Thứ 2, 20/05/2024 15:02:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 00:00, 18/09/2011 GMT+7

Dỡ nhà thu hồi đất ở xã Nghĩa Trung có đúng theo Luật Đất đai?

Chủ nhật, 18/09/2011 | 00:00:00 446 lượt xem

Năm nay đã 86 tuổi nhưng ông vẫn sống cô độc không gia đình, con cái, vẫn làm nghề thợ mộc để tự nuôi sống mình. Ông được một người tốt bụng trong thôn cho túp lều gỗ làm nơi che nắng che mưa, nhưng túp lều ấy vẫn bị cán bộ thôn, xã cưỡng chế dỡ bỏ vì lý do “mập mờ”: Đây là đất công, cưỡng chế để làm chốt dân quân. Chốn dung thân không còn, ông phải sống trong căn nhà bỏ hoang dột nát, ẩm ướt… Đó là câu chuyện xót xa của ông Nguyễn Văn Sự (thôn 2, xã Nghĩa Trung, Bù Đăng), người đã từng được nhận Huy chương Kháng chiến hạng Nhì.

CÓ NHÀ LẠI MẤT...

Ông Sự cho biết: “Sau nhiều năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi trở về quê hương (Bến Tre) với tấm Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Những tưởng niềm vui sum họp gia đình được hồi sinh, nào ngờ gia cảnh lại ngang trái. Con bán nhà cửa, đất đai, bỏ cha mẹ đi biệt xứ. Không còn chốn dung thân, hai thân già phải vất vưởng nay đây mai đó, sống nhờ qua nhiều mảnh đất, ngôi chùa khác nhau. Vợ tôi đã không đủ sức tiếp tục với cuộc sống phiêu bạt, đành xin nương tựa ở một ngôi chùa, còn tôi...”. Nói đến đây, ông Sự bật khóc. Và thế là, ông Sự đã đặt chân đến thôn 2, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng kiếm sống với nghề thợ mộc.

Sau khi bị cưỡng chế dỡ bỏ nhà, ông Sự phải ở trong cái lều vỏn vẹn chưa đầy 6m2

Tại đây, ông được anh Trần Ngọc Tuấn (cùng thôn) cưu mang, cho nhập hộ khẩu chung cùng gia đình. Thấy hoàn cảnh khó khăn, bà Đinh Thị Hòa và con gái là Dương Thanh Thúy (ngụ ấp 3, xã Thành Tâm, Đồng Phú) cho ông ở nhờ trong căn nhà gỗ, cất trên mảnh đất ở ngã ba thôn 2 (xã Nghĩa Trung, Bù Đăng). Mặc dù ông đã 86 tuổi, sức lực không còn nhiều, lại hay bệnh tật, nhưng vẫn đi làm thuê và đóng bàn ghế, giường tủ để kiếm sống qua ngày. Gặp những hôm trời mưa gió, bệnh tật không đi làm được, bà con lối xóm thương ông, người cho ký gạo, con cá khô, củ khoai... động viên ông vui sống.

Chị Đinh Thị Hòa tâm sự: “Thấy ông đã già lại không có người thân, dân làng ai cũng thương. Nhà tôi có mảnh đất tại ngã ba thôn 2, đã xây cất nhà (nhà gỗ, lợp mái tôn) không sử dụng nên cho ông về ở”. Mới dọn tới ở được vài tháng, ông Sự đã bị mất nhà. Ngày 17-6-2011, UBND xã Nghĩa Trung thành lập đoàn cưỡng chế vào tháo dỡ toàn bộ căn nhà. Họ gom toàn bộ đồ đạc của ông bỏ ra ngoài thành một đống, cả Huy chương kháng chiến khiến ông phải sống trong cảnh “tối đâu là nhà, ngả đâu là giường”. Giờ ông phải ở trong một túp lều chưa đầy 6m2, được dựng lên từ những mảnh gỗ của ngôi nhà bị tháo dỡ, trên nền đất của một người hàng xóm.

AI LÀ CHỦ ĐẤT?

Theo Ban quản lý thôn 2 và UBND xã Nghĩa Trung, căn nhà đã xây dựng trái phép trên đất của thôn. Khi mới xây dựng, Ban quản lý thôn 2 đã nhắc nhở nhưng bà Dương Thanh Thúy (con gái bà Hòa) vẫn cố tình xây dựng. Sau khi làm xong, bà Hòa đã cho ông Sự ở nhờ. UBND xã đã nhiều lần gởi giấy mời bà Hòa và ông Sự lên làm việc nhưng bà Hòa không chấp hành. Vì vậy, ngày 11-3-2011, UBND xã Nghĩa Trung đã ra Thông báo số 12/TB-UBND yêu cầu bà Hòa dỡ bỏ căn nhà xây dựng trái phép tại thôn 2. Ngày 9-6-2011, UBND xã Nghĩa Trung tiếp tục ra Thông báo số 30 về việc dỡ nhà xây dựng trái phép với nội dung như sau: Bà Đinh Thị Hòa trú tại ấp 3, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú phải thi hành tháo dỡ căn nhà gỗ và giao lại phần đất khoảng 110m2 cho Ban quản lý thôn 2 quản lý. Do bà Hòa không thi hành theo Thông báo số 12, nay UBND xã Nghĩa Trung thông báo sẽ tiến hành cưỡng chế nhà xây dựng trái phép và giao lại phần đất trên cho thôn 2 làm chốt dân quân. UBND xã Nghĩa Trung cũng đã nhiều lần mời ông Sự ra làm việc và yêu cầu ông Sự chuyển đến nơi khác sống, không được ở trong ngôi nhà xây dựng trái phép, nhưng ông Sự vẫn không chấp hành...

Sau khi UBND xã Nghĩa Trung cưỡng chế dỡ bỏ căn nhà, bà Dương Thanh Thúy đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng xác minh và làm rõ nguồn gốc mảnh đất mà UBND xã Nghĩa Trung tự cho là đất của thôn 2. Để chứng minh nguồn gốc mảnh đất của bà Đinh Thị Hòa để lại cho con gái là bà Thúy, chúng tôi đã tìm gặp bà Hòa để tìm hiểu sự việc.

Bà Hòa quả quyết: “Diện tích đất trên là của tôi và hiện nay tôi để lại cho con gái là Thúy, chứ không phải như cán bộ thôn nói. Năm 1994, sau khi đường liên thôn được san ủi, phía trên con đường còn một miếng đất hình tam giác hơn 100m2. Trên diện tích đất đó có một bụi le và nhiều dây thép gai, lựu đạn và đầu đạn pháo... Tôi thấy không thuộc vào phần đất của ai nên đã khai hoang để trồng khoai lang, mì (sắn). Sau này tôi già yếu, tôi để lại cho con gái làm. Những năm gần đây, thửa đất trở nên có giá trị khi có thêm một con đường liên xã chạy ngang qua (đất có hai mặt tiền), nên mới dẫn đến tình trạng tranh chấp như bây giờ”.

Để làm rõ vấn đề, chúng tôi đã mời bà Hòa, bà Thúy, ông Sự, Ban quản lý thôn 2 và chính quyền xã đối thoại trực tiếp. Tại buổi làm việc, đại diện chính quyền địa phương, ông Nguyễn Thanh Vương, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung vẫn cho rằng, bà Thúy lấn chiếm đất của thôn 2 để xây dựng nhà và cho ông Sự ở. Bằng chứng mà ông Vương đưa ra chỉ là một biên bản viết tay nhằm xác minh nguồn gốc mảnh đất. Bà Hòa cho biết: “Toàn bộ nhân chứng trong biên bản đó là do UBND xã mời, những người giáp ranh với đất của tôi như ông Trần Ngọc Tuấn lại không mời. Lời khai của một nhân chứng trong biên bản có phần không khách quan. Phần nội dung lời khai của tôi trong biên bản không đúng như lời khai thực tế, chữ ký cũng không giống”. Tại buổi làm việc, các nhân chứng còn lại không chứng minh được nguồn gốc đất bà Hòa xây dựng nhà cho ông Sự ở là của thôn 2.

Bà Thúy cho biết thêm: “Từ năm 2007, thửa đất đã bắt đầu có tranh chấp giữa Ban quản lý thôn 2 và bà. Nguyên nhân chính là thông tin Ban quản lý thôn 2 bán diện tích đất trên cho ông Út Xí (ấp 5, xã Nghĩa Trung) để làm trại hòm. Sau khi nghe được thông tin trên, tôi đã đến nhà ông Út Xí để nói cho ông biết mảnh đất này là đất của mẹ tôi khai phá và để lại cho tôi quản lý, không phải đất của thôn 2. Sau đó, ông Út Xí đã không mua nữa. Sau khi tôi làm căng, UBND xã Nghĩa Trung mới thành lập ban hòa giải để lấy đất làm chốt dân quân”.

Đến ngày 6-8-2008, UBND xã Nghĩa Trung đã tiến hành hòa giải nhưng không thành. Ngày 11-8-2008, UBND xã mời các nhân chứng trong thôn 2 để xác định chủ thửa đất. Tại biên bản xác minh nguồn gốc đất do có ý kiến của ông Trần Quốc Dũng (biên bản không ghi địa chỉ và chức vụ của ông này) như sau: “Diện tích đất tranh chấp năm 1994 trở về trước là đất hoang, từ năm 1994 đến năm 1997, gia đình bà Thúy có khai hoang trồng lang (khoai lang). Lúc đó Ban quản lý thôn có nói “thím chỉ trồng lang, đừng trồng cây lâu năm”. Phần đất trên là của công chứ không phải của bà Thúy mua”.

Như vậy, có thể thấy lời khẳng định của mẹ con bà Thúy về việc thửa đất được mẹ con bà khai hoang năm 1994 là sự thật. Đây là cơ sở để giải quyết vụ việc theo Luật Đất đai và chính sách định canh định cư của Nhà nước tại thời điểm đó.

Nhất Sơn

  • Từ khóa
91846

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu