Thứ 2, 20/05/2024 13:51:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 00:00, 30/09/2011 GMT+7

Xây dựng nông thôn mới: Hai tiêu chí rất khó thực hiện

Thứ 6, 30/09/2011 | 00:00:00 226 lượt xem

Sau gần hai năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Bình Phước đã thu được kết quả bước đầu đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình và quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Bình Phước đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh.

PV: Xin ông cho biết kết quả bước đầu sau khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới theo Quyết định 800/QĐ-TTg ở tỉnh ta?

Ông Nguyễn Văn Tới: Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 4-6-2010, tỉnh Bình Phước đã triển khai thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 93 xã tham gia chương trình, đã ổn định bộ máy tổ chức chỉ đạo từ tỉnh đến xã và bố trí hơn 24 tỷ đồng vốn cho quy hoạch. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 tập trung chỉ đạo 20 xã thuộc 10 huyện, thị xã (mỗi huyện, thị 2 xã). Dự kiến trong năm nay, tỉnh sẽ hoàn thành quy hoạch đề án xây dựng NTM các xã, phấn đấu đến năm 2015 có 20 xã (chiếm 20%) đạt tiêu chuẩn NTM, các xã còn lại đạt từ 8 tới 12/19 tiêu chí. Giai đoạn 2016-2020, tập trung chỉ đạo thực hiện 30 xã thuộc 10 huyện, thị để đến năm 2020 các xã này đạt chuẩn NTM nhằm đảm bảo mục tiêu toàn tỉnh có 50% số xã đạt chuẩn NTM.

Nhà nước và nhân dân cùng góp sức xây dựng trường Mầm non Hoa Sen (xã Tiến Hưng, Đồng Xoài) góp phần xây dựng nông thôn mới

PV: Một số tiêu chí trong bộ tiêu chí NTM rất khó đạt được, vì Bình Phước là tỉnh còn nhiều khó khăn. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Nguyễn Văn Tới: Khó khăn lớn nhất là Bình Phước đa phần hộ dân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, diện tích tự nhiên rộng, dân cư phân bổ không đều, các quy hoạch sản xuất, dân cư, đất đai chưa hoàn chỉnh, nhận thức của người dân chưa cao, cơ sở hạ tầng thấp kém, nguồn nhân lực, tài lực còn yếu, đội ngũ cán bộ thiếu... Qua quá trình thực hiện đề án thí điểm mô hình NTM tại xã Tân Lập (Đồng Phú), Ban chỉ đạo xác định có 2 tiêu chí rất khó đạt được trên địa bàn tỉnh ta đó là tiêu chí thu nhập và tiêu chí cơ cấu lao động.

Bình Phước là tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp chiếm trên 50% trong cơ cấu kinh tế, tập trung khoảng 70% lao động nông nghiệp. Cây trồng chủ lực của tỉnh, như: tiêu, điều, cao su, cà phê chiếm trên 85% diện tích đất nông nghiệp (diện tích đất nông nghiệp của tỉnh 402.748 ha). Việc giảm lao động trong nông nghiệp xuống 20% là không thể thực hiện được. Vì để canh tác được diện tích đất nông nghiệp trên cần số lượng lao động tối thiểu khoảng 201 ngàn lao động, chiếm khoảng 40% cơ cấu lao động. Vì vậy, yêu cầu của tiêu chí cơ cấu lao động là không phù hợp với tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Đối với tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thì các xã hoàn thành NTM phải có thu nhập bình quân đầu người gấp 1,5 lần bình quân thu nhập đầu người của tỉnh. Đây là tiêu chí không thể đạt không chỉ ở Bình Phước mà ở hầu hết các tỉnh trong cả nước.

Ngoài ra, đối với tỉnh Bình Phước, tiêu chí về xây dựng hạ tầng nông thôn gồm: đường giao thông nông thôn, điện, trường học, trạm y tế xã đều còn rất hạn chế nên nhu cầu vốn để thực hiện rất cao, nếu Chính phủ không hỗ trợ kịp thời về mức hỗ trợ theo chương trình mục tiêu thì các xã rất khó đạt các tiêu chí liên quan để xây dựng hạ tầng nêu trên.

PV: Được biết, nguồn vốn chủ yếu để thực hiện chương trình là do các xã tự huy động. Vì vậy, vai trò của Ban quản lý đề án và chính quyền cấp cơ sở như thế nào trong việc thực hiện chương trình?

Ông Nguyễn Văn Tới: Quan điểm thực hiện chương trình là huy động nội lực và sự tham gia của chính người dân và cộng đồng nông thôn. Theo quyết định 800, ngân sách Nhà nước hỗ trợ xây dựng nông thôn mới là 40%, còn lại 60% là vốn huy động, trong đó: dân đóng góp 10%, doanh nghiệp 20% và tín dụng 30%. Để thực hiện được điều này thì Ban quản lý đề án cấp xã và chính quyền cấp xã đóng vai trò quan trọng, đội ngũ cán bộ xã phải là nhân tố then chốt.

Để bảo đảm tiến độ chương trình, Ban chỉ đạo và cơ quan thường trực đã tập trung vào một số công việc, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và cả hệ thống chính trị hiểu rõ tầm quan trọng của chương trình xây dựng và cùng chung sức thực hiện. UBND tỉnh tập trung cao độ nguồn nhân lực, kinh phí phục vụ chương trình; tăng cường kiểm tra giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn ở cơ sở, đồng thời lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia khác vào chương trình NTM. Ban quản lý đề án cấp xã phải vận động được các doanh nghiệp chủ động đầu tư các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn trên địa bàn chứ không chỉ huy động đầu tư phát triển hạ tầng. Có như vậy mới đạt được hiệu quả cao nhất.

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trong chương trình này?

Ông Nguyễn Văn Tới: Có thể nói, để đạt được tiêu chí xã NTM còn rất nhiều khó khăn. Qua thực tế triển khai, có không ít tiêu chí bị các xã “kêu” là khó... Muốn giải quyết cái khó và mới, bao giờ chúng tôi cũng coi trọng vai trò của báo chí. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, trong đó bổ sung thành viên là lãnh đạo Báo Bình Phước, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Các thành viên này sẽ giúp Ban chỉ đạo điều hành các phương tiện truyền thông đại chúng để chuyển tải được tất cả các nội dung đến người dân, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội cùng nhau làm NTM.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thanh Mảng (thực hiện)

  • Từ khóa
91862

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu