Thứ 2, 20/05/2024 09:48:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 00:00, 25/09/2011 GMT+7

Nhiều vướng mắc trong khám chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT

Chủ nhật, 25/09/2011 | 00:00:00 311 lượt xem

Bệnh viện Đa khoa Bình Phước là đơn vị khám, chữa bệnh tuyến cuối của tỉnh nên lượng bệnh nhân đông và đa dạng. Số bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) chiếm khoảng 60-70%. Từ đầu năm 2009 đến hết tháng 6-2011, bệnh viện đã tiếp nhận khám ngoại trú và điều trị nội trú cho 145.738 bệnh nhân với tổng số tiền đề nghị BHYT thanh toán trên 73 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT hiện gặp nhiều khó khăn.

QUÁ NHIỀU VƯỚNG MẮC

Trong những năm qua, việc kham chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT theo Luật BHYT mới tại bệnh viện còn nhiều vướng mắc. Đó là việc nợ đọng kinh phí hằng năm, hằng quý kéo dài do vượt quỹ không được BHXH chi trả kịp thời, dẫn đến khó khăn trong cung ứng thuốc, vật tư y tế và các dịch vụ khác phục vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT. Chỉ tính từ đầu năm 2009 đến hết tháng 6-2011, BHXH còn nợ đọng bệnh viện số tiền trên 18 tỷ đồng. Hầu hết người tham gia BHYT chưa nắm rõ quyền lợi của mình, dễ gây hiểu nhầm giữa người bệnh với nhân viên y tế. Một số bệnh nhân thuộc các nhóm đối tượng được Nhà nước mua BHYT như trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo... vì nhiều lý do khác nhau nên chưa được cấp thẻ BHYT kịp thời dẫn đến việc bệnh nhân và người nhà bệnh nhân gặp khó khăn trong thanh toán chi phí điều trị, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa.

Bệnh nhân nghèo được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bình Phước

Đối với bệnh nhân thuộc đối tượng BHYT là người nghèo, cận nghèo và một số bệnh nhân mắc bệnh mạn tính có chi phí điều trị cao như thận hư, đái tháo đường... gặp khó khăn trong việc đóng một phần viện phí theo quy định cùng các chi phí không được BHYT chi trả, dẫn đến thất thu viện phí. Thêm vào đó, lượng bệnh nhân đông và đa dạng nên chi phí khám chữa bệnh lớn dẫn đến việc triển khai thu phần cùng chi trả của bệnh nhân được hưởng BHYT gặp không ít khó khăn, nổi cộm là sự chờ đợi đối với bệnh nhân khám bệnh và cấp thuốc ngoại trú. Bên cạnh đó, số bệnh nhân bị tai nạn giao thông có thẻ BHYT được cấp cứu và điều trị tại bệnh viện nhiều, trong khi số được giải quyết hưởng chế độ BHYT theo luật định rất ít, chủ yếu là do bệnh nhân chi trả. Vì để xác nhận không vi phạm luật giao thông phải chờ các đơn vị có thẩm quyền xác minh lâu dài. Những bệnh nhân này có chi phí khám chữa bệnh lớn nhưng khả năng chi trả hạn chế, nếu không được chấp nhận thanh toán BHYT ngay dẫn đến thất thu một phần viện phí cho cơ sở khám chữa bệnh.

Đáng lưu ý là hiện nay việc chi trả viện phí một số dịch vụ được áp dụng theo Thông tư 03 và 14 của liên bộ không còn phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho bệnh viện trong việc cân đối điều trị bệnh nhân BHYT. Đơn cử như, thực hiện phẫu thuật lấy thai lần 1 được chi trả 300 ngàn đồng/ ca, nhưng chi phí thực tế bình quân 1,5 triệu đồng/ ca; thực hiện thủ thuật cắt amydal (II) được chi trả 40 ngàn đồng/ ca, nhưng chi phí thực tế bình quân là 500 ngàn đồng/ ca...

Ý KIẾN NGƯỜI TRONG CUỘC

Tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cùng đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh vừa qua, ông Từ Phương Nam, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Phước cho rằng, những vướng mắc trên đã ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT. Do vậy, các cấp có thẩm quyền cần xem xét cân đối quỹ khám chữa bệnh BHYT của từng đơn vị, địa phương, kịp thời giải quyết kinh phí vượt trần từng quý hoặc từng tháng, không để tồn đọng cả năm dẫn đến khó chi trả. Bên cạnh đó cần tuyên truyền cho người tham gia BHYT hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình; cung cấp đầy đủ thẻ BHYT cho các đối tượng như trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, cận nghèo, các đối tượng trợ cấp xã hội.

Cũng theo ông Từ Phương Nam, nên để bệnh nhân có BHYT khi bị tai nạn giao thông được hưởng quyền lợi của người có BHYT trong thời gian cấp cứu và điều trị, chỉ trừ những trường hợp được cấp có thẩm quyền xác nhận là vi phạm luật giao thông can thiệp trong thời gian điều trị. Cần xem xét điều chỉnh một số khung giá thanh toán thủ thuật, phẫu thuật phù hợp với thực tế, nhằm bảo đảm công bằng cho bệnh nhân BHYT trong khám chữa bệnh, đồng thời có chính sách miễn giảm chi phí khám chữa bệnh đối với một số bệnh nhân nan y hay các đối tượng hưu trí; tiếp tục cấp thẻ BHYT để 100% người nghèo được khám chữa bệnh; nâng cao nghiệp vụ giám định viên...

Ông Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế kiến nghị: Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan cần có hướng dẫn cụ thể về thanh quyết toán BHYT cho các trường hợp bị tai nạn giao thông. Cho phép bệnh nhân BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến huyện khi mắc bệnh mạn tính, bệnh nặng nhưng vượt khả năng điều trị ở tuyến tỉnh được chuyển thẳng lên tuyến có trình độ chuyên môn kỹ thuật phù hợp điều trị. Giám đốc Sở Y tế cũng đề nghị, hiện hệ thống biểu mẫu và phần mềm thống kê chi phí khám chữa bệnh chưa ổn định, thống nhất, vì vậy các bộ, ngành liên quan cần ban hành hệ thống biểu mẫu và phần mềm thống kê chi phí khám chữa bệnh để áp dụng thanh quyết toán. Mong rằng, những kiến nghị trên sẽ được các cấp, các ngành lưu ý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bệnh nhân có thẻ BHYT khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Lâm Phương

  • Từ khóa
91854

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu