Thứ 6, 10/05/2024 00:35:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 00:00, 10/07/2011 GMT+7

Người phụ nữ mang nghị lực “thép”

Chủ nhật, 10/07/2011 | 00:00:00 574 lượt xem

Ở Bình Phước, hiếm người phụ nữ nào có tinh thần và nghị lực “thép” như chị. Từ một người bình thường, qua cuộc sống mưu sinh chị đã tôi luyện để trở thành một nữ doanh nhân thành đạt. Chị vừa được cử tri ở Bình Phước tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIII, đại diện tiêu biểu cho giới doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh tại Quốc hội. Nhưng đó chưa phải là tất cả, bởi đến nay chị đã có nhiều danh hiệu mà bất cứ ai cũng đều phải ngưỡng mộ. Chị là Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Lệ, Phó chủ tịch Hội điều Bình Phước, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Bình Phước, người tiên phong đưa hạt điều Việt Nam xuất khẩu đi khắp các châu lục.

ĐƯA HẠT ĐIỀU VIỆT NAM XUẤT KHẨU RA THẾ GIỚI

Gặp chị, sau khi lớp báo chí kết thúc chuyến đi thực tế môn phóng sự của thầy Huỳnh Dũng Nhân cũng là lúc các phương tiện thông tin ở tỉnh trang trọng điền tên chị vào danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Niềm vui tuy nhân đôi nhưng vẫn còn đó bao nỗi lo toan in đậm trên khóe mắt của chị vì một mùa điều thất bát. Trong khi đó, chị là một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực chế biến hạt điều. Vả lại, với cương vị mới, trọng trách mới khi bước vào nghị trường thì chị phải lo lắng nhiều cũng là điều dễ hiểu. Chị xuất thân từ một thợ may, sau đó chuyển sang nghề thu mua kinh doanh nông sản. Vượt qua bao khó khăn, chị Mỹ Lệ mở rộng kinh doanh bằng việc thành lập doanh nghiệp tư nhân với mặt hàng nông sản hạt điều. Qua 17 năm gắn bó, đến nay sản phẩm của doanh nghiệp mang tên chị đã nổi tiếng khắp thế giới. Trong nhà truyền thống, hiện chị vẫn đang lưu giữ chiếc máy khâu, chiếc xe honda cúp đời 78 như là những kỷ vật vô giá. Nhiều người khi đến thăm gian phòng này, chỉ cần nhìn vào những vật dụng đang trưng bày thì ai cũng nghĩ về nữ chủ nhân đã trải qua quá trình tôi luyện trong cuộc sống với nghị lực phi thường để có được thành quả như ngày hôm nay. Điều mà rất hiếm có đối với phụ nữ ở Bình Phước nói riêng trong thời gian qua.

Chị Phạm Thị Mỹ Lệ  và sản phẩm kẹo hạt điều


Mỹ Lệ là doanh nghiệp tiên phong trong ngành điều ở Bình Phước, cũng là một trong số rất ít những doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam tham gia sản xuất, chế biến và xuất khẩu trực tiếp hạt điều nhân ra thị trường nước ngoài. Chị Mỹ Lệ, người phụ nữ năng động, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư và biết nắm lấy thời cơ. Đây cũng là một nguyên nhân để người phụ nữ tài ba này thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Buổi đầu, doanh nghiệp tư nhân Mỹ Lệ chỉ là một cơ sở. Sản xuất nhỏ, thiếu vốn, công nghệ sản xuất lạc hậu, nhưng chị đã nhìn thấy tiềm năng to lớn của hạt điều ở Bình Phước để thay đổi cách nghĩ, mạnh dạn đầu tư. “Để hạt điều Bình Phước vươn ra thị trường thế giới thì kiểu làm ăn nhỏ lẻ, manh mún là không thể chấp nhận. Làm ăn lớn công nhân phải lành nghề, nguồn nguyên liệu phải đảm bảo và ổn định. Dây chuyền sản xuất phải hiện đại. Sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường thì khách hàng dù khó tính đến mấy họ cũng tìm đến. Nguyên tắc chung là uy tín chất lượng cho sản phẩm, công nghệ luôn cải tiến” - chị Mỹ Lệ trải lòng về công ty. Cũng từ thay đổi cách nghĩ, cách làm, chị Mỹ Lệ đã dành công sức, thời gian thuê đội ngũ kỹ sư, công nhân có tay nghề nghiên cứu, sáng chế ra máy móc phục vụ cho sản xuất. Sau nhiều thử thách, sóng gió vì lĩnh vực hoàn toàn mới lạ này thì cuối cùng máy móc, trang thiết bị, công nghệ tự sáng chế đã hoàn thiện và vận hành ổn định. Đời sống cán bộ, công nhân viên công ty được cải thiện. Sản phẩm hạt điều nhân do doanh nghiệp làm ra đã được người dân khắp thế giới ưa chuộng. Đến nay, các phân xưởng sản xuất của công ty đều trang bị toàn bộ công nghệ tiên tiến nhất như: hệ thống hấp hơi, máy bóc tách vỏ cứng, vỏ lụa để thay sức người, phương tiện vận chuyển, công ty Mỹ Lệ đã hoàn thiện. Thu nhập bình quân của lao động trong công ty hiện đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng.

GẮN VỚI VÙNG NGUYÊN LIỆU

Bình Phước hiện có 180 doanh nghiệp và 119 cơ sở chế biến hạt điều, trong đó chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu. Giá trị sản xuất công nghiệp của ngành điều khoảng 1.700 tỷ đồng, chiếm 38,3% trong giá trị sản xuất công nghiệp ở Bình Phước. Đặc biệt, ngành chế biến hạt điều đã tạo công ăn việc làm cho hơn 16.000 lao động. Trong năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của tỉnh đạt 120 triệu USD, tương đương với 20.553 tấn.

Ngoài thu mua, sản xuất, chế biến điều, chị đã đầu tư trên 20ha điều nguyên liệu. Đã có những thời điểm chị Mỹ Lệ bỏ ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư cho nông dân chăm sóc vùng nguyên liệu. Mỗi khi vào vụ thu hoạch điều, chị cũng thường xuyên ra vườn chăm sóc điều như nhà nông thực thụ. Nhờ đó chị rất hiểu và cảm thông với những khó khăn của nhà nông. Chị cũng là một trong số những người mạnh dạn đề xuất thay đổi ý tưởng ban đầu “Hội chế biến, xuất khẩu điều Bình Phước” thành “Hội Điều Bình Phước”. Chị nói, tên gọi cũ chỉ có ý nghĩa đối với doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu điều, chứ không đem lại lợi ích cho người trồng điều. Với tên gọi mới thì Hội Điều Bình Phước sẽ gắn trách nhiệm với người trồng chứ không chỉ là hội của những người kinh doanh xuất khẩu điều. Hiện nay Công ty Mỹ Lệ là doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu điều lớn ở Bình Phước và nằm trong top 20 doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) xuất khẩu có uy tín. 60% sản phẩm xuất khẩu sang thị trường các nước: Hà Lan, Úc, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Canada, Singapore, Hongkong và 40% tiêu thụ nội địa. Trong năm 2010, công ty Mỹ Lệ là một trong 10 doanh nghiệp hàng đầu của Bình Phước đã xuất khẩu các sản phẩm hạt điều ra thị trường thế giới. Riêng công ty Mỹ Lệ đã xuất khẩu được gần 2.000 tấn điều nhân với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 10 triệu USD. Điều đặc biệt, để có lượng hạt điều xuất khẩu thì hầu hết các doanh nghiệp điều ở Bình Phước ít nhiều phải nhập khẩu hạt điều thô từ châu Phi, Ấn Độ về sản xuất. Riêng công ty Mỹ Lệ thì sản phẩm xuất khẩu hoàn toàn là hàng “nội địa” của người trồng điều ở Bình Phước. Đó cũng là một cách làm, một hướng đi đúng của công ty mà Tổng giám đốc Phạm Thị Mỹ Lệ, một người phụ nữ giàu nghị lực đã hoạch định từ trước. Vụ điều năm nay, công ty đã có kế hoạch thu mua 10.000 tấn hạt điều thô để chế biến xuất khẩu 2.000- 3.000 tấn hạt điều nhân.

VỮNG VÀNG HỘI NHẬP

Thành tích cá nhân của chị Phạm Thị Mỹ Lệ trong thời gian qua gồm: Huân chương Lao động hạng 3 của Chủ tịch nước; giải Sao Vàng Đất Việt các năm 2005-2008-2009; giải Quả Cầu Vàng năm 2005 của Bộ Công nghiệp; giải thưởng Chất lượng Việt Nam năm 2005 của Bộ Khoa học Công nghệ; giải thưởng Sao Vàng Miền Đông Nam bộ 2007; nhiều năm liền được Hội doanh nghiệp Việt Nam bình chọn là Doanh nghiệp Việt Nam uy tín - chất lượng - Reputation export enterprise quality (Danh tiếng doanh nghiệp xuất khẩu chất lượng).

Thành công trong ngành điều, hiện Mỹ Lệ đã mở rộng hình thức kinh doanh. Năm 2007, chị chính thức thành lập Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Du lịch Xuất nhập khẩu Mỹ Lệ. Chị đầu tư xây dựng khu công nghiệp, Khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ rộng trên 60ha, cùng với lợi thế về đường giao thông đi lại, các yếu tố lịch sử và hệ sinh thái hấp dẫn tọa lạc tại xã Long Hưng (Bù Gia Mập), Khu vui chơi giải trí, khách sạn cao cấp Mỹ Lệ tại thị xã Phước Long hằng năm đón hàng trăm lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ mát. Đây là khu nghỉ dưỡng được du khách đánh giá cao. Với thành quả hôm nay, bản thân chị đã được tôi luyện trong thời gian khó khăn nhất của cả nước và trưởng thành lúc đất nước mở cửa hội nhập là cơ hội để chị và công ty khẳng định thương hiệu hạt điều Mỹ Lệ đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia đến với bạn bè năm châu.

Thành công là vậy, nhưng ở chị vẫn còn đó nhiều nỗi lo. Lo về diện tích cây điều đang ngày một thu hẹp do người dân tự ý thay các loại cây trồng khác như cao su. Lo về nạn “chảy máu” hạt điều nguyên liệu ra ngoại tỉnh. Lo về chất lượng hạt điều ở Bình Phước bị làm ẩu, dính trộn tạp chất... Những đại lý thu mua chạy theo lợi nhuận, làm xổi, làm ẩu ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu và uy tín của cây điều đã được thế giới công nhận là thơm ngon bậc nhất.

Tấn Phong

  • Từ khóa
91778

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu