Thứ 2, 20/05/2024 10:04:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 00:00, 10/09/2011 GMT+7

Ở một khu tái định cư không điện

Thứ 7, 10/09/2011 | 00:00:00 258 lượt xem

Khu tái định cư ấp Đồng Tân nằm cách trung tâm xã Tân Hòa (Đồng Phú) chừng 4km và là khu tái định cư đầu tiên của tỉnh thực hiện dự án về thu hồi đất lâm nghiệp. Hơn 10 năm qua, gần 200 hộ dân ở đây vẫn sống chung với ánh đèn dầu mỗi khi đêm xuống. Thiếu điện dẫn đến chất lượng cuộc sống kém, các hoạt động sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.

KHÔNG ĐIỆN

Theo chân cán bộ UBND xã Tân Hòa, chúng tôi đến khu tái định cư ấp Đồng Tân. Đến đây mới thấy cảnh sinh hoạt của người dân thật vất vả bởi hơn chục năm nay các hộ ở đây vẫn chưa có điện. Ông Nguyễn Tiến Nhân (người dân trong khu) cho biết: “Không có điện mọi hoạt động sản xuất như tưới nước cho các loại cây trồng buộc phải dùng máy nổ rất tốn kém và bất tiện. Vào mùa khô, cây tiêu, cà phê và các loại cây trồng khác cần rất nhiều nước, để tưới phải thuê mướn, vận chuyển máy móc rất vất vả, chưa nói đến tiền dầu”. Ông Khổng Quang Trung, ấp trưởng nói: “Vì không có điện nên chẳng có giáo viên mầm non nào dám về đây công tác. Các hộ có điều kiện thì thuê nhà cho con xuống trung tâm xã Tân Hòa và Tân Tiến (Đồng Phú) trọ học, hộ nghèo đành phải cho con nghỉ học. Trong ấp có gần một nửa số dân là người dân tộc thiểu số, vì khó khăn nên con cái cũng không được học đến nơi đến chốn”.

Chiếc cầu tự chế trên con đường liên ấp phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển

Chúng tôi có mặt tại nhà anh Hà Ngọc Sơn, dân tộc Tày vào một buổi tối. Đứa con gái anh Sơn lấy sách ra học nhưng chỉ vài phút đành phải xếp sách lại vì nóng và ánh sáng không đủ của chiếc đèn dầu. Anh Sơn than thở: “Về đây đã hơn mười năm, chúng tôi vẫn phải sống trong cảnh đèn dầu. Con cái không có đủ ánh sáng để học, cây cối cũng chậm phát triển vì thiếu nước tưới. Khó khăn cứ chồng chất lên nhau”.

VÀ ĐƯỜNG ĐI CÓ CŨNG NHƯ KHÔNG

Thiếu điện đã đành, việc đi lại của người dân cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuyến đường liên ấp lên trung tâm xã chỉ hơn 4km nhưng hiện đã xuống cấp trầm trọng. Vào mùa mưa, việc đi lại càng khó khăn vì mặt đường biến thành những vũng sình, những “khe” nước chảy xiết không thể đi lại được. Ấp trưởng Khổng Quang Trung cho biết: “Người dân trong ấp đã nhiều lần tổ chức tu sửa, nhưng chỉ qua vài cơn mưa lớn, đường lại trở về như cũ. Vì kết cấu hạ tầng không vững nên việc san lấp cũng bằng không. Ấp đã nhiều lần kiến nghị với xã về kinh phí nâng cấp, tu sửa tuyến đường này nhưng đến giờ vẫn chưa được”.

Đại diện chính quyền xã Tân Hòa cho biết, người dân khu tái định cư ấp Đồng Tân thời gian qua đã được hưởng những chế độ chính sách đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các chương trình về xóa đói giảm nghèo... Thế nhưng, đời sống của người dân trong ấp vẫn chưa được cải thiện, còn rất nhiều khó khăn. Một phần chưa có điện để phục vụ sản xuất - kinh doanh. Đường giao thông nông thôn không đảm bảo cũng gây trở ngại rất lớn cho việc lưu thông hàng hóa.

Con đường chính của khu tái định cư ấp Đồng Tân nối liền với ấp Đồng Chắt người dân trong khu vẫn phải sử dụng cây cầu tạm làm bằng những khúc cây, mảnh ván để đi qua con suối. Mùa khô thì có thể dùng tạm được, nhưng đến mùa mưa, nước dâng làm trôi cầu, việc đi lại đã khó còn vận chuyển hàng hóa càng khó hơn. Anh Nông Văn Công nói: “Cứ mỗi khi mưa xong chúng tôi lại rủ nhau đi sửa cầu, nhưng đâu lại vào đó. Vợ chồng đi làm rẫy để con ở nhà cũng không yên tâm vì sợ con ra cầu chơi, rơi xuống suối thì khổ”. Anh Công nhớ lại: “Cách đây mấy tuần đứa con anh Kiên (cùng khu) đi qua cầu bị trượt chân rơi xuống suối, cũng may là có người thấy nên đã cứu được”.

Ông Nguyễn Đức Nhân, cán bộ địa chính xã Tân Hòa nói: “Con đường liên ấp khu tái định cư ấp Đồng Tân hiện đã xuống cấp là do từ trước đến nay ít được hỗ trợ đầu tư tu sửa. Nếu vận động từ người dân sẽ chẳng được bao nhiêu, do có nhiều hộ nghèo và gần một nửa dân số là đồng bào dân tộc thiểu số và cũng vượt quá kinh phí của chính quyền xã. Chúng tôi rất mong huyện, tỉnh có dự án hỗ trợ, sớm đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuyến đường giao thông này để tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn”.

Q. Tịnh

  • Từ khóa
91838

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu