Thứ 2, 20/05/2024 14:37:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 00:00, 04/10/2011 GMT+7

Tình trạng bán điều non, cầm cố đất... đã có giải pháp ngăn chặn

Thứ 3, 04/10/2011 | 00:00:00 292 lượt xem

Tại cuộc họp sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 14/2010/CT-UBND, ngày 15-9-2011 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) cho thấy, tình trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp vì nhiều lý do.

NHỮNG CON SỐ GIẬT MÌNH

Ông Huỳnh Thanh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Tình trạng bán điều non, vay lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng ĐBDTTS (phần lớn là người Xêtiêng, Mơnông) trên địa bàn tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt tại hai huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập. Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc, tổng số hộ bán điều non khoảng 818 hộ, với diện tích khoảng 1.900 ha, giá bán từ 9 đến 40 triệu đồng/ha, thời gian từ 1 đến 12 năm, có hộ bán 20 năm thu hoạch. Huyện có diện tích bán điều non nhiều nhất là Bù Đăng với hơn 1.237 ha, Bù Gia Mập gần 640 ha. Tổng số hộ vay lãi suất cao là 340 hộ (lãi suất vay từ 3-10%/tháng) tập trung chủ yếu ở Bù Đăng 101 hộ, Bù Gia Mập 109 hộ. Toàn tỉnh có khoảng 243 hộ cầm cố đất với diện tích hơn 346 ha. Có khoảng 271 hộ bán đất ở, đất sản xuất với diện tích khoảng 169 ha.

Khu đất khai hoang để thành lập khu định canh, định cư của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) - Ảnh: Tư liệu

Ông Huỳnh Thanh cho biết thêm, có những hộ bán toàn bộ diện tích đất sản xuất nên trong thời gian bán điều non, họ không còn nguồn thu phải đi làm thuê hoặc xâm canh đất lâm nghiệp để trồng mì hoặc tiếp tục vay nặng lãi để trang trải cuộc sống. Một nguyên nhân nữa khiến tình trạng này dai dẳng, phức tạp là hầu hết các hộ ĐBDTTS có đời sống kinh tế khó khăn; một số người có thói quen ăn chơi, cần tiền mua xe, xây nhà, trả lễ cưới vợ... nên tự dấn thân hoặc bị các đối tượng có tiền dụ dỗ. Các đối tượng cho vay nặng lãi thì bằng mọi thủ đoạn tinh vi, thời gian đầu làm quen, cho các hộ này mượn tiền từ ít đến nhiều, cho thiếu nợ hoặc mua hàng lâu cùng với cách tính lãi cao, đến lúc đòi nợ nếu không có tiền trả thì cấn nợ, xiết đất.

CHƯA CÓ CHẾ TÀI

Từ tháng 9-2010 đến nay, Công an tỉnh đã khởi tố một số bị can và tạm giam một số đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hơn 30 hộ ĐBDTTS, với số tiền chiếm đoạt gần 800 triệu đồng. Những đối tượng này đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các hộ ĐBDTTS để “dụ dỗ” bán điều non, cầm cố đất đai, cho vay nặng lãi…

Ông Huỳnh Thanh cho rằng, sở dĩ tình trạng này kéo dài, diễn biến phức tạp là do các cơ quan chức năng chưa đủ cơ sở pháp lý để có những chế tài xử lý các vụ việc liên quan đến sang nhượng, cầm cố đất, bán điều non. Hầu hết các trường hợp bán điều non, cầm cố đất đai, cho vay nặng lãi đều giao dịch bằng miệng hoặc viết giấy tay giữa hai bên, không có xác nhận của chính quyền địa phương nên khó phát hiện và không có cơ sở pháp lý để xử lý. Qua điều tra, các chủ nợ cho vay thường chủ động lập các giao dịch; lợi dụng đồng bào không biết chữ nên trên giấy tờ vay thường khai lớn hơn thực tế và không ghi lãi suất thỏa thuận giữa hai bên. Việc làm trên của các chủ nợ nhằm tránh việc ghi lãi suất cao trong giao dịch...

Điển hình như ở huyện Bù Đốp, khi UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng cử cán bộ xác minh từng trường hợp cụ thể trong số 27 hộ cầm cố, sang nhượng đất sản xuất, đất ở do Nhà nước hỗ trợ với diện tích gần 14 ha thì gặp khó khăn trong việc lập biên bản xác minh. Nguyên nhân là do các hộ mua bán, sang nhượng đất đã thỏa thuận ngầm với nhau, không thừa nhận mình đã mua bán, sang nhượng hoặc cầm cố. Do đó, huyện không có cơ sở pháp lý để xử lý những đối tượng này. Chính vì chưa đủ cơ sở pháp lý để chế tài nên đến nay huyện Bù Đăng chỉ xác minh làm rõ, giải quyết được 3 trường hợp cho vay nặng lãi, cầm cố đất; huyện Lộc Ninh ra quyết định thu hồi 3/9 hộ sang nhượng đất Chương trình 134 (6 hộ còn lại đang củng cố hồ sơ để thu hồi).

KIÊN QUYẾT “KHÔNG ĐÁNH TRỐNG BỎ DÙI”

Tại cuộc họp sơ kết 1 năm Chỉ thị 14 của UBND tỉnh, ông Bùi Văn Thạch, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương liên quan rà soát, sơ kết tình hình để có cơ sở báo cáo, tham mưu Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương xử lý triệt để tình trạng này. Đồng thời, ông đề nghị các địa phương có trách nhiệm điều tra, lập danh sách, phân loại đối tượng, báo cáo kết quả xử lý hàng tháng, hàng quý, nhằm hạn chế tình trạng “đánh trống bỏ dùi” của một số địa phương.

Ông Bùi Văn Thạch cũng chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Thanh tra, Công an tỉnh và các cơ quan chuyên môn hoàn thiện văn bản pháp lý để thực hiện chế tài, xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi, mua bán điều non, cầm cố, mua bán đất trong vùng ĐBDTTS; chỉ đạo Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với UBND các huyện điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng đã xác minh thực hiện hành vi cho vay nặng lãi, lừa đảo, ép buộc người dân bán điều non, cầm cố, bán đất ở và đất sản xuất. Nếu đủ cơ sở thì khởi tố và xét xử lưu động điểm theo quy định của pháp luật để răn đe, giáo dục. Các cơ quan tư pháp địa phương có trách nhiệm giúp đồng bào trong lĩnh vực tư pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân. Cần xem xét, giảm án phí nhằm tạo điều kiện cho ĐBDTTS nghèo khởi kiện vụ việc dân sự tại tòa án.

Hà Giang

  • Từ khóa
91865

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu