Thứ 5, 09/05/2024 14:36:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 09:33, 08/08/2011 GMT+7

Đâu là sự thật trong một quyết định cấp đất cho cán bộ của Công ty Cao su Bình Long?

Thứ 2, 08/08/2011 | 09:33:00 263 lượt xem

Được cấp một thửa đất từ năm 2000 để làm nhà và tăng gia sản xuất, do bệnh tật đau yếu và không có người trông coi, ông Phan Văn Minh (phường Hưng Chiến, TX. Bình Long), nguyên là cán bộ của Công ty Cao su Bình Long (nay là Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long), đã bất lực chứng kiến một số người dân lấn chiếm xây dựng. Sau bao năm lặng lẽ chờ đợi chính quyền can thiệp bởi “một lý do tế nhị” mà không có kết quả, năm 2011 ông Minh đã làm đơn khiếu nại đề nghị giải quyết với một mục đích cũng rất đặc biệt. Nhưng thật bất ngờ, trả lời của UBND thị xã Bình Long là bác đơn với lý do thửa đất nằm trong quy hoạch từ năm… 1994. Chưa hết, vụ việc còn có những con số bất nhất một cách khó hiểu và cán bộ trực tiếp lập hồ sơ, ghi số liệu năm xưa, hiện còn đang công tác cũng… không lý giải được sự khập khiễng ấy. Vậy, đâu là sự thật và phía sau đó là câu chuyện gì?

ĐƯỢC CẤP ĐẤT... CŨNG KHỔ

Theo hồ sơ ông Phan Văn Minh lưu giữ, năm 2000, gia đình ông được Công ty Cao su Bình Long cấp cho một khoảnh đất có tổng diện tích 2.124m2, tại tổ 13, Xa Cam II, xã Thanh Bình (nay thuộc phường Hưng Chiến, TX. Bình Long). Năm 2003, vì phải nhập viện chữa trị bệnh một khoảng thời gian dài nên ông Minh có sang nhượng cho 3 hộ dân 3 thửa đất để cất nhà với tổng diện tích khoảng 450m2. Do không có người trông coi, nên hầu hết diện tích còn lại của ông Minh được cấp đã bị một số người lợi dụng hoàn cảnh của ông khi đó rồi lấn chiếm xây dựng nhà (theo ông Minh, hiện đang tồn tại 5 căn nhà trên đất ông được cấp).

Ông Phan Văn Minh và khu đất được cấp nhưng UBND thị xã Bình Long trả lời nằm trong quy hoạch từ năm... 1994

Năm 2001, ông Minh đã mời đại diện ban ấp, công an xã Thanh Bình (cũ) và lãnh đạo Công ty Cao su Bình Long xác định ranh giới cắm mốc và mời những hộ lấn chiếm dời đi. Tuy nhiên, đến nay những hộ đó vẫn không chịu di dời và lấn chiếm ngày càng nhiều hơn. Ông Minh bức xúc: “Trước đây tôi không muốn làm lớn chuyện vì muốn giữ mối quan hệ hòa hảo. Nhưng sau nhiều lần hòa giải và đề nghị UBND thị xã giải quyết vẫn không được, nên tôi mới làm đơn khiếu nại. Kết quả UBND thị xã Bình Long bác đơn với lý do đất của gia đình tôi là đất đã được quy hoạch, nằm trong diện giải tỏa từ năm 1994. Điều này hoàn toàn sai sự thật”.

NHIỀU MÂU THUẪN KHÓ HIỂU

Theo Quyết định số 26/QĐKT ngày 25-4-2000 của Công ty Cao su Bình Long về việc cấp cho ông Minh (quyết định gốc lưu tại Công ty Cao su Bình Long, thì công ty chỉ cấp cho ông Minh 1.124m2. Trong khi đó, cũng Quyết định số 26/QĐKT ngày 25-4-2000 của Công ty Cao su Bình Long do ông Minh cung cấp lưu giữ (cũng bản gốc) thì diện tích cấp là 2.124m2.

Không chỉ một quyết định với hai bản gốc lưu có hai con số khác nhau. Trong sơ đồ vị trí, diện tích đất cấp cho ông Minh kèm theo Quyết định số 26/QĐKT ngày 25-4-2000 của Công ty Cao su Bình Long (cả hai bản gốc), lại ghi: Diện tích 2.020m2. Mặt khác, quyết định lưu tại Công ty Cao su Bình Long không ghi phần tứ cận (Đông, Tây, Nam, Bắc) của thửa đất. Quyết định ông Minh lưu có ghi: Phía Bắc giáp đường đất đỏ vào kho vật tư, phía Nam giáp ông Mai Quốc Huy, phía Đông giáp ông Nguyễn Văn Sanh, phía Tây giáp dân (ông Hai Quận). Đây chính là những mâu thuẫn khó hiểu giữa hai bản lưu của cùng một quyết định khiến vụ việc trở nên khó giải quyết.

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Phước, ông Ngô Ngọc Thanh, cán bộ phòng Kỹ thuật Công ty Cao su Bình Long, người trực tiếp vẽ sơ đồ vị trí, diện tích đất cấp cho ông Minh, không lý giải được vì sao các con số không trùng khớp nhau trong Quyết định số 26/QĐKT ngày 25-4-2000 của Công ty Cao su Bình Long. Ông Thanh cũng khẳng định: “Khi làm hồ sơ, tôi không ghi tứ cận (Đông, Tây, Nam, Bắc) như trong hồ sơ ông Minh cung cấp, còn phần chênh lệch số liệu diện tích thì... không hiểu tại sao lại như vậy”.

ĐÂU LÀ SỰ THẬT?

Sau khi nhận được đơn, Phòng Tài nguyên - Môi trường TX. Bình Long đã có công văn trả lời việc ông Minh đề nghị xem xét, giải quyết trả lại phần đất của gia đình ông được Công ty Cao su Bình Long cấp năm 2000 là không có cơ sở giải quyết. Lý do Phòng Tài nguyên - Môi trường TX. Bình Long đưa ra: Đất Công ty Cao su Bình Long cấp cho ông Minh đã được UBND huyện (nay là UBND TX. Bình Long) quy hoạch từ năm 1994 để tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa thuộc khu trung tâm văn hóa và khu chợ của thị xã. Mặt khác, quyết định cấp đất mà ông Minh trình kèm sơ đồ thửa đất không trùng khớp với bản gốc do Công ty Cao su Bình Long còn lưu.

Về việc này, ông Minh cho rằng: “Tại thời điểm ban hành quyết định, đây là khu đất thuộc Công ty cao su Bình Long quản lý và cũng vì thế mới cấp cho cán bộ được. Nếu là đất huyện quy hoạch từ năm 1994, sao công ty lại cấp cho cán bộ, công nhân? Nếu đất nằm trong quy hoạch tại sao lại không có văn bản hay quyết định thu hồi và phải bồi thường cho người bị thu hồi? Văn bản trả lời của Phòng Tài nguyên - Môi trường và UBND thị xã Bình Long là không thuyết phục”.

Trong căn nhà cấp bốn đơn sơ bên con đường mòn lầy đất, trao đổi với phóng viên Báo Bình Phước về ý kiến cho rằng quyết định ông lưu giữ có dấu hiệu tẩy xóa, nguyên là Phó bí thư Đảng ủy Công ty Cao su Bình Long Phan Văn Minh - người chiến sĩ bảo vệ nhà giao tế Lộc Ninh năm xưa khẳng định: “Tôi từng vào sinh ra tử không chùn bước, sống thanh bạch, chưa bao giờ vì đồng tiền mà đánh đổi danh dự, uy tín của mình. Tôi đã kiên nhẫn chờ đợi vì có “điều tế nhị”. Nay không kiên nhẫn được nữa, bởi tôi muốn dành phần lớn số tài sản đó cho những đồng đội, đồng chí của tôi còn đang khó khăn và giờ họ đã đến tuổi “gần đất xa trời” rồi, không thể chờ đợi thêm được nữa”. Gặng hỏi ông về “điều tế nhị”, cuối cùng ông cũng nói. Thì ra, ông đang được Đảng và Nhà nước xem xét hồ sơ phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hiện vị cán bộ lão thành này đã gửi đơn khiếu nại lên tỉnh. Sự thật về thửa đất được cấp như thế nào, chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc khi có quyết định cuối cùng của cơ quan chức năng.

Nhất Sơn - Trần Phương

  • Từ khóa
91798

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu