 00:00:00 259 lượt xem

L.T.S: Báo Bình Phước số 1626, ra ngày 9-6-2010 có đăng bài “Xung quanh đơn khiếu nại của bà Trần Thị Tuyết Mai ở xã Phú Văn (Bù Gia Mập). Nội dung bài báo phản ánh về vụ tranh chấp hợp đồng thuê khoán giữa bà Mai và Nông trường 26/6 - đơn vị kinh tế của Văn phòng Tỉnh ủy Tiền Giang). Theo hồ sơ vụ án, nội dung của vụ tranh chấp này là phía nông trường muốn nâng giá cho thuê khoán từ 3 chỉ vàng/ha/năm lên 7 chỉ/ha/năm. Bà Mai không đồng ý. Nông trường viện cớ bên nhận khoán vi phạm kỹ thuật khai thác mủ để khởi kiện ra tòa nhằm hủy bỏ hợp đồng giao khoán. Ngày 20-8-2010, Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập đã mở phiên tòa dân sự sơ thẩm để giải quyết vụ việc. Kết quả, bà Mai kháng án và ngày 27-9-2011, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa dân sự phúc thẩm để giải quyết theo đơn của phía bị đơn trong vụ kiện.

BẢN ÁN SƠ THẨM KHÔNG CÓ CƠ SỞ PHÁP LÝ

Văn phòng tỉnh ủy Tiền Giang ủy quyền cho lãnh đạo nông trường 26/6 khởi kiện bà Trần Thị Tuyết Mai lên tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập vì: “Trong quá trình nhận khoán, bà Mai đã khai thác cao su sai kỹ thuật và hao dăm ảnh hưởng đến sản lượng mủ. Bà Mai đã không thực hiện thỏa thuận điều chỉnh tăng giá thuê khoán”. Từ những lý do này, lãnh đạo nông trường 26/6 đề nghị tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập tuyên hủy bỏ các hợp đồng mà họ đã ký với bà Mai. Ngoài ra, phía nông trường còn yêu cầu bà Mai bồi thường 10,354 lượng vàng, tính đến thời điểm ngày 30-4-2010.

Bà Mai trình bày với phóng viên Báo Bình Phước về vụ kiện

Ngày 20-8-2010, tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập đã mở phiên tòa dân sự sơ thẩm để giải quyết vụ “Tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản” do thẩm phán Nguyễn Trọng Đại chủ tọa. Tại phiên tòa, bà Mai đã phản đối việc lãnh đạo nông trường đưa ra những lý do thiếu thuyết phục để đòi chấm dứt hợp đồng thuê khoán. Luật sư Nguyễn Văn Khoát, văn phòng luật sư Thành Vinh (Đoàn luật sư Bình Phước), người đại diện cho bị đơn khẳng định tại phiên tòa: “Bà Mai không hề vi phạm hợp đồng. Số vàng đã ký bà Mai đều trả cho nông trường đúng định kỳ. Việc lãnh đạo nông trường quy kết cho bà Mai vi phạm hợp đồng là bịa đặt chỉ vì muốn tăng số lượng vàng cho thuê”. Tuy nhiên, hội đồng xét xử “nhận định”, các hợp đồng và các phụ lục hợp đồng giữa bà Mai và lãnh đạo nông trường 26/6 “đã xác lập giao dịch dân sự giả tạo là hợp đồng thuê khoán đất để trồng cây lâu năm nhằm che đậy mục đích thực hiện trên thực tế là thuê khoán vườn cây cao su để khai thác mủ cao su”. Hội đồng xét xử đã xét về lỗi vi phạm là do bà Mai nên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Văn phòng tỉnh ủy Tiền Giang đối với bị đơn Trần Thị Tuyết Mai. Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định, tuyên hủy các hợp đồng giao khoán đất giữa bà Mai và nông trường 26/6, buộc bà Mai phải trả lại các vườn cây cao su cho nông trường. Bà Mai phải có nghĩa vụ trả cho Văn phòng Tỉnh ủy Tiền Giang số vàng thuê khoán của các năm 2009- 2010, các chi phí thiệt hại và các loại phí gần 400 triệu đồng.

Với kết luận của phiên tòa sơ thẩm, bị đơn là người thiệt hại nặng nề. Bởi ngoài số công sức, tiền của đã đầu tư chăm sóc, bảo vệ kể từ khi nhận khoán để làm tăng giá trị vườn cây mà chưa được hưởng thành quả của mình... bà Mai phải bồi thường gần 400 triệu đồng cho những điều không hề có trong các bản hợp đồng thuê khoán.

ĐIỂM ĐẾN CỦA LẼ PHẢI

Bà Mai kể: “Khi nghe hội đồng xét xử ra quyết định, tôi gần như bị đột quỵ ngay tại phiên tòa. Bản thân tôi không sai, không vi phạm hợp đồng. Chỉ vì lãnh đạo nông trường muốn nâng giá cho thuê lên 7 chỉ vàng/năm mà khởi kiện tôi ra tòa. Sau nhiều năm, gia đình tôi đổ mồ hôi và công sức trên vườn cây để mong tới ngày hái quả nhưng họ tuyên án như thế thì chúng tôi coi như mất trắng. Ngày ký hợp đồng, giá vàng chỉ 477 ngàn đồng/chỉ (lúc mở phiên tòa sơ thẩm - pv) đã là 2,6 triệu đồng/chỉ, tăng gấp 5 lần. Đáng ra, lãnh đạo nông trường phải nghĩ và thương những người nhận khoán như chúng tôi để điều chỉnh giá thuê kịp thời khi nhận vườn cây non. Nay chuẩn bị thu hoạch, lại đội giá lên thành 7 chỉ vàng/ha thì công sức chúng tôi từ trước tới nay đã bị vứt xuống sông xuống biển. Do vậy, tôi đã làm đơn kháng án toàn bộ nội dung bản án của tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập”.

Ngày 27-9-2011, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa dân sự phúc thẩm để xét xử vụ tranh chấp nói trên theo đơn kháng án của bà Trần Thị Tuyết Mai, chủ tọa là thẩm phán Nguyễn Viết Hùng. Tại phiên tòa, Luật sư Hoàng Minh Quang, Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Minh (Đoàn luật sư Bình Phước), người đại diện cho bị đơn cho rằng: “Bà Mai không hề vi phạm hợp đồng, đề nghị hội đồng xét xử tuyên hủy bản án của cấp sơ thẩm, đình chỉ vụ án vì nguyên đơn không đủ điều kiện để khởi kiện bà Mai ra tòa”. Theo phân tích của luật sư Quang tại phần tranh luận thì Phụ lục hợp đồng bổ sung rằng: “Sau 5 năm, hai bên sẽ cùng bàn bạc điều chỉnh lại đơn giá hợp đồng”. Nhưng chưa được 4 năm từ khi ký phụ kiện hợp đồng, lãnh đạo nông trường đã “vội vàng” nâng giá là vi phạm hợp đồng. Thứ hai là hợp đồng giao khoán vườn cây, người nhận khoán có quyền thay đổi giống cây, loại cây để làm tăng năng suất miễn sao nộp đủ số vàng cho nông trường là được. Nay nông trường vin vào thứ không hề có trong hợp đồng là “vi phạm kỹ thuật khai thác mủ” để chấm dứt hợp đồng là vi phạm hợp đồng đã ký. Việc này không nằm ngoài ý đồ nâng giá cho thuê khoán của nông trường. Một điều nữa là khi nông trường ban hành bản quy trình kỹ thuật khai thác mủ cao su được lập ngày 1-10-2008, rồi 10 ngày sau vin vào đó để ép bà Mai phải ký lại hợp đồng khác với 7 chỉ vàng/ ha/ năm là vi phạm pháp luật. Khi không ép được bà Mai, thì khởi kiện ra tòa để chấm dứt hợp đồng là sai nguyên tắc trong giao dịch dân sự... Sau khi nghiên cứu tính chất của vụ việc, chứng cứ của hồ sơ vụ án, hồi đồng xét xử đã chấp nhận yêu cầu đề nghị kháng án của bà Trần Thị Tuyết Mai. Tuyên hủy bản án dân sự sơ thẩm của tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập, đồng thời hội đồng xét xử quyết định đình chỉ vụ án vì không đủ điều kiện khởi kiện của phía nguyên đơn.

Bà Mai cho biết: “Tôi như người chết sống lại sau khi tòa phúc thẩm tuyên án. Bởi, tự nhiên tôi trở thành bị đơn, rồi tòa sơ thẩm tuyên hủy hợp đồng và buộc tôi phải bồi thường gần 400 triệu đồng thì gia đình tôi sẽ sạt nghiệp. Và điều đọng lại sau vụ việc trên là cái tâm, cái tầm của những người thực thi pháp luật, những người được phép cầm cân nảy mực ở tòa án cấp huyện nói chung và tòa án Bù Gia Mập nói riêng. Và đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi vì sao thời gian gần đây, có quá nhiều phiên tòa sơ thẩm bị cấp phúc thẩm hủy hay yêu cầu xét xử lại hoặc bị sửa án.

Tấn Phong

  • Từ khóa
91884

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu